Văn hóa ẩm thực ở đất Tổ
Phú Thọ một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, có nền sản xuất nông nghiệp sớm phát triển, có cuộc sống tự do cởi mở trong cộng đồng làng xã được gây dựng từ thời Vua Hùng. Với văn hóa của buổi bình minh dựng nước nên người dân đất Tổ đã sớm biết sáng tạo và hưởng thụ đồ ăn thức uống khoái khẩu.
Từ hạt gạo, hạt đỗ, hạt vừng, từ mật đường, củ, quả, ông cha ta đã chế ra hàng trăm thứ xôi chè bánh trái, kẹo mứt. Từ rau măng củ quả, cá tôm, chim thú trên rừng núi, dưới sông, đầm, cùng với đàn gia súc gia cầm đông đúc gồm trâu, bò, lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng, dê, chó, đã chế biến ra hàng trăm món ăn ngon lành bổ dưỡng.
Ông cha ta chẳng những biết chế ra các món ăn ngon, mà còn biết bầy biện khéo léo thành cỗ bàn theo những cách thức khác nhau: Cỗ chay, cỗ mặn, cỗ bánh, cỗ quả, cỗ ván, cỗ cơm canh, cỗ đủ mùi. Yếu tố văn hóa trong ẩm thực là điều không thể thiếu. Khi ăn cơm con cháu phải mời ông bà cha mẹ, người dưới mời người trên, có món gì ngon nhất trước tiên gắp mời ông bà, cha mẹ và ưu tiên cho đứa bé nhất nhà. Khi có khách thì bao giờ cũng sắp đặt bữa cơm thịnh soạn, cả nhà mời chào săn sóc khách lúc ăn uống. Khi có cỗ bàn mời anh em họ mạc dân làng như cưới vợ gả chồng cho con, khao vọng, mừng đại sự thì chủ nhà phải có lời lẽ mời mọc từng mâm. Lúc xếp chỗ ngồi người ta cũng chú ý xếp theo lứa tuổi cụ ông với cụ ông, cụ bà với cụ bà, con trai với con trai, con gái với con gái. Nghĩa là có tôn ti trật tự.
Trong các hội làng vùng đất Tổ, đã từ lâu có nhiều trò thi tài, dựa trên các sinh hoạt trong đời sống nông nghiệp như thi nấu cơm, thi làm cỗ, thi làm bánh... đó là những sinh hoạt văn hóa hết sức có ý nghĩa.
Các tục lệ nấu cơm thi đều được gắn với truyền thuyết Hùng Vương và Tản Viên. O Hữu Bổ (Lâm Thao) người ta cho rằng tục nấu cơm thi là để kỷ niệm việc Vua Hùng dạy bảo các công chúa nấu cơm. Thi nấu cơm - một hoạt động mang tính chất văn hóa - đã diễn ra ở nhiều nơi trên đất Tổ.
Làng Đoan Hạ (Thanh Thủy) bên sông Đà nấu cơm thi vào ngày tiệc lễ Tản Viên, mồng 4 tháng giêng âm lịch. Theo các cụ, ngày đó Tản Viên đi lễ tết bố vợ về, dừng chân ở Đoan Hạ... Dân địa phương đã nấu cơm, mổ lợn mời Sơn Thánh. Các thôn Gia Dụ, xã Vực Trường (Tam Nông), xã Kinh Kệ (Lâm Thao), xã Đào Xá (Thanh Thủy)... cũng có tục nấu cơm thi.
Ngoài ra còn có tục thi làm bánh, làm cỗ. Các hình thức thi này lại càng đòi hỏi kỹ thuật cao về chế biến lương thực và nấu nướng. Thi nấu cơm thi ở đình còn làm bánh thì làm ở nhà đăng cai, rồi đem ra đình thi. Nhiều địa phương ở Phú Thọ có tục lệ thi bánh nhưng đa số thi bánh dầy, một số nơi thi bánh nẳng và bánh ót. Bánh chưng và bánh dầy là hai thứ bánh “tiên chỉ” trong làng bánh Việt Nam nói chung và vùng đất Tổ nói riêng - bánh chưng chỉ làm lễ vật tế thần linh nên không thi, bánh dầy cũng là bánh đầu vị tế lễ thần linh được đem ra thi tài bếp núc. Để có được bánh ngon và dẻo, khâu đầu tiên là kén gạo, gạo chọn làm bánh được tải ra mâm thau và được chọn từng hạt. Gạo được xôi chín đem giã, giã xong thì bắt bánh. Bánh được bắt bằng rượu và lòng đỏ trứng gà.
Vào ngày mồng 3 tháng giêng, thôn Ca - Dốc xã An Đạo (Phù Ninh) có thi cỗ bánh dầy. Mỗi giáp làm một cỗ. Mỗi chiếc bánh xếp vào một đĩa lớn, lòng đĩa lót giấy bản. Xếp bánh xong, người ta kéo giấy buộc túm lại, xoắn một tờ giấy nhỏ làm dây buộc. Tất cả được xếp vào một mâm và trên cỗ bánh có trang trí hoa dây. Các mâm bánh dự thi được xếp thành hàng trên một thửa ruộng cao ráo, hai bên ruộng cắm cờ đuôi nheo. Dân làng tổ chức lễ thần ngay tại đó. Tiệc bánh dày xã Nha Môn, nay thuộc xã Tiên Du (Phù Ninh) vào ngày mồng 6 tháng giêng âm lịch lại có lệ đặc biệt; chỉ có hương lý mới được giã bánh, bắt bánh. Mỗi hương lý được sửa bốn chiếc, mỗi chiếc đường kính 30 phân. Tế xong, bánh được đem về xóm chia cho hết thảy dân làng, kể từ em bế ẵm ngửa. Điều này thể hiện tinh thần dân chủ cộng đồng từ thời Hùng Vương dựng nước còn tồn tại lâu dài ở các xã thôn xưa. Đây là một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực.
Xã Hiền Quan (Tam Nông) có hình thức độc đáo: Làm “cây bánh”. Vào ngày tiệc lệ 13 tháng giêng, mỗi giáp làm một cây bánh gồm các thứ bánh chưng, bánh dầy, bánh mật, bánh bỏng, bánh gai, chè lam, bánh nẳng, bánh rán và hoa quả xếp chồng lên nhau có khi cao tới một mét. Nhân dân gọi đó là “cây lương” của bà Thiều Hoa. Cây lương đó được trao về cho cả giáp gọi là lễ “phân lương”, một nghi thức tưởng niệm quân bà Thiều Hoa nhận lương xuất trận đánh đuổi giặc Hán.
Bánh mật xã Thụy Vân (Việt Trì) vào ngày tiệc mồng 9 và mồng 10 tháng giêng xứng đáng được suy tôn là bánh “khổng lồ”. Bánh có đường kính 30 phân mét và rất cao. Người ta đặt bánh vào nồi 40 và buộc dây chão giữ cho bánh đứng tới khi bánh chín.
Bánh làm để dâng kính vào những ngày lễ thuộc về vấn đề tâm linh- văn hoá tâm linh song cũng thuộc lĩnh vực văn hóa ẩm thực bởi dâng cúng xong người ta chia cho mọi người thưởng thức. Bánh ngon đẹp mắt, để lại trong mọi người những ấn tượng sâu sắc, lâu bền. “Miếng ngon nhớ lâu” đó chính là nét đẹp văn hóa ẩm thực.
Nguồn: Báo Phú Thọ