Văn Lâm : Một làng nghề thêu ren truyền thống của Ninh Bình
Nét xưa cao quý của một làng nghề thêu ren ngày càng đượm sắc tại Văn Lâm (xã Ninh Hải, Hoa Lư). Tới Văn Lâm, du khách sẽ thấy các đền thờ vị tổ nghề thêu. Trên cột đá của đền có tạc 2 câu đối: “Mỹ nghệ hoa văn truyền hậu thế – Tài hoa cẩm tú ngưỡng tiên sinh”.
Ngẫm ra mới thấy đời cha ông xưa xử thế thật văn hoá: dựng đền thờ ghi công ơn người xưa truyền nghề cho đời sau. Gìn giữ nghề là một nét đẹp cao quý. Để gìn giữ truyền thống nghề và phát triển trong thời hội nhập, các cấp chính quyền của xã Ninh Hải, thôn Văn Lâm đã tạo lập được doanh nghiệp, 14 tổ hợp phát triển nghề, có hiệp hội làng nghề và phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân trong làng.
Đây là nét văn hoá nghề của làng. Sản phẩm làm ra rất có hồn, thoả mãn nhu cầu người tiêu dùng. Đến Văn Lâm, du khách bắt gặp “Đình thợ, Chợ nghề” chứa đựng hình ảnh của người thợ Văn Lâm.
Đình thợ là sự tận dụng của người thợ thêu. Lúc chờ đò, lúc đợi khách, họ vẫn có thể làm sản phẩm, giữ gìn tay nghề và cũng là một hình thức quảng bá thương hiệu. Đình thợ còn là nơi che mưa, che nắng cho họ. Còn Chợ nghề, là nơi bán hàng có trật tự. Tận dụng thời gian rảnh rỗi, những người bán hàng lại về với đường kim mũi chỉ. Văn Lâm là một làng nghề thêu ren truyền thống qua nhiều đời và trở thành “vương quốc của thêu ren”.
Tương truyền, từ năm 1258, khi Vua Trần Thái Tông tròn 40 tuổi, nhường ngôi cho con rồi làm Thái Thượng Hoàng, đã về vùng núi Vũ Lâm tu hành và lập căn cứ kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2 (1285). Bà Trần Thị Dung là vợ Thái sư Trần Thủ Độ theo triều đình nhà Trần về đây đã truyền dạy cho nhân dân thôn Văn Lâm nghề thêu ren. Như vậy làng nghề này đã có trên 700 năm.
Với tuổi đời của mình, đến nay Văn Lâm đã trở thành một làng nghề lớn mạnh, luôn được bảo tồn và phát huy. Đồng thời Văn Lâm đang kết hợp hài hoà giữa làng nghề và du lịch, nồng nhiệt đón chào du khách thập phương. Đến với Văn Lâm, du khách sẽ có một sự hiểu biết cụ thể hơn với những sản phẩm đẹp đẽ mà mình sử dụng.
Để du khách đến tham quan, lưu trú dài ngày, làng đã đầu tư các khâu dịch vụ ăn và ở chu đáo, tiện nghi, lịch sự, làm vui lòng khách đến vừa lòng khách đi. Mỗi nhà dân là một khu du lịch nhỏ mà du khách có thể lưu lại nghỉ ngơi sinh hoạt cùng với những người thợ nghề. Du khách sẽ khám phá những nét tinh xảo của người thợ, hiểu được những hình ảnh văn hóa đậm nét được truyền tải vào mỗi sản phẩm là tâm hồn, là cuộc sống và con người đất Việt.
Bằng những sợi chỉ mảnh mai, cùng những miếng vải đủ mọi sắc màu, với đôi bàn tay vàng, người thêu ren đã tạo nên những tác phẩm nghệ thụât khéo léo. Đường nét thêu ren rất tinh xảo, uyển chuyển, mềm mại, thanh tú, sống động. Sản phẩm thêu ren tại đây rất phong phú như: ga trải giường, rèm cửa, gối, khăn bàn, khăn ăn, khăn tay, tranh, ảnh... Bàn tay tài hoa của người thợ Văn Lâm tạo ra sản phẩm thêu xuất khẩu đến các nước Nhật, Mỹ, Đức, Pháp...
Ở lại làng Văn Lâm, du khách sẽ hoà nhịp vào cuộc sống sinh hoạt của người dân vùng quê Việt Nam chất phác, thuần hậu, thân thiện; được ngủ trên những chiếc giường tre làm từ cây tre Việt Nam đã gắn bó bao đời nay.
Với du khách nước ngoài sẽ có một điều khá thú vị khi đến nơi này vì người dân Văn Lâm đang tiến tới mỗi nhà sẽ có một người hiểu và nói được ngôn ngữ của du khách. Và với môi trường trong lành, không khí thanh bình, êm ả, thoáng mát của một vùng nông thôn tươi đẹp, du khách sẽ không phải bận lòng vì sự an toàn của bản thân vì nơi đây môi trường an ninh được đảm bảo.
Vậy còn chần chừ gì nữa? Hãy tới Văn Lâm để được chào đón nồng nhiệt để có những ngày thú vị và chắc chắn sẽ làm du khách hài lòng.
Nguồn: website du lịch Ninh Bình