Đàn đá Khánh Sơn
Vị trí: Đàn đá Khánh Sơn thuộc huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hoà.
Ðặc điểm: Từ năm 1979, tại Khánh Sơn đã phát hiện ra những bộ đàn đá, một loại nhạc cụ vào loại cổ sơ nhất của loài người (bộ đàn đá đầu tiên trên thế giới được phát hiện năm 1949 tại Tây Nguyên - Việt Nam do ông G.Condominas, kỹ sư người Pháp).
Nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng tám và Quốc Khánh 2/9/1979, có một bộ đàn đá Khánh Sơn đã được công bố do ông Bo Bo Ren, người dân tộc Raglai ở Khánh Sơn đào
được và cất giấu trong hang đá hàng chục năm nay. Bộ đàn gồm 12 thanh đá được đẽo gọt với độ lớn nhỏ, dài ngắn khác nhau, tạo nên những âm thanh khác nhau. Ông Bo Bo Ren tự xếp 12 thanh đá này thành 2 bộ, mỗi bộ gồm 6 thanh, bộ A có thanh nặng nhất là 9kg, thanh nhẹ nhất 5kg. Bộ B thanh nặng nhất là 28,1kg, thanh nhẹ nhất là 10,5kg. Tổng trọng lượng của bộ A 50,5kg và tổng trọng lượng bộ B lên tới 110,8kg. Về niên đại, qua bước đầu nghiên cứu về dân tộc, địa chất, khảo cổ học, dự đoán bộ đàn đá này đã được chế tác ít nhất cũng cách đây khoảng từ 2.000 đến 5.000 năm. Ở mỗi thanh đều có vết mòn nhẵn ở một chỗ nhất định, trừ một thanh có 2 điểm cách nhau vài centimet. Điều lý thú là khi gõ vào mỗi thanh ở bất cứ điểm nào đó cũng cho một âm thanh riêng của thanh đó rất đồng nhất, trừ thanh có 2 vết mòn nhẵn ở 2 điểm âm thanh có độ cao khác nhau. Điểm gõ vang nhất ở mỗi thanh chính là những vết đã mòn nhẵn chứng tỏ những người chế tác ra nó đã có sự tính toán, cân nhắc khá chính xác và bộ đàn đã có quá trình sử dụng rất lâu, trước khi ông Bo Bo Ren phát hiện nên mới có được độ mòn nhẵn như vậy.
Các nhà nghiên cứu về âm nhạc, về nhạc khí đã xếp đàn đá Khánh Sơn vào loại nhạc cụ "roi", tức là loại nhạc cụ tự rung như cồng, chiêng, đàn tơ-rưng… và bộ đàn này kết thành một nhạc khí tổng hợp nhiều "roi" theo một thang âm cố định, rất phù hợp với thang âm của bộ đàn đá Ndút Liêng Krak đang cất giữ ở Paris, đã được phát hiện từ năm 1949 ở Đắk Lắk. Với bộ đàn đá này, có thể tấu lên các điệu dân ca quen thuộc của các dân tộc ở Tây Nguyên, có thể biểu diễn những bản nhạc mới sáng tác theo phong cách Tây Nguyên, có thể phối hòa âm theo truyền thống riêng của Tây Nguyên mà vẫn phù hợp với yêu cầu hiện đại.
Tại đây, người ta còn phát hiện ra những dấu hiệu chế tác đàn đá tại chỗ, chứng tỏ những cư dân từ xưa ở nơi này - dân tộc Raglai - là những người chủ thực sự của những bộ đàn đá.
Cùng với việc phát hiện ra bộ đàn này, các nhà nghiên cứu sau khi khai quật và khảo sát tại đỉnh núi Dốc Gạo, thuộc địa phận thôn Tô Hạp, xã Trung Hạp còn tìm ra nhiều dấu tích chứng tỏ người xưa đã chế tác đàn đá tại đây với nhiều khối đá và mảnh vụn thuộc loại đá phún trào (ri-ô-lit pooc-phia) có nhiều ở Khánh Sơn, cũng là loại đá để chế tác đàn đá Khánh Sơn.
Sau bộ đàn đá của ông Bo Bo Ren, những năm sau này, nhiều nơi ở Tây Nguyên và ngay tại Khánh Sơn còn tiếp tục tìm được nhiều bộ đàn đá khác.
Lên thăm Khánh Sơn ngày nay, được bà con dân tộc Raglai vốn có truyền thống mến khách đón tiếp, bên bếp lửa nhà sàn, được uống rượu cần, được nghe các già làng kể chuyện và nhất là được nghe trực tiếp những âm thanh đàn đá ngay tại nơi chế tác ra nó từ hàng nghìn năm trước, thật là sảng khoái đối với du khách có dịp đến thăm vùng đất thiêng liêng này.