Giới thiệu đất nước - con người Cameroon
Cameroon, tên chính thức Cộng hòa Cameroon, là một nước cộng hòa nhất thể tại miền trung Châu Phi. Nằm bên Vịnh Guinea, Cameroon giáp giới các nước Nigeria, Tchad, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Congo, Gabon và Guinea Xích đạo.
Cameroon từng là một thuộc địa Đức. Sau Thế chiến thứ nhất khi Đức bị bại trận Cameroon bị chia thành hai xứ: Cameroun thuộc Pháp và Cameroons thuộc Anh.
Năm 1960, Cameroun thuộc Pháp độc lập và sang năm 1961 thì hợp nhất với phần phía nam của Cameroons thuộc Anh hình thành nước Cộng hòa Liên bang Cameroon. Nước này đổi tên thành Cộng hòa Cameroon thống nhất năm 1972, rồi Cộng hòa Cameroon (tiếng Pháp: République du Cameroun) năm 1984.
So với các nước Châu Phi khác, Cameroon có nền chính trị và xã hội ổn định, tạo thuận tiện cho việc phát triển nông nghiệp, giao thông, lâm nghiệp, và công nghiệp dầu khí. Dù có phong trào đòi hỏi cải cách chính trị, quyền lực vẫn nằm chắc trong tay một nhóm thiểu số chính trị theo sắc tộc.
Lịch sử
Những cư dân đầu tiên tại Cameroon là người Pygmy Baka. Họ đã bị thay thế và đồng hóa phần lớn bởi các bộ tộc Bantu sau những đợt di cư của người Bantu.
Tiếp xúc đầu tiên với Châu Âu diễn ra vào thế kỷ 16 khi người Bồ Đào Nha ghé đây nhưng không lưu lại lâu dài. Di sản của người Bồ Đào Nha từ thuở đó có lẽ là nguồn gốc của tên quốc gia sau này: sau khi tìm thấy nhiều tôm ở Sông Wouri họ đã đặt tên vùng đó là rio dos camaroes, có nghĩa là "dòng sông tôm". Vì thế cái tên Cameroon xuất phát từ từ camarão, "tôm" trong tiếng Bồ Đào Nha.
Nền thuộc địa lâu dài đầu tiên thành hình từ cuối những năm 1870, khi Đế chế Đức nổi lên nắm địa vị một cường quốc Âu châu và chiếm lấy Cameroon. Sau Thế chiến thứ nhất và Đức bại trận, Cameroon trở thành một lãnh thổ thuộc Quốc Liên Ủy trị, chia thành Cameroun thuộc Pháp và Cameroons thuộc Anh năm 1919. Những nước ủy trị đó được đổi thành Các Quốc gia Ủy trị Thống nhất năm 1946.
Năm 1960, Cameroun thuộc Pháp giành lại độc lập và trở thành Cộng hòa Cameroon. Phần phía nam, Cameroon thuộc Anh sáp nhập vào quốc gia này năm 1961.
Phần lãnh thổ còn lại của Cameroon thuộc Anh trở thành một phần của Nigeria cùng thời gian ấy. Chính phủ liên hiệp mới do Ahmadou Ahidjo, người đã lãnh đạo một cuộc đàn áp các nhóm nổi dậy từ trước khi giành độc lập đứng đầu.
Ahidjo thôi chức năm 1982 và được tổng thống hiện nay, Paul Biya, kế nhiệm. Biya đã giành chiến thắng trong nhiều cuộc bầu cử từ khi ông tái lập chúng năm 1992 nhưng sự công bằng của những cuộc bầu cử đó vẫn là một vấn đề gây tranh cãi. Cuộc bầu cử cuối cùng được tổ chức ngày 11 tháng 10 năm 2004.
Chính trị
Tổng thống Cameroon là Lãnh đạo Nhà nước và Lãnh đạo các lực lượng vũ trang. Tổng thống được trao rất nhiều quyền lực, và có thể thi thành những quyền lực đó không mà cần tham vấn Quốc hội.
Tổng thống chỉ định Thủ tướng, người Lãnh đạo chính phủ, và chỉ định toàn bộ các vị trí dân sự cũng như dân sự chủ chốt quốc gia. Tổng thống cũng có thể giải tán Quốc hội, và trong trường hợp được cho phép, ra nghị định tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trao cho ông những quyền lực đặc biệt.
Quyền lực hành pháp do nghị viện đảm nhiệm, hiện tại nước này theo hệ thống nhất viện, là Quốc hội. (Viện thứ hai, Thượng viện, cho tới năm 2006 vẫn chưa được thành lập.)
Quốc hội gồm 180 đại biểu nhóm họp ba lần một năm. Trách nhiệm chính của Quốc hội là thông qua luật pháp, nhưng hiếm khi họ thay đổi hay phản đối thông qua bất kỳ điều luật nào.
Quyền tư pháp do Tòa án tối cao, các Tòa sơ thẩm và các Hội đồng xét xử đảm nhiệm. Dù hiến pháp quy định rằng quyền lực tư pháp độc lập với quyền hành pháp và lập pháp, trên thực tế, nhánh tư pháp phụ thuộc vào Bộ tư pháp của nhánh hành pháp. Tòa án tối cao chỉ có thể xem xét tính hợp hiến của một điều luật trong trường hợp tổng thống đưa ra yêu cầu.
Cameroon đồng thời là thành viên của Khối Thịnh vượng chung Anh và Cộng đồng Pháp ngữ. Hiện đang có một phong trào kháng chiến của những người theo chủ nghĩa quốc gia tại vùng Ambazonia, lãnh thổ thuộc Anh cũ.
Vùng hành chính
Cameroon được chia thành 10 tỉnh và chia nhỏ tiếp thành 58 khu vực hành chính (được gọi là départements trong tiếng Pháp). Các khu vực này lại tiếp tục được phân chia thành các khu vực nhỏ hơn và các quận huyện.
Các tỉnh gồm: Tỉnh Adamawa, Tỉnh Trung Tâm, Tỉnh Đông, Tỉnh Cực Bắc, Tỉnh Duyên Hải, Tỉnh Bắc, Tỉnh Tây Bắc, Tỉnh Tây, Tỉnh Nam, và Tỉnh Tây Nam.
Các khu vực hành chính (départements): xem Các khu vực hành chính Cameroon
Địa lý
Với diện tích 475,440 km² (183,568 mi²), Cameroon là nước lớn thứ 53 thế giới (sau Turkmenistan). Nó có diện tích tương đương Papua New Guinea, và hơi lớn hơn bang California của Hoa Kỳ. Tổng diện tích Cameroon là 469,440 km² (181,252 mi²), với diện tích mặt nước là 6,000 km² (2,317 mi²).
Nước này nằm ở miền Trung và Tây Châu Phi, bao quanh Eo lõm Biafra, giữa Guinea Xích đạo và Nigeria. Tọa độ địa lý Cameroon: 6° N 12° E.
Thỉnh thoảng, Cameroon được gọi là "Châu Phi thu nhỏ" vì nó có mọi điều kiện khí hậu và thực vật chính của lục địa: núi non, sa mạc, rừng mưa, đồng cỏ savannah, dải đất ven biển. Cameroon có thể được chia thành năm vùng địa lý. Các vùng được phân biệt với nhau bởi hình thế tự nhiên, khí hậu và các đặc trưng thực vật.
Các vùng tự nhiên
Vùng đồng bằng ven biển Cameroon trải dài 15–80 km (10 tới 50 dặm) vào trong đất liền từ Vịnh Guinea (một phần Đại Tây Dương) tới cạnh của một cao nguyên. Tuy nhiên, ở bang cũ phía tây, ngọn Núi Cameroon hầu như chạy ra sát biển.
Với nhiệt độ và độ ẩm quá cao, vành đai ven biển này gồm một số vùng ẩm ướt nhất trên trái đất. Ví dụ, Debuncha, ở chân Núi Cameroon, có lượng mưa trung bình hàng năm kỷ lực lên tới 10,000 mm (400 inch). Đây là vùng đồng bằng với rừng dày đặc.
Cao nguyên thấp ở phía nam, bắt đầu từ đồng bằng ven biển là nơi bao phủ chủ yếu bởi rừng mưa nhiệt đới, có độ cao trung bình từ 450–600 m (1,500 đến 2,000 feet). Vùng này không ẩm ướt như đồng bằng ven biển.
Phía tây Cameroon là các dãy núi, đồi và các cao nguyên có độ cao khác nhau trải dài từ Núi Cameroon hầu như tới tận Hồ Chad ở mũi phía bắc đất nước. Vùng này có khí hậu ôn hòa, đặc biệt tại các cao nguyên Bamenda, Bamiléké, và Mambilla. Đây cũng là nơi sở hữu một trong những vùng đất màu mỡ nhất quốc gia, đặc biệt xung quanh Núi Cameroon.
Cao nguyên phía nam nhiều rừng, tiến về phía bắc đất đai trở thành đồng cỏ, với cao nguyên Adamaoua (Adamawa) có địa hình lởm chởm. Trải dài suốt vùng núi phía tây Cameroon, Adamaoua tạo thành một bức tường phân chia giữa phía bắc và phía nam. Độ cao trung bình của cao nguyên này là 1,035 m (3,400 feet), và có khí hậu khá ôn hòa.
Đồng bằng savanna phía bắc trải dài từ cạnh của Adamaoua tới Hồ Chad. Loại thực vật đặc thù ở đây là cây bụi và cỏ. Đây là vùng ít có mưa, với nhiệt độ tương đối cao.
Các con sông
Nước này có bốn mô hình thoát nước chính. Ở phía nam, những con sông quan trọng nhất là Wouri, Sanaga, Nyong, và Ntem, chảy về phía tây thẳng vào Vịnh Guinea. Tuy nhiên, sông Dja và Kadeï chảy về phía đông nam đổ vào Sông Congo. Ở phía bắc Cameroon, Benoué (Benue) chảy về phía bắc và phía tây cuối cùng chạy vào Niger, trong khi Sông Logone chảy về phía bắc vào Hồ Lake.
Chỉ một phần Hồ Chad nằm trong lãnh thổ Cameroon. Phần còn lại thuộc Tchad, Nigeria và Niger. Hồ thay đổi diện tích theo lượng mưa từng mùa.
Tài nguyên thiên nhiên
Nói chung, các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Cameroon thích hợp với nông nghiệp và lâm nghiệp hơn là cho công nghiệp. Đất đai và khí hậu ở phía nam thuận lợi cho việc trồng cấy các loại cây như dừa, cà phê, và chuối.
Ở phía bắc, các điều kiện tự nhiên thích hợp cho các loại cây như bông và đậu phộng. Rừng mưa ở phía nam có nguồn tài nguyên gỗ rất lớn, nhưng rất khó đi tới được nhiều vùng bên trong khu rừng này.
Các con sông ở phía nam bị ngắt quãng bởi những thác nước dốc đứng, nhưng các địa điểm đó rất thích hợp để phát triển thủy điện. Cửa sông Wouri là bến cảng cho thành phố cảng biển chính của đất nước, thành phố Douala. Ở phía bắc, sông Benoué chỉ cho phép giao thông đường thủy theo mùa từ Garoua tới Nigeria.
Dầu mỏ và khí tự nhiên đã được phát hiện ngoài khơi, quặng sắt được tìm thấy ở phía nam gần bờ biển. Phía bắc Cameroon là nơi có lượng trầm tích bô xít và đá vôi lớn.
Kinh tế
Trong một phần tư thế kỷ sau khi giành lại độc lập, Cameroon là một trong những nước đông dân nhất tại Châu Phi. Sự hạ giá các mặt hàng xuất khẩu chính của nước này — dầu mỏ, dừa, cà phê, và bông — ở giữa thập niên 1980, cộng với một đồng tiền tệ được đánh giá quá cao, tham nhũng tràn lan cũng như quản lý kinh tế kém cỏi đã dẫn tới sự giảm phát kéo dài một thập kỷ.
GDP thực trên đầu người giảm hơn 60% trong giai đoạn 1986 tới 1994. Tiền gửi, thâm hụt tài chính cũng như nợ nước ngoài tăng cao. Tuy vậy nhờ nguồn tài nguyên dầu mỏ và các điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp, Cameroon vẫn là một trong những nền kinh tế tốt nhất vùng Hạ Saharan Châu Phi.
Như trường hợp nhiều nước đang phát triển khác, quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã tạo ra sức ép lên nền kinh tế. Hoạt động kinh tế lớn nhất tại Cameroon vẫn là nông nghiệp. Nhiều trở ngại khác đang cản trở sự phát triển của Cameroon; mức độ quan liêu cao, hạ tầng cơ sở kém cỏi, tham nhũng ăn sâu. Gần đây, chính phủ đã tuyên bố đang nỗ lực tiêu diệt tham nhũng và tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch hơn.
Nhân khẩu
Dân cư Cameroon được ước tính gồm 250 sắc tộc riêng biệt, có thể chia thành năm vùng văn hóa chính:
* dân cư cao nguyên phía tây (Bán-Bantu hay dân sống trên đồng cỏ), gồm người Bamileke, Bamun (hay Bamoun), và các nhóm Tikar nhỏ hơn khác ở phía tây bắc (ước tính 38% tổng dân số);
* dân cư vùng rừng nhiệt đới ven biển, gồm người Bassa, Duala (hay Douala), và nhiều nhóm nhỏ hơn khác ở phía tây nam (12%);
* dân cư vùng rừng nhiệt đới phía nam, gồm Beti-Pahuin, Bulu (một phụ nhánh của Beti-Pahuin), Fang (phụ nhánh của Beti-Pahuin), Maka, Njem, và các nhóm người pygmy Baka (18%);
* đa số dân Hồi giáo vùng bán khô cằn phía bắc (Sahel) và cao nguyên trung tâm, gồm Fulani (hay Peuhl trong tiếng Pháp) (14%); và
* "Kirdi", người không Hồi giáo hay mới theo Hồi giáo ở xa mạc phía bắc và cao nguyên trung tâm (18%).
Văn hóa
Người Kirdi và người Matakam ở các vùng núi phía tây sản xuất ra các loại đồ gốm riêng biệt. Các mặt nạ có nhiều uy quyền của Bali, theo hình dạng đầu voi, thường được sử dụng trong những dịp tang lễ và các bức tượng Bamileke nhỏ được tạc có mặt người hay động vất. Người Tikar nổi tiếng vì có những chiếc tẩu trang trí rất đẹp, người Ngoutou nổi tiếng về các mặt nạ hai mặt và người Bamum về các mặt nạ cười.
Viện Châu Phi Đen của Pháp có một thư viện tại Douala chuyên ngành xã hội học, dân tộc học và Lịch sử Châu Phi. Trong số nhiều bảo tàng, Bảo tàng Diamare và Maroua có nhiều bộ sưu tập nhân loại học liên quan tới những người Sudan và Bảo tàng Cameroon tại Douala có trưng bày nhiều đồ vật tiền sử và lịch sử tự nhiên.
Các tổ chức văn hóa gồm Hiệp hội Văn hóa Cameroun, Tổ chức Xã hội Cameroun, và Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ.
Ngoài ra cũng có nhiều hiệp hội phụ nữ (gồmHiệp hội phụ nữ Tây bắc vì sự phát triển nông thôn), các tổ chức thanh niên và tổ chức thể thao. Không giống như các tổ chức phụ nữ mới được các cơ quan phát triển phương Tây thành lập gần đây ở các nơi như Trung Á, các hiệp hội phụ nữ Tây Phi đã có một lịch sử phát triển lâu dài.
Ở nước Cameroon hiện nay, chúng thường được đăng ký như những Nhóm Cộng đồng Sáng kiến hay CIG's, vì thế chúng tiếp tục truyền thống đoàn kết phụ nữ để hỗ trợ tình cảm và kinh tế lẫn nhau. Dù các nhóm đó dựa trên cơ sở phụ nữ giải quyết vấn đề của phụ nữ (như chăm sóc trẻ em, làm ruộng/tích trữ lương thực gia đình, công bằng xã hội vân vân) chúng không phải là độc quyền của phụ nữ và trẻ em cũng như đàn ông đều có thể gia nhập.
Ngoài ra, những ngày nghỉ lễ khác gồm:
* Thiên chúa giáo: Thứ sáu rộng lượng, Chủ nhật Phục sinh và Thứ hai Phục sinh
* Hồi giáo: 'Id al-Fitr và 'Id al-Adha
Giáo dục
Sau khi giành độc lập Cameroon đã sử dụng hai hệ thống giáo dục riêng biệt. Hệ thống Đông Cameroon dựa trên mô hình của Pháp, Tây Cameroon dựa trên mô hình của Anh. Hai hệ thống này đã được sáp nhập với nhau năm 1976. Các trường dòng Thiên chúa giáo luôn đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục.
Cameroon nổi tiếng vì có một trong những hệ thống giáo dục tốt nhất Châu Phi. Giáo dục tiểu học là tự do và bắt buộc. Những con số thống kê cho thấy 70% trẻ em trong độ tuổi 6-12 tới trường, trong khi 79% dân cư Cameroon biết đọc, viết.
Ở những vùng phía nam đất nước hầu như toàn bộ trẻ em ở tuổi đến trường đều đi học. Tuy nhiên, ở phía bắc, là những vùng biệt lập nhất tại Cameroon, con số này thấp hơn nhiều. Đa số học sinh Cameroon không học quá mức tiểu học.
Đất nước này có nhiều viện đào tạo giáo viên và kỹ thuật. Mức giáo dục cao nhất là trường Đại học Yaoundé. Tuy nhiên, hiện nay có một khuynh hướng ngày càng phát triển là những sinh viên giỏi nhất, giàu có nhất đều đi ra sống tại nước ngoài, gây ra tình trạng chảy máu chất xám.
Theo Wikipedia