Cố đô Hoa Lư
Vị trí: Cố đô Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền Việt Nam có cách đây gần 10 thế kỷ, thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, cách thủ đô Hà Nội gần 100 km về phía Nam.
Đặc điểm: Kể từ năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế ở Hoa Lư thì kinh đô Hoa Lư tồn tại 41 năm (968 - 1009) trong đó 12 năm là triều đình đại Đinh (Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế hiệu là Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt) và 29 năm kế tiếp là triều đại Lê (người đầu tiên là Lê Hoàn lên ngôi Hoàng Đế hiệu là Lê Đại Hành).
Hơn ngàn năm trước, Hoa Lư là đế đô thật nguy nga, tráng lệ. Những núi đồi trùng điệp xung quanh vòng đai kinh đô như tấm bình phong; sông Hoàng Long uốn khúc và cánh đồng Nho Quan, Gia Viễn mênh mông là hào sâu thiên nhiên rất thuận lợi về mặt quân sự.
Kinh đô Hoa Lư xưa rộng khoảng 300 ha, gồm Thành Ngoại, Thành Nội và Thành Nam, được bao quanh bởi hàng loạt núi đá vòng cung, cảnh quan hùng vĩ, khoảng trống giữa các sườn núi được xây kín bằng đất ken gạch, chân thành có gạch bó, đắp cao từ 8 - 10 mét.
Thành Ngoại rộng khoảng 140 ha thuộc địa phận thôn Yên Thành, xã Trường Yên. Ðây là cung điện chính mà khu vực đền Ðinh, đền Lê là trung tâm và cũng chính là nơi vua Ðinh Tiên Hoàng cắm cờ dựng nước. Trước cung điện có núi Mã Yên tương truyền vua Ðinh đã lấy nơi này làm án.
Thành Nội thuộc thôn Chi Phong, xã Trường Yên có tên là Thư nhi xã, nơi nuôi trẻ em và những người giúp việc trong cung đình.
Thành Nam (thành ở phía Nam, nằm đối diện và nối liền với khu Thành Ngoại) xung quanh có núi cao bao bọc, án ngữ phía Nam kinh thành, bảo vệ mặt sau, từ đây có thể nhanh chóng rút ra ngoài bằng đường thủy.
Phía Ðông kinh thành có núi Cột cờ - nơi có lá quốc kỳ Ðại Cồ Việt, có ghềnh tháp - nơi vua Ðinh duyệt thủy quân, hang Tiền nơi lưu giữ tài sản quốc gia, động Thiên Tôn - tiền đồn của Hoa Lư và hang nhốt hổ, báo để xử kẻ có tội.
Đến năm 1010 Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Kinh đô Hoa Lư trở thành cố đô.
Ðến đời Lê Hoàn đã cho xây thêm nhiều cung điện lộng lẫy: điện Bách Thảo Thiên Tuế, điện Phong Lưu ở phía Ðông, điện Vinh Hoa ở phía Tây, điện Bồng Lai bên tả, điện Cực Lạc bên hữu, lầu Hỏa Vân và điện Trường Xuân, điện Long Lộc được lợp ngói làm bằng bạc.
Trải qua mưa nắng hơn 10 thế kỷ, các di tích lịch sử ở cố đô Hoa Lư hầu như bị tàn phá, đổ nát. Hiện nay chỉ còn lại đền vua Ðinh và đền vua Lê được xây dựng vào thế kỷ XVII.
Ðền vua Ðinh được xây theo kiểu "Nội công ngoại quốc" trên nền cung điện chính thuở xưa, uy nghi với ngọ môn quan, hồ sen, núi Giả, vườn hoa, nghi môn ngoại, nghi môn nội cùng ba toà bái đường, Thiêu hương và hậu cung. Tại bái đường có "Long Sàng" làm bằng đá nguyên khối với đôi nghê đá rất sống động. Tiếp đó là nhà thiêu hương thờ các vị khai quốc công thần. Trong cùng là hậu cung đặt tượng vua Ðinh Tiên Hoàng cùng các con trai ông. Các hình chạm khắc trên đá, trên gỗ với các đề tài rồng, mây, tiên nữ, hoa lá... trang trí tại đền đều khá tinh xảo.
Ðền vua Lê nằm cách đền vua Ðinh chừng 500 mét thờ vua Lê Ðại Hành. Ðền vua Lê có quy mô nhỏ hơn nhưng có có ba toà: Bái đường, Thiêu hương thờ Phạm Cự Lượng, người đã có công giúp Lê Hoàn lên ngôi; Chính cung - thờ vua Lê Ðại Hành (tức Lê Hoàn) ở giữa, bên phải là Lê Ngoạ Triều (con trai vua Lê), bên trái là Hoàng hậu Dương Vân Nga. Ðền vua Lê còn giữ nhiều dấu tích kiến trúc cổ với những mảng chạm trổ công phu, điêu luyện. Tại đây người ta đã tìm thấy di tích nền cung điện cũ cùng một số gốm sứ cổ. Những hiện vật quý này được lưu giữ tại phòng bảo tàng phía trái khu đền.
Khu di tích Hoa Lư còn có một số ngôi chùa khá đẹp như: chùa Ngân Xuyên (gần chân núi Mã Yên), chùa Nhất Trụ (cách đền vua Lê khoảng 200 mét) thu hút được nhiều du khách đến dâng hương, vãn cảnh.
Ngoài ra, điều khiến du khách tâm đắc khi thăm khu di tích cố đô Hoa Lư là được gặp những người hướng dẫn rất thú vị. Câu chuyện về triều đại vua Ðinh, vua Lê được họ kể một cách giản dị mà vẫn sâu sắc, đặc biệt trong đó chứa đầy niềm tự hào, thành kính của những người con cố đô với tổ tiên.
Ngày nay trên nền cung điện năm xưa là hai ngôi đền cách nhau chừng 500m. Một đền thờ Đinh Tiên Hoàng và một đền thờ Lê Đại Hành. Cũng vì hai ngôi đền thờ hai vị hoàng đế rất gần nhau nên nhân dân quen gọi là đền Đinh - Lê.
Về thăm lại đất Hoa Lư lịch sử là dịp để chúng ta chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc, những nét đẹp hoành tráng của toàn bộ khu di tích, ghi dấu thời kỳ mở nước huy hoàng, độc lập, tự chủ của đất nước Đại Cồ Việt từ ngàn năm về trước...