Thám hiểm rừng đá Tsingy
Một "trận đồ đá” với đá sắc bén lởm chởm như những cây kim vươn thẳng lên bầu trời bên cạnh những khe vách sâu thẳm. Rừng đá kỳ vĩ với diện tích gấp 15 lần thủ đô Paris. Một khu bảo tồn thiên nhiên tuyệt đối với sự đa dạng sinh học độc đáo chỉ có ở nơi này.
Tsingy de Bemaraha là một trong những công viên thiên nhiên mới khai thác của Madagascar - hòn đảo lớn thứ tư của thế giới nằm ở Ấn Độ Dương, cách bờ biển Tây Phi chừng 450km. Mãi đến năm 1998, thế giới độc đáo 152.000 hecta này mới cho du khách chiêm ngưỡng trùng trùng tháp đá vôi nhọn chen nhau vút cao lên không trung, có tháp đá cao tới 50m.
Chen lẫn giữa khu rừng đá vôi kỳ lạ này và những vách núi cùng triền sâu, là những loài sinh thực vật quý hiếm. Bạn có thể bắt gặp ở đây những con vượn sifaka lông trắng nhảy nhót trên ngọn tháp đá, những chú cáo nâu lemur có vầng trán màu đỏ kỳ lạ thấp thoáng dưới tán rừng mưa nhiệt đới, và những cánh đại bàng săn cá đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Với sự đa dạng sinh học độc đáo chỉ có ở nơi này, Tsingy de Bemaraha được xem là khu bảo tồn thiên nhiên tuyệt đối từ năm 1927 và được UNESCO công nhận là Di sản thế giới từ năm 1990.
Tuy Tsingy de Bemaraha là một tài nguyên du lịch của Madagascar, luật pháp nước này chỉ cho phép tiếp cận tự do với mục đích khoa học và phải được bảo trợ của những tổ chức uy tín.
Đối với du khách, chỉ có một khu vực dành riêng và mọi đoàn tour tham quan phải tuân thủ theo chỉ dẫn của những hướng dẫn viên chuyên nghiệp tại đây. Do đó, những tiện nghi phục vụ du khách ở Tsingy de Bemaraha rất hạn chế, ngay cả những khách sạn gần nhất cũng cách khu bảo tồn này đến 150km. Chính nhờ thế rừng đá Tsingy vẫn còn nguyên vẹn, để chúng ta mơ ước một lần đặt chân đến.
Những cây kim ngút tầm mắt
Bạn đang ở Tsingy, một trận đồ gồm những tảng đá sắc bén có diện tích lớn gấp 15 lần thủ đô Paris với độ cao 50m. Nằm ở phía tây Madagascar, khu rừng đá này hình thành dưới lớp sóng biển.
Trong suốt hàng triệu năm, những lớp vỏ sò và san hô bồi đắp đáy biển và qua thời gian đã hình thành nên một khối đá vôi duy nhất. Kế đó, cách đây 100 triệu năm, các chuyển động của trái đất đã đẩy cái nghĩa trang dưới biển này trồi lên mặt đất. Dưới tác động của mưa, các khe vách hình thành và tạo nên hình dạng ngày nay của Tsingy.
Những rễ cây đi xa tìm nước
Khi leo xuống vực sâu từ vị trí của Ikos, nhà thực vật học của nhóm thám hiểm phát hiện một chi tiết gây lo ngại: một số loài cây mọc ở trên đỉnh phát triển rễ dài xuống dưới vực để tìm một chút nước và đất. Nhưng các rễ cây này đi xa đến đâu? Để có câu trả lời, phải chờ đến khi nhà nghiên cứu hang động dưới lòng đất thám hiểm xong độ sâu của Tsingy.
Động vật tìm nắng?
Nhìn bức ảnh thì đúng là chú thằn lằn ở Tsingy đang tắm nắng trên một mỏm đá, nhưng thực ra chú ta đang tìm bữa ăn trưa. Tất cả những con vật nhỏ bé đều sống được ở cái địa ngục này: rết, ốc sên, ấu trùng các loại… Trong mùa mưa, người ta nhìn thấy thằn lằn và kỳ nhông ở trên đỉnh. Lúc đó, chúng đi tìm nắng. Khi mùa khô đến, loài bò sát này tìm chỗ trú ẩn trong bóng tối ở bên dưới.
Những hành lang thực vật
Ở các nơi mà Tsingy vươn những cánh tay len lỏi giữa các tảng đá, đó không phải là địa ngục như ở độ cao 30m phía trên. Cách biệt nhiệt độ ở bên dưới có thể lên đến 20 độ C! Nhờ gió và côn trùng mang đi, các hạt cây tìm thấy tại đó các điều kiện lý tưởng để nẩy mầm. Và thế là động vật kéo đến.
Con vượn này gần giống như chúa tể vùng đất. Vào những lúc không phơi nắng trên các tảng đá, nó di chuyển giữa các vách đá có cây mọc. Côn trùng cũng có mặt đông đảo, như loài dế mà người ta chỉ tìm thấy ở Madagascar.
Một vật thể bay không xác định trên Tsingy?
Không phải. Đây là căn cứ của một nhóm các nhà khoa học thám hiểm Tsingy vào tháng 6.2003, chuyến thám hiểm đầu tiên dạng này. Căn cứ có tên là Ikos, được dựng lên tại chỗ. Bên trong Ikos có ba cái võng và một labo mini hoạt động nhờ điện năng từ các tấm pin mặt trời.
Đây quả là một sự xa xỉ nếu chúng ta biết rằng nhiệt độ tối thiểu ở trên đỉnh của Tsingy lên đến 40 độ C. Tại đây, chẳng có cây nào mọc nổi, ngoại trừ vài loài thực vật có khả năng thích nghi siêu hạng. Như trong ảnh là loại cây lùn biết thường xuyên tự tróc vỏ để không bị thiêu cháy!
Hang động loang lổ
Mưa không chỉ tạo hình hài cho Tsingy, mài sắc các mỏm nhọn, mà còn đào nên những hệ thống hang động phức tạp chạy ngoằn ngoèo mọi hướng. Từ trên đỉnh xuống đến bên dưới, Tsingy bị lỗ chỗ như miếng bọt biển! Một số hang động chỉ lớn vừa đủ để côn trùng bay vào, một số khác thì có vòm cao đến hơn 30m! Những cái hang này là nơi lui tới của côn trùng tìm chút hơi mát như: nhện hang động (ảnh), ếch, ốc sên hoặc rắn đêm…
Dưới đáy vực là nước
Các nhà thám hiểm phải sử dụng thuyền phao và trang phục dưới nước bởi nếu ở trên đỉnh Tsingy là sa mạc thì ở dưới lại là nước! Đây là điều hợp lý bởi mưa rơi trên các mỏm đá, dù hiếm hoi, đã chảy dọc theo các rãnh và dồn xuống bên dưới.
Chính vì vậy mà các nhà thám hiểm đã tham khảo dự báo thời tiết để xem có bão hay không rồi mới quyết định mạo hiểm, bởi chỉ cần một cơn bão nhỏ thì dòng nước hiền hoà sẽ biến thành cơn thác lũ chết người. Nhưng dòng nước này chảy đi đâu? Một phần bốc hơi và phần còn lại ngấm vào một mạng lưới đường hầm bí ẩn dưới lòng đất.
Một số đường hầm có thể thông ra con sông Manambolo gần đó, nhưng vài túi nước vẫn tồn tại ngay giữa lòng Tsingy, kể cả trong mùa khô. Một số loài cá sinh sống thành đàn tại đây, đặc biệt là lươn, dù người ta chẳng biết chúng từ đâu ra. Chỉ trong một đêm, để tìm nước, những con lươn có thể di chuyển trên đoạn đường dài 2km trên cạn!
Các hang động đầy những bất ngờ
Buổi tối, đốt nến tại căn cứ nghỉ ngơi, nhà nghiên cứu hang động dưới lòng đất kể lại những phát hiện mới nhất của ông. Tại một hang sâu chỉ vừa đủ để ánh sáng lọt tới, ông bắt gặp một cây cột uốn xoắn: đó là rễ của một cái cây mà thân của nó nằm ở trên đỉnh Tsingy cao 30m!
Đoạn rễ này len lỏi qua đá để tìm hơi ẩm và cuối cùng đã được tưởng thưởng bằng lớp phân dơi ở bên dưới. Loại phân này rất được “ưa chuộng”, bởi nhà thám hiểm tìm thấy vài con côn trùng sinh sống trong đó.
Phát hiện ghê rợn
Một bộ xương! Mà lại nằm trong một quan tài nữa chứ. Đây chính là một mộ phần được phát hiện trong hang động: một thi thể đặt nằm trong thân cây bị khoét rỗng. Theo những trang sức mang theo, người chết này đã sống vào thế kỷ 17 hoặc 18, thời mà các cuộc chiến tranh bộ lạc hoành hành. Người đàn ông này chắc chắn đã cùng người thân chạy trốn vào Tsingy để tránh các cuộc tàn sát. Khi ông ta chết, những người thân đi theo đã mai táng vào hang động.
(Theo_Khám phá)