Giới thiệu tỉnh Hậu Giang
Hậu Giang là một tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, cách Thành phố Hồ Chí Minh 240 km về phía Tây Nam. Theo kết quả điều tra ngày 01/04/2009, dân số tỉnh Hậu Giang là 756.625 người.
Vị trí địa lý
Hậu Giang là tỉnh ở trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh lỵ là thị xã Vị Thanh. Phía bắc giáp thành phố Cần Thơ; phía nam giáp tỉnh Sóc Trăng; phía đông giáp sông Hậu và tỉnh Vĩnh Long; phía tây giáp tỉnh Kiên Giang và tỉnh Bạc Liêu.
Thị xã Vị Thanh cách Thành phố Cần Thơ khoảng 60 km.
Khí hậu
Khí hậu điều hoà, ít bão, quanh năm nóng ẩm, không có mùa lạnh. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 tới tháng 4 năm sau.
Sông ngòi
Thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang nằm ở trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, giữa một mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt như: sông Hậu, sông Cái Tư, kênh Quản Lộ, kênh Phụng Hiệp, kênh Xà No...
Lịch sử
Trước đây (1976-1991) tỉnh Hậu Giang cũ bao gồm 3 đơn vị hành chính hiện nay là thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang. Cuối năm 1991 tỉnh Hậu Giang được chia thành hai tỉnh: Cần Thơ và Sóc Trăng. Ngày 1 tháng 1 năm 2004 tỉnh Cần Thơ được chia thành thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang ngày nay.
Đơn vị hành chính
Hậu Giang có 7 đơn vị hành chính, gồm 2 thị xã và 5 huyện với 71 xã, phường, thị trấn:
* Thị xã Vị Thanh, tỉnh lỵ
* Thị xã Ngã Bảy, đổi tên từ Tân Hiệp tháng 11 năm 2006
* Huyện Châu Thành
* Huyện Châu Thành A
* Huyện Long Mỹ
* Huyện Phụng Hiệp
* Huyện Vị Thủy
Kinh tế
Nông nghiệp
Từ xa xưa vùng đất này đã là một trong những trung tâm lúa gạo của miền Tây Nam Bộ. Đất đai phì nhiêu, có thế mạnh về cây lúa và cây ăn quả các loại.
Hậu Giang còn có nguồn thủy sản khá phong phú, chủ yếu tôm cá nước ngọt (hơn 5.000 ha ao đầm nuôi tôm cá nước ngọt) và chăn nuôi gia súc. Đặc biệt Sông Mái Dầm (Phú Hữu - Châu Thành) có đặc sản cá Ngát nổi tiếng.
Tỉnh hiện có 139.068 hecta đất nông nghiệp, và phấn đấu đến 2010 sẽ giảm 10.800 hecta.
Đặc sản nông nghiệp có : Khóm Cầu Đúc (Vị Thanh), Bưởi Năm Roi (Châu Thành), Cá thát lát mình trắng (Long Mỹ)
Theo Wikipedia