Vẻ đẹp hang động ở Mường Khương, Lào Cai
Cách huyện lỵ Mường Khương khoảng 500m, có hai ngọn núi nhô lên tạo thành hai vách đá dựng đứng. Ở giữa là con đường Mường Khương - Pha Long vắt qua, bà con gọi đây là Hàm Rồng.
Nhìn từ xa, ngọn núi Hàm Rồng trông như một cái miệng khổng lồ ngước lên trời. Tương truyền, đó là đầu rồng đã hoá thành đá. Tại một bên vách núi có 2 cửa hang rất lớn nằm song song với nhau được gọi là hang Hàm Rồng. Một hang động kỳ thú là món quà thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất Mường Khương.
Miệng hang rộng sâu hun hút với những nhũ đá mang nhiều hình thù kỳ thú, đa dạng, kích thích trí tưởng tượng của con người. Hang chính, nhũ đá lởm chởm như những chiếc răng rồng, vào mùa đông hơi nước thoát ra từ đây thành những đám mây mù, tạo ra một cảnh đẹp huyền ảo, kỳ bí. Hai miệng hang có lối đi thông nhau. Vào lòng hang còn có một lối đi rộng, dài khoảng 1,5 km, đi xuyên qua lòng núi ra miệng hang thứ 3 như một bên tai rồng, đây là miệng hang ở phía bên kia ngọn núi.
Lòng hang rộng, vòm hang có chỗ cao tới hơn 20 m. Rất nhiều quần thể nhũ đá trên vòm hang và dưới lòng hang vô cùng phong phú, đa dạng. Một số quần thể nhũ đá phát quang rực rỡ khi được luồng ánh sáng mạnh rọi vào. Nếu đi vào hang, từ cửa hang thứ 3, đường đi bằng phẳng, rộng rãi, dài hàng trăm mét. Vào mùa khô trong hang vẫn có mạch nước ngầm thỉnh thoảng mới xuất hiện một đoạn trong lòng hang. Còn mùa mưa, nước từ con suối Mường Khương cuồn cuộn đổ vào miệng hang biến mất rồi tuôn ra cửa hang thứ 4 tạo ra thác Páo Tủng với độ cao hàng trăm mét.
Nghe nói có thể đi xuyên ra miệng hang thứ 4 này nhưng phải vượt qua những vũng nước sâu hun hút, tối đen như không có đáy. Đi thông qua các miệng hang phải mất hàng tiếng đồng hồ. Các quần thể nhũ đá ở phía hang thứ 3 được bà con vào thờ cúng và kính cẩn gọi là "thần".
Thanh niên nam nữ vào những dịp nông nhàn, lễ tết... thường tổ chức đi xuyên hang Hàm Rồng. Với cảnh đẹp độc đáo và kỳ thú đó, hang Hàm Rồng đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Quốc gia.
Từ hang động Hàm Rồng vượt qua đỉnh dốc 9 quai sẽ tới thôn Máo Cháo Sủ. Đi khoảng 1,5 km theo lối đường mòn của đồng bào làm nương rẫy sẽ tới một hang núi có tên gọi là Máo Cháo Sủ. Hang là một trong những nơi bà con địa phương vào thờ cúng.
Cửa hang quay về phía Đông Nam, trước cửa hang là một thung lũng nơi định cư của bản nhỏ Na Măng nổi lên như một điểm xuyết giữa núi rừng trùng điệp. Miệng hang có hai bụi tre làm cho hang có vẻ đẹp và kín đáo. Vào trong hang dường như không giống với vẻ bề ngoài của nó, hang khá rộng, có thể chứa hàng trăm người, cảm giác như một mê cung huyền ảo được thiên nhiên tạo ra. Bên trong hang được chia làm nhiều ngăn, có rất nhiều quần thể nhũ đá, măng đá màu ánh bạc.
Có lẽ do có mạch nước ngầm và sự bào mòn rất mạnh mẽ, nên nhũ đá và măng đá trong hang được tạo ra dầy đặc. Những giọt nước tinh khiết nhỏ từ đầu nhũ đá tạo thành những dải điều óng ánh, trong suốt đan xen vào nhau như những bức màn gió tuyệt đẹp. Hình thù hang động càng trở nên kỳ lạ với những gườm đá dài nối với nền hang như những thửa ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc nơi đây. Có những trụ đá to được tách ra thành các mũi nhũ đá đều và đẹp, khi gõ vào tạo nên những âm thanh vang vọng.
Trên vách hang có những đám nhũ đá tựa như cum lúa, có các hình thù tựa như hoa văn, có cả những bức tượng… tất cả đã tạo nên một khung cảnh nguy nga lộng lẫy, kích thích trí tưởng tượng của con người. Lòng hang rộng, vòm hang có chỗ cao tới 10 m. Rất nhiều quần thể nhũ đá trên vòm hang và dưới lòng hang vô cùng phong phú, đa dạng, một số quần thể nhũ đá phát quang rực rỡ khi được luồng ánh sáng mạnh rọi vào.
Trong hang có những mạch nước ngầm, thỉnh thoảng mới xuất hiện thành vũng. Nếu như hang động Hàm Rồng bề thế, rộng lớn và các mang đá được tạo ra với quần thể chắc khoẻ, đồ sộ thì mang đá, nhũ đá trong hang Máo Cháo Sủ lại thanh mảnh, đẹp đều một cách mềm mại và tinh khiết. Những ngọn mang đá, dải nhũ đá mới hình thành có màu trắng tinh như muối kết tinh. Có những viền đá được tạo ra với độ mỏng tương đối đồng đều, tạo thành bức ngăn cách như giữa các ngăn nhà trong một ngôi nhà dài của đồng bào dân tộc. Hang Máo Cháo Sủ tuy không rộng lớn nhưng những mang đá, nhũ đá ở đây thì tuyệt đẹp và tinh xảo, tạo nên ấn tượng không quên, dẫu chỉ một lần đặt chân tới nơi đây.
Hang Máo Cháo Sủ còn nhiều điều chưa thể nói hết. Ngoài ra, ở nơi đây còn nhiều hang, như hang Mường Ngựa, hang Lúng Pâu, hang Nơi trú ngụ cuối cùng của tướng phỉ Chấu Quáng Lồ…
Hang Hàm Rồng và hang Máo Cháo Sủ chỉ là 2 trong số những quần thể hang động ở Mường Khương. Với những dãy núi đá vôi trùng điệp, Mường Khương là nơi có quần thể hang động đa dạng, phong phú, nguyên sơ. Hang động vùng cao này còn chứa đựng nhiều cảnh đẹp, nhiều nét văn hoá, đang chờ được khám phá.
(Nguồn: Website Lào Cai)
Địa danh: