Phố tên “Hàng” - Nét độc đáo của phố cổ Hà Nội
Trong cuốn Việt Nam thi văn hợp tuyển của Dương Quảng Hàm có ghi lại ca dao về 36 sáu phố ở Hà Nội như sau:
“Rủ nhau đi khắp Long Thành
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai
Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai
Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Bài, Hàng Khay...”.
Từ xưa đến nay, mỗi khi nhắc tới Hà Nội bên cạnh những “Đông Đô, Hồng Hà, Hồ Tây”, thường người ta sẽ nhớ ngay tới khu phố cổ, với những con phố tên “Hàng” “phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ” như một đặc trưng gần gũi mà riêng biệt của Hà Nội.
Phố cổ Hà Nội được biết đến với diện tích gần 100 ha nằm trong quận Hoàn Kiếm - trung tâm thành phố. Khu vực này được bao quanh bởi đường Hàng Đậu ở phía Bắc, Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ về phía Nam, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải phía tây và Phùng Hưng phía Đông với những ngôi nhà ống hẹp, sâu được xây dựng vào các thế kỷ XVIII và XIX - một điển hình của kiến trúc đô thị cổ, gợi lên một nét văn hóa tinh thần về nếp sống gia đình quây quần nhiều thế hệ. Không chỉ có vậy, phố cổ Hà Nội còn có một đặc trưng nổi tiếng là các phố nghề với tên phố được bắt đầu bằng chữ “Hàng” và những sản phẩm thủ công tinh xảo nức tiếng xa gần, vốn là niềm tự hào sâu sắc của người Hà Nội xưa.
Phố tên “Hàng” ở Hà Nội có lịch sử hình thành từ rất lâu đời. Theo nhiều ghi chép trong sách sử, dưới thời Lý - Trần, Hà Nội có tới 71 phố tên “Hàng”, đến thời Lê thì phố “Hàng” chỉ còn 36 phố. Khi người Pháp quy hoạch lại Hà Nội đã chính thức hoá phần lớn các tên gọi này.
Điều thú vị ở chỗ những tên phố bắt đầu bằng chữ “Hàng” gắn liền với những mặt hàng thủ công được các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh ngay tại các khu phố đó. Xưa, thợ thủ công từ các làng nghề quanh Thăng Long tụ tập về đây, tập trung theo từng khu vực chuyên làm nghề của mình. “Hàng” đằng trước, mỗi phố chuyên môn buôn bán một loại mặt hàng. “Hàng” trở thành một cách định danh, tên đặc trưng các sản phẩm được bày bán chủ yếu trong khu phố ấy. Vì vậy nên, chỉ cần nghe cái tên thôi, người ta đã có hình dung đôi chút về sản phẩm đặc trưng của con phố đó và cái không khí tấp nập của chốn Kinh kỳ xưa. Hà Nội xưa có phố Hàng Gai chuyên bán lưới đánh cá làm bằng sợi gai, có phố Hàng Thiếc luôn sáng bóng màu kim loại, có phố Hàng Mã chuyên buôn bán đồ vàng mã để thờ cúng, phố Hàng Đường chuyên bán bánh kẹo, lại có phố Hàng Bông là nơi buôn tơ, bán vải vóc… Người Hà Nội có lẽ cũng vì thế mà trong thời gian dài đã hình thành thói quen cần gì thì đến phố ấy để mua sắm.
Dạo một vòng quanh phố cổ mới thấy những con phố này nằm ngang dọc, đan xen, giăng mắc vào nhau tạo nên một không gian đô thị khá đặc biệt. Cả phố cổ giống như một cửa hàng bách hóa tổng hợp khổng lồ với nhịp sống ồn ào, sôi động. Và vì đều bắt đầu bằng chữ “Hàng” với những cái tên na ná nên dễ gây sự lúng túng và cảm giác khó phân biệt cho những ai lạc chân bước vào khu phố này. Nhưng đôi khi, đi lạc cũng có cái hay của nó. Chút lo lắng ban đầu sẽ nhanh chóng tan đi, thay vào đó là những bất ngờ đầy thú vị sau khi đã khám phá. Đây cũng chính là một trong những điểm nhấn làm cho Hà Nội trở nên khác lạ và đặc sắc so với nhiều thủ đô khác trên thế giới.
Những con phố tên “Hàng” vẫn là một phần di sản của Hà Nội, tạo những màu sắc và sự đa dạng của phố cổ cũng như truyền tải một ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Qua những tên phố đó, thấy lại được lịch sử và có ít nhiều hình dung về một nét văn hóa xưa của Hà Nội.
Nguồn: website báo BR-VT