Nói đến vùng đất Gia Lai, nhiều người
thường nghĩ ở vùng đất thuộc cao nguyên miền Trung nắng gió ấy chỉ có
Biển Hồ, thủy điện Yaly, anh hùng Núp... Song một Gia Lai mang vẻ đẹp
hoang sơ với nhiều thác nước ẩn náu giữa rừng xanh vẫn còn là điều mới
mẻ dành cho du khách mê cảnh đẹp đường rừng.
Thác Công Chúa
Thác Công Chúa |
Thuộc xã la Mơ Nông huyện Chư Pah, cách TP Pleiku 50km về phía tây
bắc, là một thác nước tự nhiên, tuy không cao nhưng địa hình rất đẹp.
Thác
nước dàn trải bởi nhiều tầng đá thấp theo chiều xuôi xuống với những
bậc lên xuống dễ dàng, nước chảy không dữ dội mà êm đềm. Với vẻ đẹp
lãng mạn của mình, thác Công Chúa, đúng như tên gọi, yểu điệu thục nữ
như một nàng công chúa giữa chốn rừng xanh.
Thác Phú Cường
Thác Phú Cường |
Thác thuộc xã Dun, huyện Chư Sê, cách TP Pleiku 45km về phía tây
nam. Có độ cao cột nước khoảng 45m, thác Phú Cường được biết đến bởi vẻ
đẹp tự nhiên, thảm thực vật xanh tốt, nằm trên dòng chảy suối Ia Peet
đổ ra sông Ayun về hạ nguồn xuống hồ Ayun Hạ.
Khu vực thác Phú Cường đang được ngành du lịch lập qui hoạch chi tiết phát triển du lịch.
Thác Ya Ma - Yang Yung
Thác Ya Ma - Yang Yung |
Cách thị trấn Kông Chro 3km, cách TP Pleiku 120km về phía đông. Đây
là hai thác nước được tạo bởi khúc gấp của sông Ba đoạn ngang qua thị
trấn Kông Chro. Thác Ya Ma (còn gọi là thác nhỏ) có dòng chảy êm dịu,
trên nền những bậc đá nối tiếp nhau.
Đi bộ dọc chiều dòng chảy của sông khoảng 3km sẽ gặp một thác nước
khác có cột nước cao hơn như được nứt ra từ giữa dòng sông, tạo thành
hai vách đá dựng đứng hai bên, đó là thác Yang Yung (còn gọi là thác
lớn).
Thác Ia Nhí
Thác Ia Nhí thuộc xã Nhơn Hòa, huyện Chư Sê, cách TP Pleiku 70km về
phía nam. Được tạo bởi suối Ia Lốp, tuy không có độ cao bằng thác Phú
Cường song bề mặt của thác rộng, dòng chảy không dữ dội mà êm dịu. Đây
là điểm du lịch sinh thái dã ngoại hấp dẫn, Công ty Dịch vụ - du lịch
tỉnh đã chọn khu vực thác Ia Nhí để mở tour du lịch cưỡi voi dã ngoại
trong rừng và nghỉ ngơi picnic tại thác.
Thác Lệ Kim
Thác Lệ Kim |
Thuộc địa bàn xã la Tô, là một thắng cảnh đẹp của huyện Ia Grai,
cách trung tâm huyện khoảng 15km, cách TP Pleiku 35km về phía tây.
Thác
được tạo thành từ suối Ia Pech, chảy vào sông Pô kô nằm ngay bên trục
lộ 664 la Grai đi Đức Cơ, với cột nước cao gần 30m dội xuống một hồ
nước rộng. Đứng phía dưới nhìn lên, hơi nước bay ta có cảm tưởng như
những làn sương mù bao phủ.
Thác chín tầng
Thuộc địa bàn xã Ia Sao, huyện Ia Grai, đây là dòng thác rất đặt
biệt, cột thác được phân cấp chín tầng, dòng nước chảy mạnh, phong cảnh
hai bên bờ rất đẹp. Khách địa phương trong thành phố, đặc biệt là thanh
niên thường tổ chức picnic tại thác.
Đây là một trong những điểm có nhiều lợi thế đầu tư phát triển du lịch.
Cổng trời Mang Yang
Cổng trời Mang Yang |
Không chỉ có thác nước đẹp, Gia Lai còn có nhiều đoạn đường đèo đẹp
hùng vĩ. Người dân Gia Lai vẫn quen với tên gọi khá huyền thoại đèo
Mang Yang là Cổng Trời (Mang tiếng Jrai có nghĩa là cổng-cửa, Yang tức
là trời). Quãng đường đèo không dài nhưng độ dốc đứng tạo cảm giác như
lên tới trời xanh. Có lẽ vì đặc điểm này mà đèo này rất thích hợp với
tên gọi đó.
Nếu ai từng lên phố núi Pleiku theo quốc lộ 19 và vào hai mùa mưa
nắng đặc trưng của cao nguyên này, chắc hẳn sẽ không khỏi ngỡ ngàng
trước hai vẻ đẹp rất riêng, rất nên thơ của phong cảnh nơi đây. Nếu đến
vào mùa nắng, bạn sẽ như lạc vào rừng cúc quì vàng rực rỡ dọc đoạn
đường lên đến đỉnh trời. Và nếu là mùa mưa, bạn càng không khỏi ngỡ
ngàng trước làn sóng nhấp nhô của cỏ tranh đuổi nhau trên sườn núi.
Cảnh quan của Đèo Cổng Trời vừa hùng vĩ vừa nên thơ đã để lại nhiều ấn
tượng đẹp trong lòng du khách.
Biển Hồ (hồ Tơ Nuêng)
Hồ Tơ Nuêng. |
Nằm cách trung tâm TP Pleiku 6km về hướng bắc. Biển Hồ trước đây
nguyên là một miệng núi lửa đã ngưng hoạt động cách đây hàng triệu năm,
với diện tích khu vực 460ha, trong đó diện tích mặt nước khoảng 250ha
và độ sâu trung bình 15-18m. Dân trong vùng gọi hồ là biển, và thế là
có tên Biển Hồ.
Hồ mang tên Tơ Nuêng - tên một làng cổ trong huyền thoại. Chuyện kể
rằng: làng Tơ Nuêng xưa to và đẹp lắm, dân làng sống yên vui hòa thuận.
Bỗng một hôm núi lửa ập tới vùi lấp buôn làng, những người sống sót
khóc thương làng mình và người thân mãi không nguôi, nước mắt chảy
thành suối đổ về làng mà thành hồ. Hồ giữ lại tên Tơ Nuêng, một kỷ niệm
chung của bản làng. Ngày 16-11-1988, thắng cảnh thiên nhiên Biển Hồ đã
được Bộ Văn hóa - thông tin cấp bằng Di tích danh thắng.
Biển Hồ
ngoài tác dụng trữ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho dân cư TP
Pleiku còn tạo ra một vùng sinh thái rộng lớn. Đặc biệt, các di chỉ
khảo cổ học được phát hiện tại Biển Hồ đã đem lại một bộ sưu tập hiện
vật phong phú, là bằng chứng chứng minh lịch sử lâu đời của mảnh đất
Gia Lai tươi đẹp và huyền bí...
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, các chuyên gia địa lý và các
nhà khảo cổ học, nếu được đầu tư đúng mức Biển Hồ sẽ trở thành khu du
lịch tổng hợp lý tưởng, bởi đây là một trong những tài nguyên du lịch
có giá trị của khu vực bắc Tây nguyên.
(Nguồn: gialai.gov.vn)