Ghé thăm nhà công chúa Ngọc Sơn ở Huế
Dưới mỗi mái nhà cổ ở Huế đều có bao câu chuyện hấp dẫn về lịch sử gia tộc và cả vùng đất này. Ở Huế có một ngôi nhà cổ mà các thế hệ con cháu của người xưa đã cố gắng giữ gìn những kỷ vật của người xưa như là bảo vật của dòng họ. Đó là ngôi nhà của công chúa Ngọc Sơn ở đường Nguyễn Chí Thanh – thành phố Huế.
Trong ngôi nhà này hiện lưu giữ nhiều kỷ vật của bà công chúa. Công chúa Ngọc Sơn là con gái thứ hai của Vua Đồng Khánh , bà sinh năm 1866. Năm 16 tuổi bà đựơc gả cho ông Nguyễn Hữu Tiễn- con trai của Đông các đại học sĩ Nguyễn Hữu Thảng - một trong tứ trụ triều đình thời bấy giờ. Đến năm 20 tuổi , bà qua đời nhưng trong ngôi nhà cổ này, hiên vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ vật của bà công chúa.
Kỷ vật đầu tiên mà chúng tôi muốn giới thiệu đến quý thính giả đó là bộ xăm hường làm bằng xương do chính tay phò mã Nguyễn Hữu Tiễn làm tặng công chúa. Những thẻ xăm bây giờ đã bóng lên màu ngà, những chữ khắc trên thẻ xương sơn son vẫn còn thắm màu đỏ. Chiếc bát để đổ xúc xích theo dấu in trên đó cho biết làm từ thế kỷ XV. Chỉ riêng chiếc bát này thôi cũng đã là một món đồ cổ giá trị. Trên thân bát là 100 chữ thọ, gọi là “ bách thọ”. Đổ xăm hường là một trò chơi được yêu thích trong hoàng tộc ngày xưa. Trò chơi này cũng là một cách để thể hiện ước mơ học hành, khoa bảng của người xưa. Những chiếc thẻ mang tên Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Tiến sĩ đã thể hiện điều đó. Trong các Gia đình hoàng tộc ngày xưa, trò chơi này được tổ chức vào những dịp Gia đình họp mặt đông đủ hoặc vào dịp tết.
Kỷ vật thứ hai , đó là chiếc hộp gỗ đựng mứt làm bằng tre được chạm khắc hết sức tinh xảo. Cho đến bây giờ mà màu tre vẫn còn bóng lên ánh xanh vàng. Chiếc hộp mỏng manh thật xứng đáng là thứ đồ dùng của một nàng công chúa. Trên nắp hộp tre là hình chạm khắc cảnh hoa lá, rồng ...mà bạn nên nhớ rằng mỗi nét khắc nó mảnh và nhẹ như thế nào, vì nếu khắc sâu thì sẽ chạm ngay đến mặt sau của tre và như vậy mảnh tre sẽ bị nứt.
Một kỷ vật nữa luôn gắn liền với những người phụ nữ , đó là hộp đựng đồ Trang điểm. Đó là một chiếc hộp gỗ hình chữ nhật, màu sơn đen đã bị sờn đi một vài góc nhỏ do năm tháng, những hình chạm cẩn xà cừ vẫn còn bóng sáng. Chiếc hộp bây gìơ được thờ cùng với di ảnh của công chúa. Đó là một người có khuôn mặt thanh tú. Hình cho thấy công chúa đang mặt triều phục trông bà rất quý phái và đẹp. Trong nhà vẫn còn một bức chân dung mà một người thợ vẽ của triều đình đã vẽ bà , ở bức này , công chúa mặc chiếc áo dài sẫm màu theo kiểu người xưa, tà áo may ngắn hơn bây giờ, công chúa đầu chít khăn vành, khuôn mặt trông tròn và mang một vẻ đẹp phúc hậu. Hai mươi tuổi bà đã đi xa nên chuyện kể về bà không còn nhiều nhưng tài năng của bà chính là ở mặt nữ công gia chánh. Là công chúa nhưng bà cũng biết Nấu ăn và thêu thùa may vá. Thật ra đây là những món mà bất kỳ ngườì phụ nữ nào ngày xưa cũng biết. Là công chúa, có lẽ bà chỉ học cho biết mà thôi.
Trong ngôi nhà cổ này, còn rất nhiều cổ vật gắn liền với nhiều nhân vật danh tiếng trong Gia đình. Tuy nhiên với riêng bà công chúa Ngọc Sơn, những kỷ vật và hai bức ảnh còn lại của bà cũng cho ta thêm nhiều thông tin thú vị về đời sống của một bà công chúa xưa như thế nào.
Nguồn: website: forum.festivalhue.com