Kinderdijk - Làng cối xay gió
Người Hà Lan vẫn nói rằng: chính cối xay gió đã tạo nên đất nước họ. Và với người dân nơi đây, cối xay gió mãi mãi trở thành niềm tự hào, sự kiêu hãnh không thể đánh đổi. Một trong số nơi tạo dựng niềm kiêu hãnh ấy là Kinderdijk - làng cối xay gió.
Kinderdijk là vùng đất nằm ở ngoại ô thành phố Rotterdam - Hà Lan. Đây là nơi thấp nhất so với mực nước biển ở Hà Lan.
Kinderdijk được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1997. Ở đây hội tụ nét đặc trưng nhất Hà Lan - những chiếc cối xay gió. Có tới 14 chiếc cối xay gió được làm từ những năm 1400, bây giờ vẫn hiện diện tại Kinderdijk.
Lúc đầu cối xay gió được làm bằng đá, dần dần sau đó con người cải tiến bằng những chất liệu nhẹ hơn như gỗ với hình bát giác và cánh quạt sải dài lợi dụng được nhiều sức gió để guồng nước đổ ra sông.
Cư dân đến sinh sống ở vùng này từ thế kỷ 11. Họ đã cải tạo bãi than bùn, mở rộng khu vực này để trồng trọt và sinh sống bằng cách đào mương, đào kênh dẫn nước, dùng cối xay gió cuốn nước đổ ra sông lớn quanh vùng.
Kinderdijk là điển hình của trận chiến chống giặc nước của người Hà Lan. Là quốc gia mà hầu hết diện tích đất đai thấp hơn mặt nước biển, nhân dân Hà Lan phải giành giật với nước lấy từng mét đất sinh sống. Cuộc chiến ấy kéo dài qua nhiều thế kỷ để đến ngày nay, Hà Lan đã xây dựng được hệ thống đê biển hiện đại nhất thế giới.
Nhưng làng cối xay gió với một quần thể các loại cối khác nhau được gìn giữ từ thế kỷ 13, 14 đến nay thì chỉ còn duy nhất ở Kinderdijk. Cũng vì điều này mà cả đất nước Hà Lan tự hào, nâng niu, quý trọng và bảo tồn làng cối xay của họ.
Đến đây, nhìn những chiếc cối xay gió cổ đã gắn liền với cuộc sống người nông dân qua nhiều thế kỷ, nhìn một vùng đất được tạo nên từ việc dùng cối xay gió đẩy nước biển mới thấy hết sự sáng tạo bền bỉ của con người, đồng thời làm nên một đất nước Hà Lan tươi đẹp, vốn xưa nay đã nổi tiếng thế giới với loài hoa tulip.
(Nguồn: Thế giới phụ nữ)