Nhà ở truyền thống của người Mường Hoà Bình
Trong đời sống, sinh hoạt của người Mường Hoà Bình, ngôi nhà sàn là một phần quan trọng nhất. Nếp nhà không chỉ là nơi che chở, nghỉ ngơi của đồng bào mà còn chứa đựng trong đó nhiều giá trị văn hoá riêng, độc đáo.
Hiện nay, tỉnh ta đã và đang triển khai một số dự án đầu tư khôi phục các làng Mường truyền thống nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và phát triển du lịch như bản Giang Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong; xóm Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc...
Nhìn bên ngoài ngôi nhà sàn của người Mường ở Hoà Bình, điều dễ nhận thấy là có bốn mái, hai mái trước và sau có hình thang cân; hai mái đầu hồi có hình tam giác cân. Kết cấu của nhà sàn người Mường gồm có các vì kèo và các hàng cột con. Nhà sàn truyền thống thường có 2 vì kèo, 4 cột cái và 8 cột con, giữa hai đầu cột cái nối với nhau gọi là xà ngang (quết); ngoài ra còn có các đòn tay nối các vì kèo với nhau và trên đòn tay có các hàng rui nối từ nóc nhà hàng mè nằm vuông góc với rui.
Trên cùng gác trên đầu các vì kèo (nóc nhà) có đòn nóc. Nhà lợp bằng cỏ tranh đan lại thành từng phên dài từ 1,2m đến 1,5m; có nơi lợp bằng lá cọ hoặc rạ đan thành từng phên giống như cỏ tranh. Sàn nhà thường lát bằng những cây bương hoặc bằng gỗ nhưng phổ biến vẫn là cây bương (cây bương to, già để cả cây theo chiều dài tự nhiên, bổ tách đôi và dát thanh từng miếng liền, xếp sát nhau trên toàn bộ diện tích sàn nhà). Cột nhà làm bằng gỗ tròn hoặc vuông nhưng phổ biến là tròn; chân cột thường được chôn xuống đất nhưng cũng có nơi dùng các hòn đá tảng để kê. Nhìn chung, nguyên vật liệu để làm nhà sàn truyền thống của người Mường Hoà Bình là những thứ có sẵn trong tự nhiên như gỗ, tre, nứa, lá, đất, đá…. Ngày nay, nguyên liệu để làm nhà sàn còn có thêm gạch, ngói xi măng….
Đối với người Mường, con rùa vừa gần gũi, thân thuộc, vừa linh thiêng, có vị trí đặc biệt trọng tín ngưỡng bãi vật. Phải chẳng từ xa xưa trong tập quán dân gian qua các câu chuyện thần thoại, người Mường đã hình thành nên những suy nghĩ, lối tư duy trực quan, từ đó tạo nên tập quán ở nhà sàn phỏng theo mô hình “con rùa”, 4 chân là 4 cột cái; mái sườn là cửa chạn. Như vậy, có thể nói, rùa là con vật linh thiêng của người Mường, biểu hiển sự trường tồn và nét đặc trưng văn hoá của người Mường nói riêng và văn hoá nói chung.
Nhà sàn của người Mường thường phân ra ba mặt bằng: mặt trên cùng là gác để đựng lương thực, đồ dùng gia đình; sàn nhà là nơi sinh hoạt nghỉ ngơi; gầm sàn nhà dùng để các dụng cụ sản xuất, nhốt gia súc. Nhà sàn có bố trí hai cầu thang; cầu thang chính ở đầu hồi bên trái. Ở cầu thang chính, trước khi lên cầu thang có chỗ để rửa chân. Đó là một phiến đá hoặc tấm gỗ, có nước đựng trong bồn gỗ hoặc các ống tre để rửa chân trước khi lên nhà. Cầu thang phụ chỉ dùng cho những người trong gia đình lên nhà khi đi làm ruộng, làm nương về.
Trong nhà sàn của người Mường, không gian được chia theo cả chiều dọc và chiều ngang. Từ cầu thang chính bước vào phần giữa sàn nhà phía dưới bếp, phía trên là bàn thờ, phía ngoài là để tiếp khách, phía trong là nơi sinh hoạt của cả gia đình. Người trong gia đình và những người thân thiết thường ngồi quanh bếp. Xung quanh bếp có các hàng ghế gỗ cao 20 -25cm. Trong nhà, theo chiều dọc, phía trên có các cửa sổ gọi là cửa voóng, chỗ ngồi gần cửa voóng thường dành cho người cao tuổi, còn phía dưới dành cho lớp trẻ. Theo chiều ngang, phía ngoài dành cho nam giới, phía trong dành cho nữ giới.
Thông thường, mỗi ngôi nhà sàn truyền thống của người Mường ở được vài chục năm, riêng đối với cội, kèo có thể sử dụng lại nhiều lần mỗi khi tu bổ.
Nguồn: Báo Hòa Bình