Những kiệt tác bên bờ sông Loire
Đối với nhiều du khách nước ngoài, vùng sông Loire có nét đặc biệt Pháp từ kiến trúc, cách ăn nói cho đến lối sống. Còn dân bản xứ thì xưa nay xem vùng này là “cái vườn của nước Pháp”.
Vì nơi đây trồng nhiều hoa và cung cấp cho các vùng lạnh hơn như Paris các loại rau trái đặc biệt thơm ngon, là vùng sản xuất nhiều thứ rượu vang khá nổi tiếng. Nhưng nét thu hút của vùng này chính là các kiến trúc cổ.
Loire là con sông dài nhất của Pháp (1.020km). Đầu những năm 30 của thế kỷ 19, thuyền bè chuyên chở hàng hóa và hành khách vẫn đi lại tấp nập trên sông Loire nên người Pháp gọi nó là “con đường biết đi” mà Charles d’Orléans, La Fontaine, Honoré de Balzac, Victor Hugo... từng ca ngợi.
Vào thời đó, đi thuyền xuôi dòng từ Orléans đến Nantes (chừng 300km) phải mất khoảng sáu ngày vì dòng sông có nhiều cồn cát, chỗ nước xoáy...; còn đi ngược dòng thì phải mất 15 - 20 ngày (trong khi ngày nay đi ôtô trên xa lộ mất khoảng ba giờ). Nhưng rồi sự cạnh tranh của xe lửa đã "giết chết" việc vận tải bằng tàu thuyền trên sông Loire vào năm 1862.
Vùng sông Loire có đến hàng trăm lâu đài. Trong số đó các lâu đài đẹp nhất được xây dựng vào thời Phục hưng (thế kỷ 16) như Amboise, Azay-le-Rideau, Blois, Chambord, Châteaudun, Chenonceaux, Ussé, Villandry... cũng như các lâu đài thuộc thời Cổ điển (thế kỷ 17, 18) như Cheverny, Valenay, Serrant... cùng các pháo đài được xây trong thời Trung cổ (thế kỷ 11 - nửa thế kỷ 15) như Angers, Chinon, Langeais, Loches, Sully...
Nếu có dịp đến Pháp, từ Orléans (cách Paris khoảng 100km) bạn hãy thử đi về phía hạ lưu ở tả ngạn sông Loire để lần lượt tham quan các kiệt tác kiến trúc như:
Chambord, cách Orléans chừng 35km, nằm giữa rừng Boulogne, trên một vùng đất 5.000ha với 32km tường thành bao quanh. Được xây dựng năm 1519 dưới triều vua Franoir 1 (1515-1547), có chiều rộng 117m, dài 156m, gồm 440 phòng, Chambord là lâu đài lớn nhất ở vùng sông Loire.
Nó tạo một ấn tượng rất mạnh với du khách lần đầu tiên đến thăm, nhất là vào hoàng hôn, khi bất ngờ hiện ra như một khối trắng giữa một khu rừng rộng mênh mông.
Người ta có cảm giác đó là một lâu đài trong truyện thần tiên. Với kiến trúc hài hòa và phong cách trang trí Phục hưng đạt đến đỉnh cao nhất, Chambord báo hiệu sự xuất hiện của lâu đài Versailles mà Louis 14 (1643-1715) sẽ xây vào nửa sau của thế kỷ 17.
Khi được tiếp ở đây, hoàng đế Charles Quint đã phải thốt lên: “Chambord là sự kết tinh tất cả kỹ xảo của con người”. Dường như nhà danh họa Leonardo da Vinci đã tham gia thiết kế Chambord trong thời gian ông lưu trú ở Amboise (1516-1519). Sau nhiều lần thay đổi chủ, lâu đài được Nhà nước Pháp mua lại vào năm 1930 và trùng tu như hiện nay.
Chenonceaux, cách Chambord chừng 50km, được xây từ 1513 - 1521 bên bờ sông Cher (phụ lưu của sông Loire), trong khung cảnh tự nhiên thật thơ mộng; và thường được gọi là “lâu đài của sáu người đàn bà” - những nhân vật nữ nổi tiếng trong lịch sử Pháp thời Phục hưng đã gắn bó mật thiết với kiến trúc này.
Trong số đó có Catherine Brionnet, người đã đứng ra đôn đốc việc xây dựng lâu đài; Diane de Poitiers, một góa phụ mà vua Henri 2 say mê như điếu đổ dù trẻ hơn bà đến 20 tuổi, người đã cho xây cầu nối lâu đài này với bờ bên kia của sông Cher và làm một khu vườn rất đẹp ở phía trái lâu đài; Catherine de Médicis, hoàng hậu của Henri 2, người đã trả thù tình địch Diane de Poitiers bằng cách đổi lâu đài Chaumont lấy lâu đài Chenonceaux sau khi chồng chết; bà Pelouze, người đã trùng tu Chenonceaux đúng như thời kỳ đầu sau khi mua lâu đài.
Blois, được xây dựng chủ yếu trong thế kỷ 16, là một Versailles của thời Phục hưng, nơi đã diễn ra nhiều biến cố chính trị quan trọng của nước Pháp. Lâu đài Blois mang nhiều phong cách kiến trúc khác nhau, từ thế kỷ 13 - nửa đầu thế kỷ 17. Trong lâu đài này, cái cầu thang hình bát giác xây dưới thời Franois 1 được coi là một kiệt tác về kiến trúc và điêu khắc.
Amboise, được vua Charles 8 bắt đầu xây dựng từ 1492. Trong cuộc viễn chinh sang Ý(1495-1497), vị vua này đã mời về Amboise khoảng 20 nhà bác học, kiến trúc sư, nhà điêu khắc, thợ may, thợ làm vườn, trang trí... người Ý. Chính những người này đã đem lại nét mới cho nghệ thuật vùng sông Loire và góp phần đưa phong cách Phục hưng tại Pháp lên đến tột đỉnh.
Được vua Franois 1 mời, Leonardo da Vinci đã đến sống ba năm ở Amboise và qua đời ở đây ngày 2-5-1519.
(Nguồn: TTCN)