Hồ Tây - Hồ Trúc Bạch
Hồ Trúc Bạch cùng với công viên Lý Tự Trọng và Hồ Tây tạo thành một tổng thể thiên nhiên hài hoà, làm thành một thắng cảnh đẹp của thủ đô Hà Nội.
Hồ Tây
Hồ Tây, mặt gương của Hà Nội, lá phổi của chốn Long thành có diện tích rộng hơn 500 ha với một bề dày lịch sử mấy nghìn năm. Đường vòng quanh hồ dài tới 17km. Ngành địa lý lịch sử đã chứng minh rằng hồ là một đoạn sông Hồng cũ còn rớt lại sau khi sông đã đổi dòng... Có thể do sông hồ biến đổi như vậy mà đã xuất hiện nhiều truyền thuyết về hồ và tên gọi của hồ.
Ví như theo truyện "Hồ Tinh" thì có tên là hồ (hoặc đầm) Xác Cáo, vì truyện kể là có một con cáo chín đuôi ẩn nấp nơi đây làm hại dân. Long Quân mới dâng nước lên phá hang cáo, hang sập thành ra hồ.
Theo truyện "Khổng lồ đúc chuông" thì hồ lại có tên là Trâu Vàng. Truyện kể rằng có ông khổng lồ có tài thu hết đồng đen của phương bắc đem đúc thành chuông. Khi thỉnh chuông, tiếng vang sang bên bắc. Vì đồng đen là mẹ vàng nên con trâu vàng phương Bắc nghe tiếng chuông liền vùng đi tìm mẹ. Tới đây nó quần mãi đất, khiến sụt thành hồ.
Theo thư tịch thì thế kỷ XI, hồ này đi vào lịch sử với tên là Dâm Đàm (Đầm mù sương), tới thế kỷ XV thì đã gọi là Tây Hồ. Hồ còn có tên là Lãng Bạc, trùng với tên nơi diễn ra những trận đánh ác liệt giữa quân của Hai Bà Trưng và quân Hán ở vùng Tiên Sơn tỉnh Bắc Ninh.
Hồ Tây từ lâu lắm đã là thắng cảnh. Thời Lý - Trần, các vua chúa lập quanh hồ nhiều cung điện làm nơi nghỉ mát, giải trí, như cung Thúy Hoa thời Lý, điện Hàm Nguyên thời Trần nay là khu chùa Trấn Quốc, cung Từ Hoa thời Lý nay là khu chùa Kim Liên, điện Thuỵ Chương thời Lê nay là khu trường Chu Văn An...
Những ngày sóng yên gió lặng, chơi thuyền Hồ Tây là một thú tao nhã. Lướt trên sóng hồ nhiều thi sĩ đã có những vần thơ tuyệt tác như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến...
Nếu làm một cuộc đi dạo quanh hồ thì đồng thời cũng được thăm khá nhiều di tích và thắng cảnh. Làng Nghi Tàm, quê hương nhà thơ "Bà huyện Thanh Quan" với chùa Kim Liên có kiến trúc độc đáo; làng Nhật Tân nguồn hoa đào mỗi độ xuân về, tương truyền là nơi Lạc Thị đời Hồng Bàng sinh ra một bọc trứng nở thành bảy con rồng. Rồi làng Xuân Tảo với đền Sóc thờ Thánh Gióng, làng Trích Sài có chùa Thiên Niên thờ bà tổ nghề dệt lĩnh, sang làng Kẻ Bưởi có nghề làm giấy cổ truyền và đền Đồng Cổ nơi bách quan hội thề thời Lý, làng Thụy Khuê có chùa Bà Đanh nổi tiếng một thời... Và đặc sắc nhất là đền Quán Thánh. Lại còn cả một số công trình nhà ở mới xây dựng bên hồ làm quang cảnh thêm đa dạng.
Hồ Trúc Bạch
Hồ Trúc Bạch cách Hồ Tây bởi con đường Thanh Niên. Đường Thanh Niên có từ năm 1957 - 1958 theo ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau khi hồ được thanh niên học sinh Hà Nội lao động trong những ngày thứ bảy cộng sản mở rộng như ngày nay. Trước gọi là đường Cổ Ngư, hình thành từ một con đê hẹp được đắp ngăn một góc Hồ Tây.
Hồ Trúc Bạch có từ thế kỉ XVII khi dân hai làng Yên Hoa (nay là Yên Phụ) và Yên Quang (nay là phố Quán Thánh) đắp con đê ngăn góc đông nam Hồ Tây để nuôi bắt cá. Từ khi thành một hồ biệt lập, hồ đã đi vào thư tịch cổ. Sách "Tây Hồ chí" cho biết nguyên ở phía nam hồ có làng Trúc Yên, có nghề làm mành, do đó nhà nào cũng trồng trúc, trúc mọc như rừng. Thời chúa Trịnh Giang (1729 - 1740) xây ở đây một cung điện gọi là Viện Trúc Lâm. Về sau, viện trở thành nơi giam cầm những cung nữ có lỗi, phải dệt lụa để mưu sinh. Lụa đẹp, bóng bẩy, nổi tiếng khắp kinh thành, gọi là lụa làng Trúc.
Ven hồ Trúc Bạch có nhiều di tích lịch sử và công trình kiến trúc đặc sắc như đền Quán Thánh ở ngay góc tây nam hồ. Phía đông có chùa Châu Long (phố Châu Long), tương truyền xây từ thời Trần, là nơi tu hành của công chúa con vua Trần Nhân Tông. Có đền An Trì, nơi thờ Uy Đô, một anh hùng chống quân Nguyên.
Ba phía chung quanh hồ phố xá che khuất, chỉ có phía tây giáp đường Thanh Niên mới bày ra vẻ đẹp êm ả phẳng lặng của mặt hồ. Phía bắc hồ có một gò đất nhỏ, trên gò có đền thờ Cẩu Nhi gắn với chuyện Lý Công Uẩn dời đô.
Lý Công Uẩn sinh năm Giáp Tuất (974), dời đô năm Canh Tuất (1010). Mà "Tuất" là "chó" - một trong 12 con vật theo lịch âm. Trong tín ngưỡng cổ truyền chó là con vật có khả năng xua đuổi tà ma, bảo vệ đất đai. Huyền thoại kể rằng trước ngày Lý Công Uẩn dời đô, có một con chó tới làm ổ đẻ con trên đỉnh núi Nùng, nơi này sau dựng "Chính điện đài" và lập bên điện ngôi đền thờ chó mẹ và chó con. Đến triều đại sau, đền thờ Cẩu Nhi được dời ra ngoài hoàng thành, dựng trên gò trong hồ Trúc.
Theo hanoi.gov.vn