Quyến rũ Làng biển Sơn Đừng, Khánh Hòa
Năm 2002, con đường Cổ Mã - Đầm Môn nối liền Quốc lộ 1A, từ dưới đèo Cổ Mã, băng qua rừng bần cổ thụ Tuần Lễ, qua những đồi cát trắng đến bán đảo Đầm Môn, thuộc xã Vạn Thạnh (Vạn Ninh) được xây dựng. Đây là một hạng mục nằm trong chiến lược khai thác tiềm năng vịnh Vân Phong.
Tour du lịch vịnh Vân Phong bắt đầu đông khách. Vịnh Vân Phong với những đồi cát xa tít mắt, những rạn san hô còn nguyên vẹn thỏa lòng cho du khách tham gia tour lặn biển ở Bãi Me. Trong hành trình này, có một địa điểm khiến du khách cảm thấy thích thú khi ghé thăm đó là làng biển Sơn Đừng.
Có nhiều lý do để đến Sơn Đừng. Du khách có thể sững sờ khi gặp những tảng đá thiên nhiên mang dáng hình các con thú, những vách núi cây cỏ bám níu, và gặp một không gian đằm thắm đến lạ. Sơn Đừng đang bắt đầu làm du lịch theo cách của người dân biển.
Làng biển Sơn Đừng không rộng, cũng không đông dân. Chỉ có 14 nóc nhà, vài căn xây gạch tươm tất, dựa vào vách núi. Bên phải là một bãi đá tuyệt đẹp thuận lợi cho việc tắm biển. Sau làng là ngọn núi với những triền cát. Trước làng là biển, và mỗi khi triều rút, để lộ ra bãi cát trắng mịn, sạch sẽ, dài mấy chục mét. Vào năm 2003, Sơn Đừng còn chưa có đường đi; tất nhiên không có cả xe máy, xe đạp. Con đường chính men theo bãi biển vào làng có khi nước lên bị ngập, đi lại rất khó khăn. Người dân còn đi qua các nhà dân trên những con đường bằng cát biển trải vụn san hô. Còn hiện nay, làng có trên 20 trẻ đang độ tuổi đi học. Các em được học tại một lớp với đủ các lứa tuổi, do chính các chiến sĩ Đồn Biên phòng 358 làm giáo viên. Người dân Sơn Đừng sống bằng nghề nuôi tôm hùm, đánh bắt mực, cá, lên rừng đốn củi và trồng điều, trồng cây ăn trái. Nhưng giờ đây, họ còn thêm việc làm du lịch, kể từ khi xuất hiện những người khách du lịch ghé qua đây, đôi khi chỉ một vài giờ mỗi ngày.
Sự hấp dẫn đầu tiên ở Sơn Đừng chính là nguồn nước ngọt ngay trên bãi biển. Ý thức được nguồn tài nguyên du lịch này cho nên người dân Sơn Đừng bảo vệ triệt để bãi biển trước mặt làng. Khách du lịch luôn tự hỏi vì sao nước biển mặn mà chỉ đào nhẹ chừng một gang tay là đã có nước ngọt lịm. Việc biểu diễn thao tác đào “giếng” cho du khách xem được những đứa trẻ làm rất thuần thục. Huyền thoại kể rằng, khi vua Gia Long thua quân Tây Sơn tới đây, đã đào thử một hố nước ngay bãi cát trên mép nước biển. Điều kỳ diệu đã xảy ra: họ tìm được nước ngọt. Điều kỳ diệu này đã ở lại mãi đến hôm nay, giúp người dân Sơn Đừng có nước uống và có sản phẩm giới thiệu với khách du lịch. Không rõ giai thoại thực hư ra sao, nhưng người dân Sơn Đừng có hẳn một đền thờ nhỏ được lập để thờ vua Gia Long. Và không hiếm du khách đã mang một chai nước ở Sơn Đừng về.
Sơn Đừng vốn chẳng có hàng quán. Nhưng giờ đây, nhiều người dân đã thả lồng nuôi tôm, cua, cá trên biển để phục vụ nhu cầu ăn uống của khách.
Đến Sơn Đừng, có thể vào những căn nhà của người dân, trò chuyện hồn nhiên; thích thì ra sau làng, leo lên khu rừng trên đồi cát, hoặc ra bè lựa mua tôm, cá. Chế biến cũng chẳng cần cầu kỳ, có thể chỉ nướng trên bếp củi đỏ lửa theo kiểu “dã chiến”, thêm chút bia hay rượu. Trong gió lộng Vân Phong, cảm giác ấy cực kỳ thích thú. Tất nhiên, du khách vẫn có thể cập thuyền ngay bãi đá xinh đẹp, cùng bơi lội, đùa giỡn với biển cho hết một ngày lộng gió.
(Nguồn: Báo Khánh Hòa)