Jindo - hòn đảo hát
Cư dân tại Jindo, hòn đảo nằm ở tận cùng phía tây nam Hàn Quốc, đã làm dịu đi nỗi đơn độc vì bị bao quanh bởi biển xanh sâu thăm thẳm của mình bằng việc cất lên tiếng hát vui tươi đặc sắc.
Các tỉnh miền Nam Hàn Quốc từ lâu đã nổi tiếng là nơi giàu bản sắc văn hóa và tiêu biểu trong số đó là Jindo, quê hương của rất nhiều bài hát và giai điệu ngợi ca cuộc sống của con người nơi đây. Chính tại hòn đảo đơn độc, bị ngăn cách với đất liền này, nhiều bài hát đã ra đời và được truyền đến ngày nay.
Năm 1984, cầu Jindo được xây dựng, nối liền đảo Jindo với đất liền. Trên thực tế, khoảng cách giữa bán đảo Haenam và đảo Jindo chỉ là 294 m, nhưng chính eo biển nhỏ, hẹp có tên Wooldolmok, có nghĩa là “Cổ họng” đó đã cô lập Jindo trong suốt cả một thời gian dài.
Eo biển Wooldolmok là nơi không ai đến gần được vì dòng nước chảy xiết. Đặc biệt, vào những ngày rằm, khi thủy triều biến động dữ dội nhất, tốc độ dòng chảy lên tới 13 hải lý một giờ, nơi đây đã trở thành một tuyến phòng ngự quan trọng trong lịch sử Hàn Quốc.
Tại nơi này, Hậu Paekje đã kháng cự đến cùng chống lại quân Goryeo do Wanggeon lãnh đạo. Cuối thế kỷ 13, đội quân đặc biệt của Goryeo đã chiến đấu chống lại quân Nguyên Mông cũng tại nơi này. Năm 1597, với 13 chiến thuyền tướng quân Lee Sun Shin đã tiêu diệt hơn 300 chiến thuyền của quân Nhật, tạo ra bước ngoặt lớn trong cuộc đấu tranh chống quân xâm lược Nhật. Tất cả đều đã lợi dụng dòng thủy triều của Jindo như một tấm lá chắn và quyết chiến với quân địch.
Cuộc chiến kết thúc và cái còn lại ở Jindo chỉ là những vết thương.
Rất nhiều đàn ông đã hy sinh trong các cuộc chiến đấu, bỏ lại những người đàn bà đơn côi. Những người phụ nữ Jindo trải qua nỗi đau phải tự tay chôn cất chồng mình. Cuộc sống của họ thật đau thương và đầy gian khổ. Trái tim quặn thắt những niềm đau, nhưng những người phụ nữ Jindo đã vượt qua nỗi đau đó bằng một phương pháp đặc biệt.
Những giai điệu Arirang rộn ràng phát ra từ sân khấu cuộc thi tại Lễ hội Arirang Jindo 2005. Lễ hội này được tổ chức hằng năm, nhằm giới thiệu những giai điệu của Jindo đến với cả nước. Năm nay, một sự kiện đặc biệt được tổ chức để người dân Jindo trực tiếp tham gia và thể hiện khả năng hát Arirang của mình. Những người phụ nữ đã trở thành nhân vật chính của cuộc thi diễn ra hôm mùng 4 vừa qua.
Jindo Arirang là bài hát mà bất cứ người phụ nữ Jindo nào cũng hát rất hay. Giai điệu tươi vui của bài hát làm cho người nghe như muốn nhảy múa theo, nhưng phụ nữ Jindo hát Arirang để hóa giải những niềm đau và nỗi buồn trong trái tim họ.
Phụ nữ Jindo hát Arirang để biến nỗi buồn trong cuộc sống thành niềm vui. Có đúng là họ đã được tiếp thêm sức mạnh qua những bài hát?
Bà Yi Man Shim ra đồng từ sớm tinh mơ và làm việc cho đến tận trưa. Những cánh đồng màu mỡ của Jindo đã mang lại công việc quanh năm cho phụ nữ ở đây. Vừa làm việc đồng áng, vừa phải lo việc nhà, không có lúc nào được duỗi thẳng lưng. Chính khi đó, làn điệu Arirang được cất lên một cách rất tự nhiên.
Đối với bà Yi Man Shim, sự vất vả của cuộc sống đã được hóa giải bằng bài hát Arirang. Bắt đầu là sự than thân trách phận, nhưng cùng với những lời ca, nỗi buồn chất chứa trong lòng cũng dần tan biến. Vì vậy, người dân Jindo thường nói: “Một bài hát giúp họ thu hoạch được 3 đấu gạo”. Qua lời ca, họ biến những nỗi buồn thành niềm vui. Họ hát giữa bữa ăn, hát khi đang chiến đấu và hát cả vào giờ phút khi cái chết gần kề. Đó là lý do tại sao Jindo là nơi đã sản sinh ra nhiều di sản văn hóa phi vật thể như vậy.
Namdo Deulnorae (Bài ca của người nông dân Namdo) được những người nông dân Jindo hát khi làm đồng. Ganggang Sullae được hát bởi những người phụ nữ khi nhảy múa vòng tròn dưới ánh trăng. Ssitgimgut (Nghi thức Pháp sư) được hát để cầu nguyện cho một vong hồn được yên nghỉ ở thế giới bên kia... Tất cả đều là các di sản văn hóa phi vật thể quan trọng được ra đời ở Jindo.
Còn một thứ nữa nhất định phải kể đến khi tới thăm đảo Jindo là rượu Hongju, loại rượu truyền thống chỉ có ở Jindo. Phụ nữ Jindo nổi tiếng tốt bụng thể hiện lòng mến khách của mình bằng việc mời khách uống rượu này.
Nồng độ cồn vượt quá 40 độ nhưng rượu Hongju Jindo không gây sốc như những loại rượu mạnh khác. Hớp một ngụm rượu Hongju, cái làm ta chếnh choáng không phải vì lượng cồn, mà là bởi sắc đỏ của ánh hoàng hôn. Biển luôn có màu vàng đỏ khi mặt trời lặn. Uống Hongju xem hoàng hôn buông xuống, bạn sẽ cảm nhận được sự hòa hợp tuyệt vời của rượu và hoàng hôn. Vì vậy, Hongju còn được gọi là Rượu Hoàng hôn.
Theo KBS Vietnamese - VnExpress