Paris - Miền đất đa văn hoá
Paris - kinh đô của ánh sáng, đó là cái tên đã có từ rất lâu rồi. Người ta vẫn thường biết đến Paris với những thú thời thượng như: rượu, nước hoa, quần áo và nghệ thuật ẩm thực... chứ chẳng mấy ai nghĩ tới nó như một thành phố đa văn hóa. Trung bình cứ 7 người Pháp thì có 1 người có gốc từ các nước châu Phi, Mỹ La Tinh hay châu Á và Nam Thái Bình Dương. Hàng năm có tới 60 triệu du khách đến với "Pari diễm lệ", có lẽ chính quá khứ cùng với quá trình thuộc địa hóa đã làm cho Paris trở thành nơi quy tụ và thể hiện sống động những quan hệ lịch sử và văn hóa ấy.
Nép mình giữa những dãy phố lớn, những tượng đài đồ sộ và những góc nhỏ mang tên Ấn Độ, Trung Hoa hay Arập. Paris vẫn luôn và mãi như vậy, đẹp như những vần thơ, những lời giới thiệu mà bạn từng được nghe. Nhưng để khám phá một Paris theo một nghĩa khác thì tốt nhất bạn đừng nên đi theo đại lộ rực rỡ Champ Elyseé, đừng đến điện Louvre hay tháp Eiffel mà hãy tự mình bách bộ bởi lẽ đó là một trong những cách lý tưởng nhất để tìm hiểu thành phố.
Paris thực sự là một thành phố đa văn hoá. Nổi tiếng và hấp dẫn du khách nhất phải kể đến Phố Tàu. Thực ra ở Paris có tới hai Phố Tàu, một ở quận 13 và một ở quận 9. Trước kia quận 13 là nơi cư trú của người ngoại tỉnh đến Paris. Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất một số người nhập cư từ các nước thuộc địa đã đến định cư ở đây. Nhưng mãi đến những năm 70 quận 13 mới thực sự trở thành điểm đến của làn sóng người nhập cư từ khắp nơi trên thế giới tới. Đầu tiên là ngưòi châu Á như Campuchia, Lào, Việt Nam rồi sau đó là Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Đài Loan... Rất nhanh những người này lập tức bắt tay vào việc mở cửa hàng và bán đồ ăn truyền thống và một số lĩnh vực khác.
Hoạt động buôn bán nhộn nhịp ở khu này, nhất là ở khoảng giữa phố Choisy, Tolbiac và đại lộ D'lvry là bằng chứng sống cho những thành công của những người chọn mảnh đất này làm quê hương thứ hai của mình. Khu chợ lớn trên đại lộ D'lvry hấp dẫn du khách với món mỳ tươi, vịt sống và đủ thứ hoa quả cùng rau xanh có nguồn gốc từ Châu Á. Trong những căn phòng rộng rãi có đủ loại nhà hàng ăn uống mà người ta có thể thấy ở các con phố ở Hồng Kông hay Băng Cốc. Nhưng cảnh ǎn uống chỉ thực sự sôi động khi đêm về với đủ loại món ăn Thái, Malaixia, Lào, Việt Nam... thơm lừng khắp phố...
Phố Tàu thứ hai ở khu Belleville bên kia thành phố, nơi từng được coi là "Tiểu Tunis" do có nhiều người Bắc Phi sinh sống hồi đầu những nǎm 1970. Nay thì mọi chuyện đã khác, Belleville trở thành nơi cư ngụ của cộng đồng người Hoa đến từ Đông Dương những năm 80. Đặc điểm nổi bật của khu này là những nhà hàng ăn Trung Hoa lớn nhỏ dọc theo các phố. Niềm say mê phương Đông của Paris còn được thể hiện qua những bộ sưu tầm nghệ thuật châu Á. Năm 1871, nhà tài chính gốc Milăng, Henry Cernuschi đã du ngoạn đến Nhật Bản và Trung Quốc. Hai năm sau ông mang về 5.000 tác phẩm nghệ thuật bằng các chất liệu gỗ, đồng, ngà voi và gốm. Bộ sưu tập khổng lồ đó đã được gìn giữ trong một bảo tàng đặc biệt tại số 7 đại lộ Velasques và được trao cho thành phố Paris khi ông qua đời.
Người Nhật cũng có sự hiện diện đáng kể ở Paris. Hàng ăn Nhật có mặt ở khắp các thành phố nhưng tập trung đông nhất vẫn là phố St.Anne, quận 2. Nếu muốn "xịn" hơn bạn có thể đến với khách sạn Nikko ở quận 15 - nơi có nhà hàng ăn Nhật Bản rất ngon và cả những siêu thị bán thực phẩm Nhật Bản.
Ngoài khu phố Tàu, khi đến Paris đa số khách du lịch đều tìm đến với khu Tiểu Ấn Độ. Đi từ ga phía bắc dọc phố Faubourg St.Denis tới đại lộ Chapelle là bạn đã đến với khu "Tiểu Ấn Độ" ở quận 10. Bạn sẽ ngay lập tức có cảm giác rằng nơi đây không còn là Paris hoa lệ nữa, và dường như bạn đang lạc vào một vùng giao thoa văn hóa nào đó. Dọc phố thương nhân Ấn Độ, Xrilanka, những người buôn bán nhỏ bày bán đủ thứ từ mứt hoa hồng, lụa Kanchipuram, băng video Tamin cho đến những cây đàn Xita. Vào dịp cuối tuần, khu vực này thật náo nhiệt với những quán ăn trên phố Faubourg chật cứng khách hàng. Đây là nơi bạn có thể tìm thấy đồ ăn Ấn chính hiệu trong các cửa hàng và siêu thị; rau tươi, dưa chua, gia vị với hương vị sực nức hoà trong không gian đủ để đưa du khách về với vùng đất Jodpur hay Chitighar trên đất Ấn Độ. Dọc phố còn có những cửa hiệu bán những tấm áo Xari cổ truyền của Ấn Độ, ngoài ra còn có các sản phẩm khác như: hương trầm và đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống. Nếu đã mệt vì mua sắm bạn có thể tạt vào một nhà hàng nhỏ dể khoan khoái tận hưởng ly lasi lạnh hay món ǎn nhẹ nào đó mà bạn thích.
Khu Passage Brandy - nơi hàng chục bác phó cạo suốt ngày lách cách dao kéo. Màn cắt tóc ở đây thường được kết thúc bằng một pha matxa mặt và cổ rất thú vị. Cuộc sống của người dân Ấn Độ thường xoay quanh những lễ hội, nhảy múa và âm nhạc. Trong khu "Tiểu Ấn Độ" đâu đâu cũng thấy những áp phích để quảng cáo cho những sự kiện văn hóa sắp sửa diễn ra.
Lễ hội nổi tiếng và vui vẻ nhất được tổ chức hàng năm vào tháng 6 với màn rước kiệu và tượng thánh Krishama và múa hát linh đình. Ngay cạnh quảng trường Cộng Hòa ở quận 2 là "Trung tâm Yoga" tại 132 đại lộ Sebastopol, nơi mà ngoài các lớp học về Yoga còn có các cuộc hội thảo và hòa nhạc với sự tham gia của các nghệ sĩ đến từ Ấn Độ.
Paris luôn quyến rũ khách. Nó luôn tiềm ẩn những điều thú vị đáng chiêm ngưỡng và khám phá. Những địa danh quen thuộc là nơi hấp dẫn khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới dù mới chỉ đến lần đầu tiên nhưng với máu "lãng du" họ sẽ tìm thấy nhiều hơn thế. Thành phố kỳ diệu này mang trong mình rất nhiều điều kỳ lạ, hấp dẫn và sẽ thật là lý thú nếu ai đó cũng tìm ra một Paris cho riêng mình.
(Nguồn: danangpt)