Mứt Đà Lạt - Đặc sản của Lâm Đồng
Có thể nói Đà Lạt là kinh đô của mứt Việt Nam. Mứt ở những nơi khác chỉ sản xuất và bày bán vào dịp Tết còn ở đây mứt có mặt quanh năm, thường trực. Bước vào chợ Đà Lạt là bước ngay vào thế giới mứt.
Ngay lối vào tầng trệt chợ Đà Lạt là 150 gian hàng chuyên bán các loại đặc sản của Đà Lạt. Bao quanh chợ là khoảng 50 gian hàng nữa. Và áp đảo các loại trà, cà phê, atisô... là những màu sắc rực rỡ của mứt.
Màu đỏ tươi của các loại mứt dâu, màu nâu óng của các loại mứt khoai lang, màu vàng ươm của mứt mơ, xanh mướt của mứt đào... Những màu sắc như đồng xướng bài hợp ca đủ cung bậc mời chào: "Hãy nếm thử!"
Nghề làm mứt ở Đà Lạt hình thành từ cuối thập niên 1950 đầu 1960, bắt đầu từ những cơ sở chế biến trái dâu tây. Các lò Viên Phú, Tám Thanh... là những tên tuổi cựu trào của nghề làm hàng đặc sản ở Đà Lạt bắt đầu từ việc làm rượu dâu và mứt dâu. Khu vực Trại Hầm là nơi tập trung trồng cây mận và thế là các loại mứt mận ra đời. Cây hồng thì chiếm lĩnh khu vực Cầu Đất, Trạm Hành và nơi này trở thành địa chỉ khai sinh của các loại mứt hồng. Khoai lang chủ yếu trồng ở Đức Trọng nên các lò mứt khoai lang tập trung ở đây. Các loại mứt làm từ dâu, hồng, mận, và khoai lang là những đặc sản được du khách đến Đà Lạt mua nhiều nhất.
Có khoảng 30 loại mứt đặc biệt chỉ Đà Lạt mới có. Đó là biến tấu của các loại mứt làm từ trái dâu tây - nào dâu confiture, nào kẹo dâu khô, nào kẹo dâu bạc hà... Từ trái mận, người Đà Lạt chế biến thành các loại mứt mận khô, mận xí muội... Từ trái hồng lại có hồng khô, hồng giòn, hồng dẻo... Củ khoai lang dân dã cũng biến thành thứ mứt đặc biệt Đà Lạt với đa dạng hình thức và hương vị - khoai lang dẻo, khoai lang giòn, khoai lang gừng... Cả những nông sản như đậu, càrốt, khoai tây, bí... cũng thành mứt đặc sản. Nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển thì lại sinh ra những loại mứt mới làm từ dâu tằm.
Nguồn: website báo Tây Ninh