Giới thiệu đất nước - con người Canada
Canada (phiên âm tiếng Việt: Ca-na-đa; phiên thiết Hán-Việt: Gia Nã Đại), là quốc gia lớn thứ hai trên thế giới, sau Liên bang Nga, và nằm ở cực bắc của Bắc Mỹ.
Lãnh thổ Canada trải dài từ Đại Tây Dương ở phía đông sang Thái Bình Dương ở phía tây, và giáp Bắc Băng Dương ở phía bắc. Về phía nam, Canada giáp với Hoa Kỳ bằng một biên giới không bảo vệ dài nhất thế giới.
Phía tây bắc của Canada giáp với tiểu bang Alaska của Hoa Kỳ. Đông bắc của Canada có đảo Greenland (thuộc Đan Mạch). Ở bờ biển phía đông có quần đảo Saint-Pierre và Miquelon (thuộc Pháp).
Nguồn gốc tên gọi Canada
Chữ Canada có nguồn gốc từ chữ kanata trong ngôn ngữ của thổ dân Huron-Iroquois, có nghĩa là "ngôi làng", ám chỉ đến Stadacona, một địa điểm hiện tại nằm trong phạm vi Thành phố Québec. Ngày xưa, Canada thường được gọi là Dominion of Canada (Xứ tự trị Canada), nhưng hiện nay tất cả các văn kiện chính thức đều chỉ dùng tên Canada.
Lịch sử
Thời tiền sử
Theo phán đoán của các nhà sử học và khảo cổ học, người thổ dân Canada (Indian) là các tộc người du mục đến từ khu vực Ấn Độ-Tây Tạng-Trung Quốc. Khoảng 10.000 đến 12.000 năm TCN, những người này đã đến châu Mỹ.
Vì những lý do như bị kẻ thù đuổi, săn bắt sinh vật, hay tìm nơi ở mới, họ đã tình cờ băng qua lớp băng đá trên eo biển Bering để đến Alaska. Từ đây, họ tiếp tục di cư đến khắp châu lục Bắc Mỹ, biển Caribbean và Nam Mỹ, phát triển ra thành hàng chục ngàn bộ tộc mới.
Còn người Inuit được cho là xuất sứ từ khu vực Siberia, Nga. Họ cũng di cư qua eo Bering, nhưng lại định cư hoàn toàn ở miền Bắc Canada, từ vĩ tuyến 60° trở lên.
Khoảng năm 1000, một vài người Viking ở Bắc Âu đã đặt chân đến Newfoundland. Nhưng họ không định cư mà trở về nước.
Thời thực dân Châu Âu
Khoảng cuối thế kỷ 15, một vài nhà thám hiểm châu Âu đã theo chân Christopher Columbus thám hiểm châu Mỹ.
Năm 1497, John Cabot khám phá Newfoundland và tuyên bố thuộc về vùng đất đó thuộc về Anh. Năm 1534, Jacques Cartier tìm ra khu vực sông Saint-Laurent cho Pháp. Năm 1603, Samuel de Champlain đã thành lập khu dân cư đầu tiên, thành Québec trên bờ sông Saint-Laurent và trở thành thống đốc Tân Pháp (Nouvelle-France) tại Bắc Mỹ.
Các công ty Anh và Pháp đến Bắc Mỹ trao đổi, buôn bán với dân bản địa, mặt hàng quan trọng nhất là lông thú. Từ đó các cuộc tranh chấp đất đai và giành quyền kiểm sát giao thương diễn ra liên tục. Bộ tộc Huron thân với Pháp bị tiêu diệt bởi bộ tộc Iroquois thân với Anh.
Thuộc địa Pháp liền bị đẩy vào thế nguy hiểm. Vua Pháp nhanh chóng ra nhiều chính sách để thu hút thêm dân nhập cư vào Tân Pháp. Năm 1760, dân số Tân Pháp đã tăng lên 70.000.
Năm 1756, cuộc Chiến tranh 7 năm giữa thuộc địa Pháp và thuộc địa Anh ở châu Mỹ nổ ra. Năm 1759, tướng James Wolfe của Anh dẫn quân tấn công thành Québec của lãnh chúa Pháp Louis Joseph de Montcalm-Gozon và chiến thắng. 1760, thành Montréal của Pháp bị Anh thu phục. 1763, Anh và Pháp ký hòa ước. Pháp nhường toàn bộ thuộc địa Bắc Mỹ cho Anh.
Thời thực dân Anh
Tân Pháp sau khi thuộc về Anh được đổi tên thành Quebec. Người dân (nói tiếng Pháp) và chính quyền (tiếng Anh) chống đối lẫn nhau. Thống đốc James Murray đã giải quyết bằng cách bỏ bớt các luật lệ của người Anh và ban cho người nói tiếng Pháp nhiều quyền hơn.
1774, Guy Carleton được vua Anh giao quyền thống đốc và đã ra Đạo luật Quebec (Quebec Act). Theo đó, dân Pháp chiếm đa số sẽ có quyền hơn trong chính phủ. Điều này gây bất mãn cho nhiều người gốc Anh.
Năm 1776, Hoa Kỳ giành được độc lập, những người trung thành với vua Anh nhưng không muốn chống đối đã di cư đến Québec. Dân số Anh tăng lên đáng kể ở đây, và Đạo luật Hiến pháp ra đời.
Nó chia đôi Québec làm hai tỉnh: Thượng Canada (Upper Canada, là Québec ngày nay) của dân nói tiếng Pháp và Hạ Canada (Lower Canada, là Ontario ngày nay) của dân nói tiếng Anh.
Năm 1838, cuộc nổi loạn giữa dân Anh và Pháp ở hai tỉnh Thượng và Hạ diễn ra. Hai dân tộc đánh nhau loạn xạ giữa các đường phố, số người chết rất cao. Điều này khiến vua Anh cử Lord Durham sang Canada.
Durham đã ra Đạo luật Hợp nhất (Act of UNI0N). Đạo luật này nhập hai tỉnh Canada thành một. Durham mong rằng như vậy có thể làm cho dân Pháp bị đồng hóa và sẽ dễ dàng cai trị hơn. Dân nói tiếng Pháp chống đối chính phủ và tìm nhiều cách để duy trì văn hóa Pháp.
Năm 1858, Anh mở ra thêm thuộc địa British Columbia ở bờ biển Thái Bình Dương, nằm ở Tây Bắc của Bắc Mỹ.
Thành lập liên bang
Ngày 1 tháng 7 năm 1867, John Alexander Macdonald đã khánh thành Nước Tự trị Canada (Dominion of Canada) theo Đạo luật Anh Bắc Mỹ (British North America Act). Canada lúc bấy giờ gồm bốn tỉnh: Ontario, Québec, Nova Scotia và New Brunswick.
1870, Manitoba gia nhập Canada. 1871, British Columbia gia nhập. 1873, Prince Edward Island gia nhập. 1905, Alberta và Saskatchewan gia nhập. 1949 Newfoundland gia nhập.
1982, Đạo luật Canada (Canada Act) được thông qua. Québec là tỉnh bang duy nhất không đồng ý thông qua. Đàm phán Hồ Meech (Meech Lake Accord) giữa thủ tướng Brian Mulroney và thủ hiến Québec Robert Bourassa nhằm thuyết phục tỉnh này ký vào đạo luật thất bại.
Dân số và thành phần dân tộc
Dân số Canada năm 2005 được ước lượng vào khoảng 32 triệu người. Dù là một nước có diện tích lớn thứ hai thế giới – khoảng 10 triệu km² – nhưng mật độ dân số của Canada lại cực thấp – khoảng 4 người/km². Canada lớn hơn Hoa Kỳ nhưng dân số chỉ bằng 1/9 của Hoa Kỳ.
Trước thế kỷ 19, toàn bộ dân Canada đều là người thổ dân, người Anh và người Pháp. Mãi cho đến Đệ Nhị Thế Chiến, dân Scotland, Ireland và Đông Âu bắt đầu nhập cư vào Canada. Từ năm 1945, diện mạo văn hoá sắc tộc của Canada phát triển phong phú hơn do số lượng di dân từ Nam Âu, Nam Mỹ, quần đảo Caribbean, Trung Đông và Châu Á-Thái Bình Dương càng ngày càng tăng. Ngày nay dân Canada hầu như đến từ khắp nơi trên thế giới.
Theo kết quả điều tra dân số gần đây nhất, hơn 50% dân số có nguồn gốc không phải là Anh hay Pháp. Trong số đó, số người không phải là dân da trắng chiếm 13%; các thổ dân, chiếm 3%; gốc người Scotland chiếm 14%; gốc người Ireland chiếm 13%; gốc Đức chiếm 9,25% và gốc Ý 4,3%. Con số này sẽ còn tăng thêm nữa theo quá trình "toàn cầu hóa" hiện nay.
Ngôn ngữ
Hai ngôn ngữ chính thức của Liên bang Canada là tiếng Anh và tiếng Pháp. Gần 60% dân Canada có tiếng mẹ đẻ là tiếng Anh, 22% là tiếng Pháp. Đại đa số người nói tiếng Pháp sống tại tỉnh bang Québec, sau đó là các tỉnh bang Ontario, New Brunswick và Manitoba. Một số ngôn ngữ của các thổ dân cũng được xem là ngôn ngữ chính thức tại các lãnh thổ tự trị, đặc biệt là tiếng Inuktitut.
Rất nhiều thứ tiếng của các thổ dân đã bị mai một hay đang đi đến tình trạng đó. Những tiếng khác được nhiều người nói là: tiếng Ý, tiếng Đức, tiếng Quan Thoại, tiếng Quảng Đông, tiếng Tây Ban Nha.
Québec là tỉnh bang độc nhất ban hành một đạo luật bảo vệ tiếng Pháp, mục đích để bảo vệ sắc thái văn hóa đặc biệt nhất Bắc Mỹ của họ. Tuy nhiên quyền lợi về ngôn ngữ và giáo dục của các cộng đồng nói tiếng Anh và các tiếng thổ dân cũng được bảo vệ. Ngoài ra, dân chúng có quyền dùng hoặc tiếng Anh hoặc tiếng Pháp trong khi giao tiếp với chính phủ.
Kinh tế
Canada là một quốc gia phát triển (thuộc G8) và có nguồn năng lượng tự cung tự cấp. Nền kinh tế chính của Canada dựa trên các tài nguyên thiên nhiên. Bạn hàng xuất cảng lớn nhất của Canada là Hoa Kỳ, tiếp theo là Nhật Bản và Anh. Bạn hàng nhập cảng gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc và Mexico.
Canada là thành viên của G8 và nhóm NAFTA (North-American Free Trade Association). Về phía Âu Châu, Canada thuộc nhóm Tổ chức Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO); về phía Á Châu, Canada thuộc nhóm Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Canada có chân trong Liên Hiệp Quốc và rất nổi tiếng trên thế giới về vấn đề bảo trì hòa bình tại những vùng căng thẳng vì chiến tranh.
Chính trị
Canada là một liên bang bao gồm 10 tỉnh bang (province) và 3 lãnh thổ (territory). Liên bang Canada là một liên bang dựa lên nền quân chủ lập hiến và chế độ dân chủ nghị viện.
Nguyên thủ quốc gia của Canada là Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị, ngự trị tại Anh. Với đề nghị của chính phủ Canada, Nữ hoàng cử một người dân Canada làm đại diện cho mình gọi là Toàn Quyền (Governor General of Canada; Gouverneure générale du Canada), hay tôn trọng gọi Đại diện Nữ hoàng. Chính phủ của Canada được lập bởi Quốc hội (Parliament of Canada; Parlement du Canada) do dân bầu lên.
Quốc hội bao gồm hai viện: Thượng Viện (Senate; Sénat) dùng để đại diện các vùng, các tỉnh bang và các sắc thái văn hóa khác nhau trong xã hội, Hạ Viện (House of Commons; Chambre des communes) dùng để đại diện toàn thể dân chúng. Nhiệm vụ của Quốc hội là soạn thảo và ban hành các sắc luật để Chính phủ thi hành.
Đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng (Prime Minister; Premier ministre). Thủ tướng điều khiển Chính phủ và là chủ tọa của một Nội các (Cabinet) bao gồm nhiều Bộ trưởng (Minister) và những người cố vấn.
Trong những buổi họp của Quốc hội, Chính phủ bắt buộc phải trả lời những câu hỏi của các phe đối lập, nhất là phe Đối lập Chính thức (Official Opposition; L'Opposition Loyale de Sa Majesté), về các chương trình hành động của họ. Những cuộc điều trần trước Quốc hội này có thể đưa đến sự bất tín nhiệm – và lật đổ – Chính phủ. Khi Chính phủ bị lật đổ thì Quốc hội cũng bị giải tán. Dân chúng sẽ bầu một Quốc hội mới để thành lập Chính phủ mới.
Canada hiện có 4 chính đảng lớn nhất: Đảng Bảo Thủ (Conservative Party), Đảng Tự Do (Liberal Party), Đảng Tân Dân Chủ (New Democratic Party) và Khối Québéc (Bloc Québécois).
Quân sự
Lực lượng quân đội quốc phòng của Canada được gọi là Quân đội Canada (Canadian Armed Forces). Canada là thành viên của NATO (Khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương). Trong tổ chức này, quân đội Canada được gọi là Lực lượng Canada.
Lực lượng Canada từng phục vụ trong các cuộc chiến lớn như Chiến tranh Nam Phi, Đệ Nhất Thế Chiến, Đệ Nhị Thế Chiến, Chiến tranh Triều Tiên, Chiến tranh Việt Nam, Chiến tranh Vùng Vịnh và Chiến tranh Afghanistan.
Lực lượng Canada còn được Liên Hiệp Quốc giao sứ mệnh bảo vệ hòa bình từ năm 1956, và đã hoàn thành được 42 sứ mệnh khác nhau trên khắp thế giới. Cuối Đệ Nhị Thế Chiến, Canada là nước có lực lượng quân sự mạnh thứ tư trên thế giới.
Văn hoá
Canada là một nước đa văn hóa. Nhất là ở các thành phố lớn như Toronto, Montréal, Vancouver, sự đa dạng của các dân tộc trên thế giới càng rõ rệt hơn. Thêm vào đó, nghệ thuật đương đại rất phát triển.
Có hàng ngàn công trình kiến trúc, phòng tranh, bảo tàng và học viện nghệ thuật trên khắp đất nước. Canada còn là một trong các nước có nền điện ảnh và âm nhạc lớn nhất thế giới.
Canada là thành viên của cả Khối Thịnh vượng chung Anh (The Commonwealth of Nations) lẫn khối Cộng đồng Pháp ngữ (La Francophonie), và nhiều tổ chức quốc tế khác.
Canada hai lần tổ chức Đại hội Triển lãm Quốc tế: tại Montréal (Expos '67) và tại Vancouver (Expos '86); ba lần đăng cai Thế Vận Hội: tại Montréal (Thế vận hội Mùa hè 1976), tại Calgary (Thế vận hội Mùa đông 1988) và tại Vancouver (Thế vận hội Mùa đông 2010).
Các tỉnh bang và lãnh thổ tự trị
Canada có 10 tỉnh bang và 3 lãnh thổ tự trị phía Bắc.
Các tỉnh bang của Canada mang tên province để giữ truyền thống của thời họ thực sự là các tỉnh (hay province) của Đế quốc Anh. Trên thực tế, mỗi đơn vị hành chính này là một bang tự trị (tương đối, nhưng không hoàn toàn, giống một tiểu bang - state - của Hoa Kỳ hay một bang - Bundesland - của Đức) với một chính phủ bao gồm các hệ thống hành pháp, tư pháp, luật pháp, thuế, giáo dục, y tế, xã hội... riêng của họ.
Để tránh sự ngộ nhận với các tỉnh của nhiều quốc gia khác, cộng đồng người Việt tại Canada đã gọi đơn vị hành chính này là tỉnh bang. Từ tỉnh bang đã được dùng rất phổ biến trên các báo chí tiếng Việt phát hành tại Canada, tuy nhiên nhiều người vẫn dùng từ tỉnh, nhất là trong lối dùng hàng ngày.
Cơ chế hành chính của mỗi tỉnh bang tương đối giống trường hợp của liên bang. Với lời đề nghị của Thủ tướng Canada, Nữ hoàng cử một người dân trong tỉnh bang làm đại diện cho mình (Lieutenant governor).
Về mặt lập pháp, thay vì có hai viện như liên bang, quốc hội của mỗi tỉnh bang chỉ có một viện với tên khác nhau tuỳ theo từng tỉnh bang. Về mặt hành pháp, đảng chiếm đa số ghế trong quốc hội sẽ thành lập chính phủ, đảng chiếm nhiều ghế thứ nhì sẽ thành lập đối lập chính thức.
Theo WikipediaTheo Wikipedia