Hấp dẫn Cát Bà (Hải Phòng)
Không kiêu kỳ như vịnh Hạ Long, không thiêng liêng như non Yên Tử, không đầy ắp các dịch vụ vui chơi giải trí như đảo Hồn Tre, nhưng Cát Bà (Hải Phòng) vẫn có sự hấp dẫn đặc biệt với du khách, nơi có núi có rừng, có sông có biển, có suối chảy róc rách, có thung lũng sâu thẳm và các hang động đẹp kì ảo.
Cát Bà, còn gọi là đảo ngọc, là quần đảo lớn nhất trên tổng số 1.969 đảo trên vịnh Hạ Long. Trên đảo còn có thị xã Cát Bà ở phía Đông Nam (trông ra vịnh Hạ Long), hấp dẫn cả 4 mùa bởi vẻ đẹp hoang sơ và kì vĩ đã được tổ chức UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Cát Bà chiều xuân thật đẹp. Vịnh Lan Hạ trước đảo nước trong vắt, có thể nhìn rõ từng đàn cá nhỏ bơi lội tung tăng và rặng san hô dưới đáy ước. Những dãy núi trên đảo xanh đậm như vẽ trên nền trời một bức tranh hài hòa giữa non xanh và nước biết, giữa cỏ cây và tàu thuyền.
Các cụ cao niên ở đây kể lại, tên của đảo trước kia là Các Bà bởi nơi đây tương truyền là nơi ở của Các Bà, là hậu phương cho Các Ông theo Thánh Gióng đánh giặc Ân.
Ở thị trấn Cát Bà hiện nay còn có đền thờ Các Bà. Có lẽ nhờ Các Bà phù hộ và độ trì nên hòn đảo ngày ngày một giàu có, bốn mùa đều hấp dẫn như một người phụ nữ đẹp.
Vào mùa xuân, Cát Bà như cô gái tuổi trăng tròn, tinh nghịch và mộng mơ với những cơn mưa xuân nhè nhẹ và mùi thơm nồng nàn từ các loài hoa ở vườn Quốc gia. Vào mùa hè, Cát Bà sôi động như thiếu nữ tuổi mười tám đôi mươi với các bãi tắm đầy ắp người, gió biển ào ào thổi.
Đến mùa thu, Cát Bà kiêu sa như những cô gái đẹp ngoài ba mươi mà vẫn kén chồng. Mặt biển trong xanh, nắng như dát vàng trên các triền núi, trên các hòn đảo vịnh Lan Hạ. Tới mùa đông, đằm thắm, dịu dàng với những buổi sáng sương mù lãng đãng bay.
Theo số liệu của UBND huyện Cát Hải thì quần đảo Cát Bà có 367 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó lớn nhất là đảo Cát Bà rộng khoảng 100km2. Quần đảo này tiếp nối với các đảo của vịnh Hạ Long tạo nên một quần thể đảo và hang động trên biển và là nơi hội tụ đầy đủ các hệ sinh thái tiêu biểu nhất Việt Nam: Hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới trên đảo đá vôi, rừng ngập mặn, thẩm rong - cỏ biển, các rặng san sô và đặc biệt là hệ thống hang động, thung áng.
Chỉ với diện tích nhỏ như vậy, nhưng Cát Bà có tới 620 loài thực vật thuộc 123 họ có giá trị như chò đãi, lá khôi, lát hoa, dè hương, thổ phục linh, sến mật... trong đó cả một khu rừng cây Kim Giao mà ngày xưa vua chúa thường dùng làm đũa để phòng ăn phải chất độc.
Hệ động vật ở đây cũng rất phong phú với 20 loài thú, 69 loài chim, 20 loài bò sát và lưỡng cư, như: ác là, quạ khoang, voọc đầu vàng, đặc biệt có loài voọc quần đùi trắng thường sống ở các vách đá treo leo ven biển, loài thú quí hiếm được ghi trong sách đỏ thế giới, nay chỉ còn thấy ở Cát Bà. Cát Bà còn có vườn Quốc gia với diện tích 15.200 ha, trong đó có 9.000 ha rừng, 5.400 ha biển tạo nên một môi trường sinh thái lý tưởng.
Trong thời gian ở đảo Cát Bà, du khách sẽ được thưởng thức một loài gà đặc biệt. Hiện nay loài gà này chưa có tên khoa học, chỉ biết dân cư trên đảo thường gọi là gà "trường tồn". Nó gắn liền một giai thoại về con gà trồng cắt hết tiết rồi mà khi trông thấy gà mái vẫn còn sức để truyền lại giống nòi.
Gà "trường tồn" to lớn như gà chọi, nhưng thịt mềm và thơm hơn. Ngoài món ăn chế biến từ gà "trường tồn", Cát Bà còn hấp dẫn du khách bởi nhiều món ăn lạ như tu hài nướng, gỏi tôm hùm...
Nguồn: Tin tức