Dấu ấn làng cổ Long Tuyền (Cần Thơ)
Cách TP Cần Thơ chừng 5 km, làng cổ Long Tuyền được coi là nơi hội tụ phong khí văn hóa, tượng trưng cho vẻ đẹp sông nước miệt vườn. Một quần thể di tích từ đình Bình Thuỷ, các chùa Hội Linh, Nam Nhã, Long Quang, mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa tới trụ sở An Nam Cộng sản Đảng, căn cứ Vườn mận, vườn cây trái dọc lộ Vòng cung sẽ nối liền với chợ nổi Phong Điền, mộ cử nhân Phan Văn Trị, vườn Mỹ Khánh, chợ nổi Cái Răng… tạo thành tuyến du lịch hấp dẫn.
Xưa kia, đây là đất “lục ấp’’ (6 thôn) rồi trở thành làng Bình Hưng (1844 đời Thiệu Trị thứ 13). Đến năm 1852, nhân sự kiện đoàn hải thuyền của Tuần phủ Huỳnh Mẫn Đạt thoát hiểm ngay trên sông Bình Thủy, nên đổi là làng Bình Thủy. Đầu thế kỷ 20, dân làng đổi lại Long Tuyền mang ý nghĩa rất lý thú: “Sông Bình Thủy nước chảy uốn khúc như thân rồng nằm, miệng rộng và vàm sông Bình Thủy há toác ra ngậm trái châu là đất Cồn Linh án ngữ vàm sông. Các chi lưu của 4 rạch tỏa ra như 4 chân rồng. Đoạn đuôi thon thon nằm vắt tận cuối làng. Nước sông quanh năm lăn tăn gợn sóng tựa hồ muôn vảy rồng lấp lánh ẩn hiện giữa những vườn cây trái xum xuê’’. Địa hình Long Tuyền như biểu tượng thu nhỏ của vùng đồng bằng sông nước bao la, tạo nên nền “văn minh sông nước miệt vườn” như bức tranh cực đẹp, xóm làng trù phú oằn sai cây trái với những nếp nhà bình dị dọc 2 bờ sông Bình Thủy. Làng cổ Long Tuyền là địa linh nhân kiệt, là đất học lâu đời, đã sản sinh ra danh sĩ yêu nước Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (1807- 1872). Sự nghiệp thi ca Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa chứa chan lòng yêu xứ sở và chí khí chống ngoại xâm, độc đáo hơn hết là sự cống hiến quý giá của ông đã cải biên nghệ thuật tuồng cung đình đương thời thành tuồng của dân gian, của dân miệt vườn lam lũ, giàu tình nghĩa, khẳng khái đấu tranh cho chính nghĩa. Nhờ đó, tên tuổi Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa lên hàng nhà văn hóa tiêu biểu đất phương Nam. Chính vở tuồng “Kim Thạch Kỳ Duyên” của ông được liệt hàng các vở tuồng cổ nhất nước ta, hấp dẫn bao thế hệ cả nước và cũng là vở tuồng đầu tiên dịch ra tiếng Pháp. Nhiều nhà nghiên cứu tuồng đã khẳng định: Ở Trung Bộ có Đào Tấn, còn Nam Bộ có Bùi Hữu Nghĩa.
Làng cổ Long Tuyền, ngoài cảnh sông nước hữu tình, còn có đến 6 di tích cấp quốc gia. Đình Bình Thủy (tức Long Tuyền cổ miếu) được dựng từ năm 1844 chiếm diện tích 4.00m2 phản ánh phần nào tầm vóc của làng cổ Nam Bộ, còn là nơi gìn giữ giá trị tinh hoa của văn hóa, văn minh sông nước miệt vườn Cần Thơ. Chùa Nam Nhã từng lưu dấu chân của Phan Bội Châu, Cường Để và sau này là nhà cách mạng Ngô Gia Tự. Hội Linh cổ tự Long Quang cổ tự, mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, trụ sở An Nam Cộng sản Đảng... độc đáo hơn hết là ngôi nhà cổ Bình Thủy, tiêu biểu nhất của miệt vườn sông nước. Ngôi nhà hoành tráng và bề thế có hàng hiên, sân rộng, vườn lan, cây kiểng quý thu hút khách tham quan trong khi phố xá toàn nhà cao tầng thiếu màu xanh và không gian thoáng đãng. Đó là nét đặc biệt, lôi cuốn khách du lịch muôn phương.
Cảnh quan miệt vườn sinh thái, chưa bị tốc độ văn minh cơ khí lấn át, di sản di tích trở thành thế mạnh kinh tế của làng cổ Long Tuyền. Nơi đây có thể thành lập làng du lịch sinh thái văn hóa về nguồn để thu hút khách tham quan đến đây như đến vùng sông nước đồng bằng Nam Bộ được thu hẹp, khỏi mất thời gian đi nhiều, đỡ tốn kém chi phí, lại có hiệu quả, bởi làng cổ Long Tuyền xứng đáng tiêu biểu cho cả đồng bằng phương Nam.
Tuy ảnh hưởng ít nhiều nền văn hóa Khmer, Hoa, Pháp, Nhật, Mỹ... nhưng làng cổ Long Tuyền vẫn giữ được bản sắc văn minh miệt vườn sông nước Nam Bộ. Đó chính là sự chắt lọc độc đáo, tạo điều kiện cho làng Long Tuyền vững mạnh trên vùng đất đầy biến động của nhiều sắc tộc.
Đến Long Tuyền dù chỉ một lần, du khách sẽ khó quên về miền sông nước nên thơ đầy quyến rũ.
Nguồn: Website Vĩnh Long