Đắk Lắk: Dịch vụ giải trí hồ câu thu hút khách
Cùng với các loại hình dịch vụ giải trí khác đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, thì loại hình dịch vụ giải trí hồ câu cá tại tỉnh Đắk Lắk cũng đang bùng phát mạnh mẽ, thu hút nhiều người tìm đến vui chơi, giải trí. Đây là một loại hình dịch vụ đang được nhiều người yêu chuộng, nhất là trong mùa hè.
Dịch vụ hồ câu cá đã và đang ngày càng xuất hiện nhiều trong những năm trở lại đây. Hiện tại, có gần 20 dịch vụ hồ câu giải trí lớn nhỏ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, xen vào đó là các dịch vụ khác như cà phê sân vườn, nhà hàng… Đây là một loại hình thư giãn, giải trí đang được người dân trong và ngoài thành phố yêu chuộng, họ tìm đến để vui chơi không chỉ trong những ngày nghỉ, lễ, tết, mà cả những ngày thường sau giờ làm việc mệt mỏi. Bởi với khung cảnh thôn quê yên bình, trong những ngôi nhà lá, những vườn cây xanh mát, có hồ câu cá,… đã làm tâm trạng con người được thoải mái, không phải lo nghĩ đến công việc, đó là một cảm nhận chung của nhiều người khi đặt chân đến giải trí ở các hồ câu trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Không phải trả phí cần, mồi, giàn câu, khách có thể thoải mái vui chơi, chỉ phải trả tiền nếu dùng thức ăn, nước uống giải khát ở quán. Tuy nhiên, không vì thế mà giá cả ăn, uống ở đây bị “chém, chặt”. Từ đó, khách tìm đến với dịch vụ hồ cầu không chỉ là những người có tiền, mà đó còn là những sinh viên, những người có thu nhập thấp. Họ tìm đến để thư giãn, để tâm hồn tự do, thoải mái. Nếu dạo quanh các hồ câu trong thành phố vào những ngày hè trời nắng gắt, mới thấy hết sự thu hút khách của dịch vụ này, đó là những buổi liên hoan của nhóm bạn bè thanh niên, nhóm gia đình, hay những du khách trong và ngoài nước khi có cơ hội đặt chân đến TP. Buôn Ma Thuột. Có thể thấy, ở các tỉnh thành khác trong cả nước dịch vụ hồ câu hiện nay chưa phổ biến như ở TP. Buôn Ma Thuột , bởi để mở dịch vụ này đòi hỏi phải có một số vốn lớn đầu tư ban đầu, có thể lên đến vài tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Mậu, chủ hồ câu Đệ nhất hồ câu Mai Hoa Trang (tổ 2, khối 3, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: Hồ câu Mai Hoa Trang được xây dựng từ cuối năm 2006, trước đây nó là vườn cà phê, cây ăn trái của gia đình. Để có được cơ ngơi ngày hôm nay, gia đình tôi đã phải bán hai căn nhà, cầm cố sổ đỏ một mảnh đất rẫy, một ngôi nhà cho ngân hàng mà vẫn phải đi vay thêm để mở dịch vụ hồ câu này”. Hiện tại, Hồ câu Mai Hoa Trang có 7 hồ cá, với tổng diện tích trên 1 ha. Đây là địa điểm mà khách thường dùng để tổ chức gặp mặt, họp lớp, sinh nhật, liên hoan. Mỗi ngày thu hút hàng trăm khách, trong đó có một lượng khách du lịch trong nước và khách quốc tế tìm đến câu cá thư giãn. Từ đó, mỗi ngày trung bình gia đình ông thu nhập từ dịch vụ hồ câu khoảng 5-7 triệu đồng, và tạo việc làm cho hàng chục lao động.
Nhận thấy dịch vụ này đang ngày càng thu hút khách từ các hồ câu xuất hiện từ lâu như Đồng Quê, Mai Hoa Trang, nhiều người đã mạnh dạn đầu tư vốn kinh doanh hồ câu như hồ câu Nắng Chiều (đường Phan Diệm), hồ câu Đại Hưng (đường Y Ngông nối dài),… Ông Nguyễn Văn Dũng, chủ hồ câu Đại Hưng cho biết: trước đây, gia đình tôi tận dụng đất để chăn nuôi, đến tháng 6 năm rồi mới mở dịch vụ cà phê sân vườn - hồ câu Đại Hưng. Tuy mới mở hơn 8 tháng, nhưng mỗi ngày cũng có hàng trăm khách tìm đến đây câu cá giải trí. Thường thì chúng tôi thả các loại cá như cá trắm, cá trôi, cá rô, cá chép, cá diêu hồng,… trong hồ để khách có thể tuỳ hứng chọn thức ăn cho mình khi câu được. Vào những ngày cuối tuần, lễ, tết hầu như quán không còn chỗ trống.
Nguồn: ĐCSVN