Bảo tàng Chiến thắng B52
Vị trí: Số 157 phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội.
Ðặc điểm:
- Trưng bày các vũ khí, khí tài lập công của quân và dân Thủ đô trong trận "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972, xác máy bay B52.
- Lưu giữ hình ảnh hiện vật về tinh thần quyết chiến, quyết thắng, mưu trí, sáng tạo của quân và dân Thủ đô.
Ngày 22/12/1997, tại 157 phố Đội Cấn, Hà Nội, bảo tàng Chiến thắng B52 chính thức khánh thành. Từ đó đến nay, mỗi năm hàng chục vạn lượt khách đã tới tham quan. Bạn bè bốn phương đã ghi nhận đây là một trong những bảo tàng độc đáo nhất thế giới...
Không ai nghi ngờ về sự độc đáo của bảo tàng “Chiến thắng B52", bởi lẽ trên thế giới không hiếm các hình thức bảo tàng, nhưng chỉ ở Việt Nam mới có dạng bảo tàng này. Cho dù bây giờ sự tiến bộ của khoa học đã tạo nên nhiều loại phương tiện, khí tài quân sự hiện đại, nhưng vào thời điểm năm 1972 máy bay B52 chính là con chủ bài của không quân chiến lược Mỹ và được chính quyền Mỹ coi là sự bất khả chiến bại khi gây chiến với các nước. Lúc đó, Mỹ muốn miền Bắc Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá, ngăn sự chi viện của miền Bắc với miền Nam, đã tiến hành cuộc đánh phá ồ ạt bằng không quân chiến lược vào Hà Nội và một số nơi ở miền Bắc. Dư luận quốc tế biết Hà Nội trở thành "túi bom" hứng chịu các đợt rải thảm bằng B52 đã không khỏi lo ngại kết cục bi thảm của thành phố nhỏ bé, nên hết sức kinh ngạc khi biết nhiều "pháo đài bay" đã bị bắn rơi tại chỗ.
Trên diện tích 1.200m² trưng bày trong nhà, tiếp theo phần giới thiệu quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng vũ trang Thủ đô qua các thời kỳ là nội dung trọng tâm: trận "Điện Biên Phủ trên không" qua 12 ngày đêm tháng 12/1972. Qua những tài liệu, hình ảnh, hiện vật, du khách sẽ thấy rõ âm mưu thâm độc và dã man của đế quốc Mỹ đối với nhân dân Việt Nam. Những con số thống kê tưởng chừng rất khô khan, nhưng đã nói lên sự ác liệt của sự kiện: chỉ tính riêng trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, Mỹ đã sử dụng 726 lần B52, 3.120 lần máy bay chiến thuật và trút hàng chục nghìn tấn bom đạn xuống miền Bắc. Trong đó, tại Hà Nội, Mỹ đã sử dụng 444 lần B52 (chiếm 61% tổng số lần B52 tham gia cuộc tập kích), hơn 1.000 lần máy bay chiến thuật, ném hơn 1 vạn tấn bom đạn, giết hại 2.380 người và làm bị thương 1.355 người. Vẫn còn đó hình ảnh cảnh hoang tàn ở Hà Nội sau các đợt oanh tạc khủng khiếp tại các địa danh: Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai, ga Hà Nội... Và vẫn còn đó hình ảnh về những chia sẻ cộng đồng với những mất mát đau thương cùng những hình ảnh, hiện vật sinh động về cuộc chiến chấn động địa cầu của quân dân Thủ đô đánh trả quyết liệt các cuộc không kích tàn bạo của Mỹ, đập tan huyền thoại "ngoáo ộp" - bắn rơi 358 máy bay (trong đó có 25 chiếc B52).
Tại bảo tàng này có một phòng rất thu hút khách tham quan, đó là sa bàn tổng hợp diễn biến trận "Điện Biên Phủ trên không", diện tích 200m², có không gian ba chiều (thể hiện địa hình khu vực gồm khu dân cư, các trận địa phòng không, điểm B52 rơi...) và khi phòng này hoạt động, hệ thống ánh sáng, âm thanh, tạo khói và phim video chiếu màn ảnh lớn đã tái tạo rất ấn tượng những khoảnh khắc lịch sử huy hoàng của Hà Nội. Khu trưng bày ngoài trời của bảo tàng có diện tích 4.000m², trong đó trưng bày các vũ khí, khí tài mà quân, dân thủ đô đã lập công và một số mảnh xác máy bay Mỹ, một xác máy bay B52 có thân dài 48,07m, sải cánh 56,42m - bằng chứng thất bại thảm hại của đế quốc Mỹ trong cuộc đánh phá miền Bắc Việt Nam và thủ đô Hà Nội.
Bảo tàng còn là nơi sinh hoạt văn hoá của nhiều đối tượng. Bảo tàng đã thu thập hồ sơ các di tích chiến thắng B52 tiêu biểu khác ở Hà Nội, như: di tích ghi dấu ấn của đế quốc Mỹ ở Khâm Thiên, di tích điểm B52 rơi đầu tiên ở Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn; di tích Sở chỉ huy phòng không nhân dân; di tích trận địa phòng không ở phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng; các trận địa tên lửa lập công trong 12 ngày đêm hào hùng vào năm 1972... Bảo tàng Chiến thắng B52 luôn xứng đáng là một trong những địa chỉ lịch sử văn hoá tiêu biểu ở thủ đô.