Manado - “Thiên đường” du lịch lặn biển ở Indonesia
Manado, thủ phủ của tiểu bang Sulawesi thuộc Indonesia, được mệnh danh là vùng đất dừa, bởi xứ sở này có 25 triệu cây dừa so với dân số khoảng 600.000 người. Nhưng điều làm Manado nổi tiếng là “thiên đường” của những người đam mê du lịch lặn biển. Nơi này có hàng chục địa điểm tuyệt vời cho môn lặn. Hằng năm, cứ vào khoảng tháng 8 đến tháng 10, Manado thu hút đông đảo du khách từ khắp nơi trên thế giới.
Trong thời gian này, thành phố Manado không lớn lắm nhưng rất náo nhiệt. Trung tâm mua sắm được trải dọc theo bờ biển, nên du khách có thể tự do ngắm phong cảnh biển thật tuyệt, nếu đang ở tầng hai của trung tâm mua sắm nào đó chẳng hạn. Mạng lưới giao thông ở Manado cũng thật thoải mái với hàng hàng xe buýt mini tiếp nối đuôi nhau vào đón khách. Du khách có thể lên xe bất cứ lúc nào và đi bất cứ nơi đâu.
Với hơn 300.000 loại cá sống bên ngoài biển Manado, cuộc sống dưới nước đa dạng kỳ thú cộng với làn nước trong vắt và ấm áp đã giúp cho Manado trở thành bãi lặn nổi tiếng trên thế giới. Không chỉ có những bãi lặn tại bờ biển Manado mà gần đó có 5 hòn đảo như Manado Tua, Siladen, Mantehage, Nain và Bunaken cách bờ khoảng 40 phút ca-nô với gần 20 bãi lặn ở giữa - đủ làm thỏa mãn bất cứ du khách nào đam mê loại hình du lịch lặn biển.
Trong số địa điểm lặn biển, đảo Bunaken nổi tiếng nhất với hàng chục bãi lặn và sự đa dạng của các loại cá. Nơi đây còn có Công viên Quốc gia Bunaken rộng gần 90.000 ha. Công viên này, năm 2003, giành được giải thưởng “Điểm du lịch của ngày mai” do hãng hàng không Anh Quốc trao tặng - trở thành dấu chấm son trên bản đồ du lịch châu Á và thế giới. Bunaken là một ví dụ điển hình trong nỗ lực phát triển du lịch bền vững, luôn gắn liền với việc bảo vệ sự đa dạng của môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa. Nhờ nỗ lực này mà ngày nay Bunaken được xem là khu dự trữ sinh quyển đại dương lớn nhất thế giới với hơn 1.000 loài cá và 350 loài san hô (hơn cả Great Barrier ở Úc).
Hơn một thập niên trước, Bunaken là một làng chài hoang sơ, cư dân sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá, như rất nhiều làng chài bình thường khác ở Indonesia cũng như các quốc gia vùng Đông Nam Á. Chính quyền địa phương ở đây cùng kết hợp với Hiệp hội Các môn thể thao dưới nước Bắc Sulawesi (gọi tắt là NSWA, thành lập vào năm 1999 bởi đại diện các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh các môn thể thao dưới nước tại Sulawesi) kêu gọi người dân tham gia vào kế hoạch biến Bunaken thành điểm du lịch lặn hấp dẫn thế giới. Từ tháng 3/2001, mỗi du khách đến Bunaken phải trả phí 6 USD; ngoài ra du khách có thể trở thành hội viên với phí thường niên là 17 USD của công viên quốc gia để được hưởng những ưu đãi đặc biệt. Một phần số tiền thu được (khoảng 150.000 USD/năm) dùng để trả lương cho các dân địa phương - những người đã từ bỏ việc đánh bắt cá để trở thành nhân viên của công viên quốc gia; phần còn lại được sử dụng cho công việc bảo tồn công viên và các chương trình phát triển cộng đồng cùng với nguồn hỗ trợ tài chính của một số tổ chức quốc tế có uy tín như World Wildlife Fund và Seacology. Mỗi năm, Ban quản lý Công viên Quốc gia Bunaken nhận được ngân khoản 20.000 USD từ Seacology để thực hiện dự án khôi phục các rặng san hô bị tàn phá.
Lặn biển tại các đảo Manado Tua, Siladen, Mantehage, Nain du khách sẽ tận mắt thấy những chú cá mập trắng cộng với những chiếc tàu đắm đầy hà ăn - làm tăng sự hấp dẫn. Lặn biển ban đêm cũng là một cuộc thám hiểm kỳ thú, lúc đó du khách sẽ được biết cá ngủ như thế nào và những rặng san hô lung linh dưới ánh đèn từ mũ lặn ra sao... Mỗi đảo đều có bãi tắm cát trắng tinh. Quanh năm nhiệt độ trung bình nơi đây không quá 30 độ C.
Không chỉ có cuộc sống dưới nước còn hoang sơ là hấp dẫn, Manado còn có khoảng 350 nhà thờ, hầu hết là của Cơ đốc giáo - có mặt ở khắp mọi nơi và đủ mọi kiểu phong cách hình dáng. Đó là di sản của những người Hà Lan đầu tiên đến hòn đảo này vào năm 1650.
Du khách còn có thể ghé thăm làng Sawangan. Ở đó, có khu vực cổ xưa 144 Waruga mà dân địa phương gọi là những hòn đá trời - là những khối đá hình vuông - được đẽo thành hình đầu người để đựng những gì còn lại của một người hoặc một gia đình... đã mất.
Nguồn: Báo Cần Thơ