Ngọn thác Sừng tê giác - Lâm Đồng
Từ TPHCM theo quốc lộ 20 qua khỏi Đồng Nai, con đường càng lúc càng lên cao, đưa du khách tới cửa ngõ của miền đất cao nguyên Lâm Đồng. Từ Di Linh lên Đà Lạt, chúng ta đi vào vùng trồi sụt địa chất của chân núi Langbiang. Nơi đây có rất nhiều thác nước hùng vĩ mang những cái tên đẫm hơi thở Tây Nguyên: Dambri, Bobla, Gougha, Queyon... Trong đó, Pongour là ngọn thác đẹp và hùng vĩ nhất, thuộc xã Tân Thành, Đức Trọng, cách Đà Lạt 40km.
Dòng sông Đa Nhim hiền hoà uốn lượn qua các cánh rừng đại ngàn, đến đây trải rộng như một bàn tay xoè ra ôm lấy những mỏm đá núi lô nhô trên một bờ vực thẳm sâu. Dòng sông bỗng sụt rơi, tạo thành các con thác sủi bọt sục sôi ào ạt đổ xuống tít dưới sâu. Đến lưng chừng, các nhánh thác lại đập liên tiếp vào các vạt đá núi nhô ra như những bậc thang khổng lồ, làm cho các dòng thác tung lên, nối liền vào nhau trắng xoá mênh mông.
Có một điều rất lạ là mới cách đây chừng dăm bảy năm, chỉ có những người đi rừng săn thú hoặc tìm thuốc quý mới len lỏi qua rừng già vào được tới chân thác, thế nhưng hình ảnh của con thác tuyệt đẹp này vẫn ngày đêm xuất hiện liên tục trên hàng nghìn màn hình của rất nhiều chương trình karaoke vi tính. Trong lúc say sưa hát, chẳng mấy ai biết đó chính là Pongour. Còn trong sách địa lý, người ta giải thích rằng Pongour theo tiếng Tây Nguyên có nghĩa là Sừng tê giác, có lẽ vì mặt thác trải rộng, uốn cong hình cánh cung và hùng dũng lạ thường. Thác cao đến 40m, rộng chừng 150m có nhiều tầng, đã được khẳng định là con thác đẹp nhất trong khắp miền đất của ba nước Đông Dương.
Hiện nay, Pongour đã thành một địa danh du lịch không thể thiếu với những ai đến Đà Lạt. Mỗi ngày có hàng nghìn người tới đây để chiêm ngưỡng cảnh quan được coi là "Đông Dương đệ nhất hùng thác". Cùng nhau đi dưới tán cây rừng theo các con đường mòn đến gần chân thác, leo theo các tảng đá rải rác như quân cờ trên mặt sông, đến thật gần những thác bọt trắng xoá chui qua những đám mây nước như mưa rào để sang bên kia bờ sông. Ngửa mặt lên trời ngắm những vòng cầu vồng rực rỡ do ánh nắng tán xạ qua hơi mù hiện lên trên đỉnh thác, biến hình theo gió ngàn. Vạch lá cây tìm đường băng qua các cánh rừng già dưới các gốc cổ thụ cao vút, theo đàn bướm rừng chập chờn trên các sườn thung rực rỡ hoa cỏ. Dù ở đâu chăng nữa, cả đất trời Pongour luôn được ngâm trong âm vang không dứt của tiếng thác rền. Lúc đầu tiếng thác đổ làm ta xốn xang, lâu dần bỗng như quen với tiếng thác và người ta thấy như sờ được vào sự chảy trôi bất tận không ngưng nghỉ của thời gian vô hình vô ảnh. Không ở đâu, cảm xúc này rõ nét và thấm thía như ở Pongour.
Ngay tại trung tâm của khu sinh thái, các bạn có thể ăn uống nghỉ ngơi trong các ngôi nhà sàn chênh vênh trên bờ sông, có thể đứng ngắm toàn cảnh con thác từ ngôi nhà bát giác xinh xắn, hay đi tìm mua những đồ lưu niệm của người dân tộc. Nhưng chớ quên đi thử một vòng quanh mặt sông phẳng lặng trên những chiếc canô chạy điện sạch đẹp như một thứ đồ chơi và đừng quên lên thăm ngọn bảo tháp mọc lên giữa mặt hồ. Không gì vui hơn khi sát cánh với các bạn trẻ dân tộc bên lửa trại trong các bài ca, điệu nhảy Tây Nguyên. Và sẽ rất đáng tiếc nếu bạn không thể ngủ được một đêm bên rừng Pongour trong những chiếc lều bạt dã chiến. Khi ấy bạn sẽ hiểu vì sao trước đây nhà vua Bảo Đại sành điệu thường về nghỉ đêm bên dòng thác Sừng tê giác này mỗi khi lên đây săn bắn.
(Nguồn: Lâm Đồng)