Hấp dẫn bánh tẻ làng Bến (Hà Tây)
Làng Bến là tên gọi vừa xa xưa, vừa gần gũi mà quen quen của làng Lai Tảo, xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây. Từ lâu lắm rồi, dễ đến gần 100 năm nay, ở một vùng quê thuần nông, các bà, các mẹ, các chị nghĩ ra cách làm thứ bánh: Vừa xinh xắn, vừa lịch thiệp, vừa ngon lành để dâng lên cúng tổ tiên những ngày lễ, ngày tết.
Thế là chiếc bánh tẻ làng Bến ra đời từ đó, để có được bánh thơm ngon: Trước tiên phải chọn gạo ré thơm, ré nghệ, ngày nay phải tìm chọn gạo Khang dân, tốt nhất là gạo Tẻ thơm. Gạo được xay giã trắng, sạch, vo đãi ngâm nước chừng nửa ngày, vớt ra để ráo nước. Người ta cho gạo vào cối đá để giã nhỏ rồi dùng rây để rây nhẹ lấy những hạt bột nhỏ mịn, phần to còn lại tiếp tục giã, rây cứ làm như thế cho đến khi thu được toàn bột mịn. Bột đem trộn đều vào nước, lượng nước đủ cần làm cho các hạt bột kết dính với nhau, rồi vê thành quả, đổ nước vào ngâm quả bột, ngâm qua đêm. Sáng ra chắt sạch nước chua, rồi cho bột tan ra rồi để ráo bột gói bánh. Khi ráo bột đun nhỏ lửa, tay quấy đều nhẹ nhàng không để bột vón cục, dẻo khi dùng đũa nâng lên bột không nhỏ xuống là được.
Các ngày lễ, ngày tết, cả tuần, các mẹ, các chị đã lựa mua lá để gói bánh từ những chợ phiên quanh vùng. Đó là loại lá dong bánh tẻ không rách, không già quá, không non quá, khuôn khổ vừa phải đem về luộc chín rồi đem rửa từng cái, từng cái một. Cách làm nhẹ nhàng, sạch sẽ, lá rửa xong được xếp thành tập, buộc ép vào thân cột nơi râm mát, bên ngoài phủ một lớp lá bảo vệ cho khỏi khô quăn, làm như vậy lá dai không bị rách, gẫy gập, khi gói người ta gấp, bẻ nếp tùy theo ý mình.
Nhân bánh thường được làm từ các thứ hành khô, thịt lợn, mộc nhĩ, hạt tiêu, cà cuống đồng, tất cả băm nhỏ trộn đều với muối, bột ngọt.
Ráo được bột trong không khí đầm ấm, mẹ con, bà cháu quây quần cùng nhau gói bánh, những tấm lá được bàn tay mềm mại khéo léo xoay theo hình phễu, còn tay kia múc từng thìa bột vào phễu lá không để rớt ra chút nào, tra nhân vào giữa rồi đặt lá bột lên mâm, ghép 2 mép lá vào nhau gấp thành 2 hoặc 3 nếp từ ngoài vào trong rồi gấp 2 đầu vào giữa làm nên những chiếc bánh nhỏ nhắn, đều đặn, xinh xinh. Chỉ sau một giờ là đã có cả nồi bánh.
Bánh gói được xếp lần lượt vào nồi, hết lớp này đến lớp khác, dưới đáy nồi là lớp cuống lá được trải đều tránh cho bánh bị bén, cháy khi luộc. Trên bếp lửa đã được chuẩn bị sẵn nồi nước. Khi bắc lên luộc người ta dội từ từ nước đã sôi vào sao cho ngập 1/3 nồi bánh thì vừa, mặt khác, đun to lửa giúp cho nồi bánh chỉ sau vài phút là sôi sùng sục, làm cho bột đông dần lại không chảy ra ngoài nếp lá, vì thế người ta không cần buộc lạt ngoài chiếc bánh. Khi đã chỉnh cho lửa cháy vừa phải, đun chừng hơn một giờ là bánh chín. Người ta chắt kiệt nước, ủ nồi bánh vào đống than, tro nóng, giữ cho bánh nóng lâu, ăn đến đâu lấy đến đó thì bánh mềm và ngon.
Khi ăn mở lá bánh ra ta thấy bốc lên một mùi thơm thơm của bột gạo, của hành tươi, đã làm người ta ứa nước miếng. Chấm vào bát mắm ngon, đưa bánh vào miệng thì tất cả các thứ vừa thơm, vừa ngậy, vừa bùi, vừa cay lại sần sật cứ như thấm dần vào tì, vào vị người ăn. Đúng là một món ăn đặc sản được bàn tay khéo léo của các bà, các chị làng Bến tạo nên từ bao đời nay.
Nguồn: Báo Hà Tây