Marseille (Pháp), quê hương của những thủy thủ
Náo nhiệt như các thành phố cảng và hoa lệ như mọi thành phố nước Pháp, Marseille vì thế mà độc nhất vô nhị, kiêu sa mà phóng khoáng, đài các mà rộn ràng.
Bến cảng ngàn năm
Chúng tôi xuống sân ga Marseille vào xế trưa tháng Sáu. Ngoại vi thành phố hiện ra với những dãy núi đá vôi cây cối cằn cỗi. Thành phố biển ban trưa lẽ ra tĩnh lặng nếu không có những cơn gió thốc thật mạnh như muốn giật tung mọi thứ.
Marseille được xem là thành phố cổ nhất nước Pháp. Theo truyền thuyết, khoảng 600 năm trước Công nguyên, một đoàn thủy thủ người Hy Lạp lần đầu tiên đặt chân lên vịnh biển được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi này. Ngày hôm đó cũng là ngày diễn ra buổi tiệc khiêu vũ chọn chồng của nàng công chúa bản xứ. Đoàn thủy thủ được mời tham dự và chàng trai khôi ngô, tuấn tú nhất trong đoàn đã lọt vào mắt người đẹp. Kể từ đó chàng cùng đoàn thủy thủ ở lại đây giúp người dân xây dựng cảng biển và phát triển buôn bán.
Hải cảng Vieux Port có phong cảnh nên thơ, trên là núi trải dài hùng vĩ, dưới là biển xanh trong tấp nập tàu bè, những cánh diều đủ màu trên bãi biển bay phấp phới.Giờ cảng công nghiệp đã được chuyển đi chỗ khác nên nơi này trở thành bến du thuyền phục vụ khách du lịch. Marseille mơ màng nhất khi hoàng hôn loang dần trong không gian, khoảnh khắc trời biển thay màu, phố thị cũng bị sắc đỏ của trời chiều phủ xuống, trở nên thâm trầm hơn, bí ẩn hơn. Nhiều người ngồi trầm tư trên ghềnh đá trước biển, lặng lẽ ngắm biển chiều cho đến tận khi màn đêm buông xuống. Không biết trong gần ba ngàn năm tồn tại, bao nhiêu lượt người đã chiều chiều ra biển chờ mong thuyền về?
Nằm bên biển cả bao la, những ngọn gió mát rượi không ngừng thổi qua thành phố, cuốn đi mọi bức bối, nặng nề của đời sống đô thị, mang về dòng không khí tươi mới. Những người chúng tôi gặp như tài xế taxi, đầu bếp, phục vụ bàn đều rất nhiệt tình trò chuyện, cười đùa, họ làm việc mà như đang tận hưởng cuộc sống. Dễ dàng gặp trên đường phố mái tóc tết hình luống khoai của các chàng trai da màu, những chiếc áo hoa màu sắc rực rỡ và những món trang sức diêm dúa của các cô gái da đen. Thỉnh thoảng nghe vọng tiếng nhạc bập bùng từ những chiếc ôtô chạy lướt qua.
Do có chính sách nhập cư thoáng, Marseille ngày càng trở nên nhộn nhịp và đa sắc. Chưa kể cách sống của những thủy thủ xưa dường như còn để lại dấu ấn lên không khí ồn ào náo nhiệt ban đêm ở thành phố này. Đêm xuống, dãy quán bar ven biển với đủ loại nhạc và đủ cách bài trí cuốn hút những ai say mê cuộc vui thâu đêm suốt sáng.
Ngoài những đại lộ chính trồng cọ cao vút với các đài phun nước lộng lẫy, các tòa nhà cổ kính sang trọng, Marseille còn có những dãy phố rêu phong cũ kỹ. Còn đó những ban công đen xỉn, những con phố hẹp lát đá ngoằn ngoèo giữa hai dãy nhà sâu hun hút, những ô cửa chỗ bám rêu, nhiều chỗ tróc cả sơn. Cũ kỹ nhưng không tàn tạ, phố nghèo là một phần không thể thiếu của Marseille, góp phần tạo nên một bức tranh thành phố đa sắc và đa chiều.
Là nơi giao thương buôn bán phát triển nhưng trong lịch sử, Marseille đã phải chịu nhiều cuộc chiến, nạn đói và nhất là hạn hán triền miên. Có lẽ những yếu tố đó đã tạo nên tính cách người Marseille dễ tiếp nhận cái mới nhưng rất khó khuất phục. Vào thế kỷ XVII, vùng đất này từng bị coi là thành phố của những kẻ nổi loạn, bởi khi đó vua Louis XIV đang thực hiện kiểm soát chặt chẽ các tỉnh bằng chế độ quân chủ chuyên chế và đã gặp nhiều khó khăn nhất với Marseille. Suốt ba tháng cho quân vây hãm với những nòng đại bác chĩa thẳng vào trung tâm Marseille, vị hoàng đế vĩ đại của nước Pháp mới thần phục được thành phố này.
Những viên ngọc của thành phố
Bình minh lên, những cánh chim hải âu bắt đầu dập dờn chao liệng trên bến cảng. Ngày đầu hè, ánh nắng chan hòa khắp nơi nhưng những ngọn gió vẫn còn mang hơi lạnh. Chúng tôi tham quan nhà thờ Notre Dame de la Garde, một trong những biểu tượng của thành phố. Nhà thờ được xây cất từ năm 1218 trên một ngọn đồi cao gần 162m và được hoàn thiện như ngày nay vào năm 1864. Sau gần một giờ vừa thong thả leo dốc, vừa ngắm các ngôi nhà xinh xắn tường phủ hoa hai bên sườn đồi, chúng tôi bước vào nơi có không khí thâm nghiêm nhất thành phố.
Từ nhiều thế kỷ qua, thánh đường này là chốn hành hương của người mộ đạo các vùng lận cận. Nhiều người gọi tượng Đức Mẹ bồng chúa Jesus trên đỉnh tháp chuông là Bonne Mère (Đức mẹ nhân từ) vì tin tưởng bức tượng linh thiêng che chở cho nhiều người đi biển.Ngày nay, bức tượng còn được coi là biểu tượng cho thái độ cởi mở đón nhận của thành phố đối với những người dân nhập cư. Tượng cao 9,7m được dát bằng gần 30 ngàn lá vàng luôn chói sáng trong nắng, có thể nhìn thấy từ bất cứ vị trí nào trong thành phố. Trong nhà thờ có treo mô hình các tàu bị đắm và những câu chuyện, những hình ảnh về các sinh mạng đã được Đức Mẹ cứu vớt. Một bầu không khí trang nghiêm, kính cẩn bao trùm khiến mọi khách tham quan đều phải cúi đầu thành kính.
Trước thế kỷ XIX, tầng lớp quyền lực của Marseille chỉ chú trọng đến chuyện kinh doanh mà chưa nghĩ đến việc tô điểm cho thành phố. Marseille hoàn toàn thiếu vắng các kiến trúc đẹp cho đến khi vua Napoleon đệ tam có những chính sách khuyến khích thành phố xây dựng các công trình nghệ thuật. Để làm gương, nhà vua bỏ tiền riêng xây dinh thự Palais du Pharo thật nguy nga. Ông gọi đây là tòa lâu đài có đôi chân trong biển vì Palais du Pharo được xây trên một mỏm đá rất lớn nhô ra biển.
Ban đầu người dân Marseille vốn không thích các vua dòng Bonaparte, nhưng Napoleon đệ tam đã có những chính sách mang lại sự thịnh vượng cho nơi này nên hội đồng thành phố dâng tặng mỏm đá trên cho quân vương để biểu thị lòng biết ơn. Sau khi xây dựng xong nhà vua tặng lâu đài cho hoàng hậu của mình, còn bản thân ông thì không bao giờ có dịp đặt chân đến đây.
Từ khi tình yêu đối với cái đẹp được quân vương khơi dậy, một loạt kiến trúc đậm chất mỹ thuật như nhà thờ Nouvelle Major, Palais Longchamps, đại lộ Canebière, đại lộ Le Prado liên tiếp được xây dựng... Tất cả đều thật sự là những công trình tuyệt đẹp, làm bộ mặt Marseille trở nên sang trọng hơn, xứng đáng là một thành phố tầm cỡ của nước Pháp.
Thật ra Palais du Pharo nổi tiếng là vì sự đồ sộ và vì tính lịch sử, chứ sự tinh tế, cầu kỳ thì không thể so sánh nhà thờ Nouvelle Major được xây vào năm 1852 và mất đến 40 năm mới hoàn thành. Nouvelle Major có kiến trúc theo lối byzantine được xây bằng nhiều loại đá khác nhau.
Từ xa, màu đá phát sáng dưới ánh mặt trời trông thật lộng lẫy, nhìn không chán mắt. Còn “lâu đài nước” Palais Longchamps có thể gọi là công trình vị nghệ thuật, bởi nó được xây nên chỉ để tôn vinh, ca ngợi nguồn nước. Marseille trước thế kỷ XIX luôn thiếu nước trầm trọng.
Đến năm 1838, hội đồng thành phố quyết định đào một con kênh dẫn nước từ sông Durance về cung cấp cho Marseille và nhân đây cũng xây một tác phẩm kiến trúc thật đẹp để kỷ niệm. Hoàn thành vào năm 1862, Palais Longchamps như một lâu đài hình bán nguyệt được tạo bởi hàng cột tráng lệ, bên trong là đài phun nước đồ sộ với những trang trí điêu khắc tuyệt mỹ.
Nhiều người nói Marseille chỉ là nơi làm ăn, bởi lẽ thiên nhiên đã không ban tặng cho nơi đây nhiều danh lam thắng cảnh như những địa danh khác của nước Pháp. Nhưng không gian thoáng đãng, nắng vàng, biển xanh và gió lộng làm Marseille có vẻ gì đó tình tứ, quyến rũ vô cùng. Như trong truyền thuyết khai sinh ra thành phố, chốn dừng chân ngọt ngào này đã làm bao nhiêu thủy thủ quên đi những giấc mộng hải hà.
Nguồn: Vietravel