Phú Lễ, làng môi đỏ ở Hà Thành
Nét văn hóa ăn trầu cau của người Việt đã có từ rất lâu đời, nhưng có lẽ chưa ở đâu người ta lại nghiện ăn trầu, nhai cau như ở Phú Lễ, xã Cần Kiệm, Thạch Thất, Hà Nội. Từ già trẻ, gái trai đều bỏm bẻm nhai trầu.
Dọc theo con đường láng Hòa Lạc, hướng về phía chùa Tây Phương, tìm về làng Phú Lễ cổ kính xưa, vẫn cây đa, bến nước, sân đình, như bao làng quê Bắc Bộ khác. Nhưng Phú Lễ trù phú hơn nhiều, những ngôi nhà cao tầng thấp thoáng bên những ngôi nhà đá ong cổ kính, ở đó Phú Lễ còn thấy một nét văn hoá truyền thống ấy là tục nhai trầu vẫn được gìn giữ trong mỗi nếp nhà.
Ở Phú Lễ, nhà nào cũng có cây cau, giàn trầu và người dân trong làng môi lúc nào cũng đỏ thắm. Tục ăn trầu cau nơi đây đã có biết bao đời, người dân Phú Lễ không kể gái trai già trẻ, nhà ai cũng sẵn bình vôi, lá trầu mời khách. Tục ăn trầu đã trở thành nếp sống, nếp sinh hoạt của người dân thôn Phú Lễ. Gặp mặt là người ta mời nhau cau trầu. Trong làng hễ có đám cưới, hỏi,… hay đám hiếu đều không thể thiếu đĩa trầu.
Những người già trong làng 70 đến 80 tuổi thì cũng có thâm niên hơn 50 năm ăn trầu, những lớp trung niên 40-50 tuổi có người ăn từ khi mới 7 hay 8 tuổi, bọn trẻ con trong làng thấy người lớn ăn cũng nhao nhao đến xin một miếng trầu ăn cho đỏ môi, miệng nhai tự nhiên, ngon lành. Trầu ăn cũng có hai loại, một là trầu không, hai là trầu thuốc - tức trầu ăn với thuốc lào, vị cay cay sẽ làm cho miếng trầu đậm hơn, không nhạt miệng.
Người dân Phú Lễ khi có đình, đám thì dùng thơ ca mời trầu tinh tế lắm. Vừa nói bà Liên, đã 75 tuổi trong làng vừa ngâm nga hát điệu mời trầu ở đám hội : “Gặp đây! Gặp đây! ăn một miếng trầu. Không ăn cầm lấy cho nhau bằng lòng…”. Còn ở đám cưới thì lại có cách mời khác: “Trầu này trầu tính trầu tình ăn vào cho đỏ môi ta, môi mình. Trầu này têm tối hôm qua, giấu cha giấu mẹ nay đem mời trầu,…”. Khi nghe những điệu mời tha thiết này thì dù có là người không ăn cũng vẫn muốn cầm.
Miếng trầu không chỉ là tục lệ mà còn là nét văn hóa trong mỗi gia đình, miếng trầu là quà lộc ngày cưới và là đi đầu trong truyền thống hiếu học của làng. Theo như lời kể của bà Liên: “Theo nếp xưa, miếng trầu dân làng để dâng lên các cụ tiên chỉ, hay mỗi mùa khoa cử những ai trong làng đỗ đạt cao sẽ được dân làng dâng cho miếng cau trầu têm thơm ngon nhất, chọn lọc kỹ nhất”. Từ truyền thống đó, làng Phú Lễ luôn đi đầu trong truyền thống hiếu học, trong làng hiện có họ Vũ, họ Kiều và họ Đặng có con cháu đỗ đạt cao nhất làng.
“Cả làng hiện có 2 tiến sĩ, hơn 10 thạc sĩ trong tổng cộng 208 người có trình độ đại học trở lên”, Thầy giáo Kiều Quang Học của dòng họ Kiều cho biết. Đi khắp cả làng Phú Lễ, bất cứ nhà thờ của họ tộc nào cũng trồng song song cây cau giàn trầu trước cửa. Tựa như lời nhắc nhở con cháu nối tiếp truyền thống hiếu học của gia tộc mình.
Trầu cau còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cưới hỏi. Tục cưới ở Phú Lễ là nhà trai khi nào cũng phải chuẩn bị cau trầu cho nhà gái mời khách. Đó là lễ thách cưới bắt buộc, nếu thiếu chàng trai đừng mong lấy được vợ. Thế nên cứ nhà nào đẻ con trai thì dân làng lại bảo: “Phải chuẩn bị trồng nhiều cau vào để sau này còn đi hỏi vợ.” Vậy là đứa trẻ ở Phú Lễ ngay từ khi mới lọt lòng đã liên quan đến trầu cau. Có lẽ cũng vì thế mà tục ăn trầu cau của làng vẫn được gìn giữ cho đến tận bây giờ.
Ở Phú Lễ, bất kỳ chỗ nào từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ đi làm đồng, quán nước hay tụ tập nói chuyện sân đình làng người ta cũng có đĩa trầu bình vôi. Người con xa quê đi làm ăn cũng chỉ nhớ miếng trầu đỏ thắm quê Phú Lễ. Người Phú Lễ, ai cũng bảo : “ Về Phú Lễ trầu cau lúc nào cũng sẵn”, mời nhau quả cau nho nhỏ nhưng mừng và quý nhau lắm. Nhìn bọn trẻ con trong làng quết một ít vôi lên lá trầu rồi cho miếng cau vào giữa cuốn lại rồi cho vào miệng ăn ngon lành. Ăn miếng trầu Phú Lễ, cay cay nồng nồng, say say nhưng ngọt mặn mà của lòng hiếu khách và truyền thống quý báu vẫn còn được lưu giữ qua bao đời ở nơi đây./.
Nguồn: Báo Nhân dân