Khám phá Sìn Hồ (Lai Châu)
"Sìn Hồ (Lai Châu), một thị trấn thanh bình với bầu không khí thật thoáng đãng, mát mẻ. Tôi cố hít thật sâu rồi thở ra từ từ để thưởng thức không khí trong lành của xứ núi, như kiểu thưởng thức một đặc sản".
Từ lâu tôi đã biết đến vùng Tây Bắc hùng vĩ qua những áng thơ văn từ thời phổ thông, qua những câu chuyện kể của những người bạn từng trải nghiệm, qua những khung hình trên blog. Mỗi lúc đó, trong tôi lại bừng bừng lên như có gì xúi giục “hãy xách ba lô lên đường thôi”.
Giờ đây khi đã tự lập được cuộc sống của riêng mình, nhất là tôi lại có thêm người bạn đồng hành cùng chí hướng, sở thích, luôn ở bên chăm sóc và bảo vệ, tôi đã có thể thỏa trí tò mò của mình cùng những chuyến đi về với Hoàng Su Phì trong mùa lúa chín, chót vót nơi cột cờ Lũng Cú - Hà Giang, khám phá mảnh đất Điện Biên anh hùng ngập tràn sắc hoa ban… Mỗi chuyến đi đều để lại trong tôi rất nhiều dư âm và kỉ niệm. Nhưng chuyến hành trình về với Sìn Hồ (Lai Châu) lại khiến tôi có nhiều cảm xúc kì lạ đến khó tả.
Chiều thứ 6, tôi vội vàng xách ba lô bắt xe ôm ra bến xe Mỹ Đình thật nhanh để kịp chuyến xe lên Lai Châu, nơi 3 người bạn của tôi đang chờ. Chiếc xe ghế nằm đi trong đêm tối mịt mù cứ lắc lư, thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng khùng khục lạ lạ, hỏi nhà xe thì mới biết đó là những lúc xe vào cua qua đoạn đường hẹp nên bánh sau trèo ra mép đường. Trong đầu tôi bắt đầu nhớ lại những mẩu chuyện mà anh bạn người vùng cao có lần kể đường lên Lai Châu, hai bên có nhiều cái miếu hồn, bởi đường là xẻ núi nên một bên luôn là ta luy âm sâu cả trăm mét, nhiều người xấu số gặp nạn nên chỗ đó người ta thường lập một miếu nhỏ vậy.
Vẩn vơ mãi thì đôi mắt tôi cụp xuống và ngủ lúc nào không hay, chỉ biết khi tỉnh dậy đã thấy đến thị xã Lai Châu lúc 6h30 sáng. Về khách sạn tôi chỉ kịp vệ sinh cá nhân, rồi khoác lên mình chiếc áo rét mỏng là lên đường cùng những người bạn. Bởi mọi người bảo phải đi sớm để chụp ảnh mới đẹp.
Sìn Hồ cách thị xã Lai Châu chừng 60km, tôi cũng chẳng thể đếm được là lên bao nhiêu con dốc vượt bao nhiều cái đèo nhưng cứ thấy hầu như là lên mãi. Hai bên đường thỉnh thoảng lại qua những bản người Dao Khâu, với nếp nhà gỗ lợp tôn nằm trên các sườn đồi, thấp thoáng là những người phụ nữ đang ngồi bên hiên nhà thêu thùa trang phục trong lúc nông nhàn, những đứa trẻ con hồn nhiên với những nụ cười tươi dường như luôn thường trực trên môi, những con lợn đeo gông thả rông ngoài đường khá lạ mắt...
Đang say sưa với cảnh đẹp bởi những bản làng, con người vùng cao, tôi bất chợt thấy se lạnh bởi những đợt sương mù ập về, bao phủ khắp nơi. Cảm giác gì đó lạnh lạnh nơi sống lưng, bởi xe chúng tôi cứ dò dẫm đi trong sương mù mỗi lúc một dày đặc hơn, tầm nhìn bị hạn chế. Thấp thoáng trong màu trắng đục là cảnh một góc chợ ven đường của người Mông, họ bán những nông phẩm làm ra hay kiếm từ rừng; măng tre, dưa, rau… Có điều khá thú vị là cảm giác bình yên, gần gũi đến thân thương, họ không trèo kéo, mời mọc, cũng chẳng xua đuổi hay xin tiền chúng tôi khi chụp ảnh như một số vùng du lịch khác mà trái lại họ rất vui tươi chụp cùng.
Sau chặng đường 60km chúng tôi đã đến được với Sìn Hồ, một thị trấn thanh bình với bầu không khí thật thoáng đãng, mát mẻ. Tôi cố hít thật sâu rồi thở ra từ từ, để thưởng thức không khí trong lành của xứ núi, cứ như kiểu thưởng thức một đặc sản. Chiều đến, cả nhóm kéo nhau đi tắm thuốc của người Dao, còn gì sung sướng hơn, khi được ngâm mình trong thùng gỗ pơ mu chứa đầy nước của hơn 20 vị thuốc nam kiếm từ rừng xanh về, cảm giác giãn xương, cốt, mọi mệt nhọc của dặm đường trường vụt tan biến.
Bữa tối trong quán nhỏ chúng tôi được thưởng thức những món đặc sản của dân tộc bản địa, như gà ác đen, thịt trâu gói lá lốt nướng than hoa, cải mèo xào thịt gác bếp…
Sáng thức dậy, lang thang chợ phiên chủ nhật nơi tụ họp của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở quanh vùng, như người Mông trắng với khăn quấn nhọn trên đầu, Mông đỏ với vành khăn rộng đỏ rực, Mông hoa sặc sỡ trong chiếc váy màu sắc, người Dao xúng xính đồ trang sức bạc… và những sản vật mang xuống chợ, họ tạo nên nét đặc trưng của chợ phiên ở Sìn Hồ thật màu sắc và quyến rũ. Nếu có cơ hội mời bạn một lần lên với “Sapa thứ hai”, để cảm nhận sự mộng mơ, thư thái của cảnh sắc và con người nơi góc trời Tây Bắc.
Nguồn: VnExpress