Hó Moọc - Món báo hiếu của người Thái Nghệ An
Trong những ngày lễ Tết quan trong, đặc biệt là ngày rằm tháng 7, ngày vu lan báo hiếu, mâm cỗ cúng của đồng bào Thái miền Tây nghệ An không thể thiếu món Hó Mooc, món bánh được làm từ gạo và những cây cỏ, gia vị tự nhiên quanh nhà.
Đồng bào Thái quy định, con cháu chỉ tổ chức Lễ báo hiếu sau khi đã có gia đình. Thường lễ này được tổ chức khi trong nhà có cha, mẹ của người chồng hoặc vợ gặp vấn đề về sức khỏe, ốm đau bệnh tật lâu ngày không khỏi. Lúc ấy họ tổ chức lễ với ý nghĩa động viên các cụ về mặt tinh thần, cầu mong cho cha mẹ mau lành bệnh, hưởng thọ lâu dài để con cháu được vui vẻ ổn định làm ăn.
Lễ báo hiếu của người Thái miền tây Nghệ An có ý nghĩa gần giống với lễ mừng thọ của người miền xuôi. Tuy nhiên cách làm thì rất riêng và hiện chỉ tìm thấy ở một số tộc họ người Thái miền Tây Nam nghệ An. Mâm cúng ngày rằm tháng bảy của người Thái miền tây Nghệ An hết sức đơn giản. Đồ cúng tuy đơn giản, chỉ gồm gà, xôi và hó moọc nhưng cũng là cả một sự kỳ công của người phụ nữ Thái.
Nguyên liệu chuẩn bị để làm moọc thường là những thứ có sẵn trong nhà hay ngoài vườn có thể tận dụng được. Gạo tẻ được ngâm từ tối hôm trước, sáng hôm sau mới dùng cối giã cho thật nhuyễn, gạo càng nhuyễn thì khi trộn với nhân thịt và gia vị càng đều, moọc ăn càng dẻo.
Hó moọc có thể chọn nhiều loại nhân nhưng chủ đạo vẫn dùng nhân bằng thịt gà hoặc cá tùy theo khẩu vị và sở thích mỗi gia đình. Ngày nay, để tiện chế biến, nhiều gia đình người Thái còn dùng nhân thịt lợn hay thịt bò làm cho hương vị từng loại moọc rất đa dạng. Còn một nguyên liệu nữa quan trọng không kém đó là nõn của cây chuối rừng.
Ở các bản người Thái sinh sống cạnh các ven khe con suối thì việc tìm một cây chuối rừng là điều không khó. Gạo, thịt và nõn chuối đều được băm hay giã cho thật nhỏ sau đó trộn tất cả chung với nhau rồi mới nêm gia vị. Ngoài gia vị muối còn có thêm hạt dổi nướng, ớt xanh và hạt “mác khén”. Nếu nhân moọc là thịt gà thì khi nêm gia vị sẽ thêm củ sả thái nhỏ giã dập và có thể thêm chút lá chanh để tăng thêm mùi thơm.
Chỉ nghe thôi tưởng chừng cũng đơn giản nhưng để làm được hó moọc thật ngon cho vừa lòng khách thưởng thức cũng là cả một sự khéo léo của các mẹ, các chị nơi đây.
Khi đã trộn đều tất cả các nguyên liệu là đến lúc chuẩn bị gói bánh. Xúc từng thìa moọc lớn vào cho vào những tấm lá chuối rửa sạch cắt gọn xếp lớp dày vừa phải và gói thật chặt. Gói xong, moọc được xếp vào nồi hông bằng gỗ hông trong khoảng thời gian 1 giờ cho đến khi moọc toả mùi thơm đặc trưng của gạo, của thịt chín là được. Thao tác này gần giống như người miền xuôi vẫn hay đồ xôi.
Khi moọc chín nhấc ra khỏi hông và xếp gọn vào chiếc sọt nan đặt cẩn thận trong gian bếp cho nguội sau đó mới đem ra thờ cúng tổ tiên.
Hó moọc khi chế biến đã cho gia vị vừa miệng nên khi thưởng thức thường không ăn kèm với món ăn khác.
Bóc một gói moọc đã tỏa ra mùi thơm rất đặc biệt. Độ dẻo của gạo, vị bùi của thịt, vị ngọt của nõn chuối quyện lẫn mùi thơm của hạt cay tiêu rừng, hạt dổi thật không còn gì bằng. Khách đến chơi vừa có thể nhẩn nha ăn moọc vừa nhâm nhi li rượu đượm sương núi miền cao.
Làm hó moọc trong ngày rằm tháng bảy là thể hiện lòng biết ơn của con cháu với ông bà tổ tiên và là dịp để họ hàng sum họp ăn cùng một mâm cỗ, truyền lại cho con cái những kinh ngiệm sống, kinh nghiệm làm ăn cũng như đối nhân xử thế trong cuộc sống.
Theo website báo Đất Việt