Hấp dẫn hòn Đá Bạc
Không to lớn như những đảo biển khác trong nước, hòn Khoai và hòn Đá Bạc có diện tích khiêm nhường nằm ở ngoài khơi tỉnh Cà Mau. Theo nhiều tài liệu ghi nhận, tuổi của hai đòn đảo này có đến hơn 180 triệu năm (thuộc Jura giữa - Trung sinh).
Hai đảo này có vị trí quan trọng trong việc khai thác biển, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và nhất là khai thác du lịch. Chính vì thế mà từ nhiều năm nay hòn Khoai và hòn Đá Bạc là tiếng gọi hấp dẫn, thu hút du khách tìm về khi đến Cà Mau tham quan những điểm du lịch sinh thái khác.
Từ thành phố Cà Mau đến hòn Đá Bạc chỉ mất 1 giờ 30 phút đi xe gắn máy theo ngả Minh Hà, qua Cơi Năm. Nếu đi bằng phương tiện thủy, từ TP Cà Mau, xuôi theo dòng kinh Tắc Thủ, sang kinh Hội Đồng Thành về hướng Tây, vượt thêm khoảng 40 km nữa là đến xã Khánh Bình Tây, Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời (quê hương của vua nói dóc Nam Bộ - bác Ba Phi). Đi thêm đoạn nữa là tới ấp Đá Bạc B, từ xa đã thấy hòn Đá Bạc như một hòn non bộ "sừng sững" vượt lên trên dãy nhà xóm Kinh Hòn. Đây là cụm đảo liền kề (gồm: hòn Ông Ngộ, hòn Trọi và hòn Đá Bạc). Hòn Đá Bạc rộng khoảng 6,34 ha, nơi cao nhất là 50 m so với mặt nước biển, cách cửa biển Kinh Hòn chừng 700 m, nơi gần nhất chưa đầy 200 m. Với giá 10.000 đồng/khách, một trong số 20 chiếc vỏ lãi gắn máy túc trực sẽ rẽ làn nước xanh trong, vượt qua một số tàu thuyền đánh cá đưa bạn ra đảo.
Điều đầu tiên đập vào mắt du khách khi dạo quanh hòn Đá Bạc là vô số những viên đá granit chồng chất nhau, được bàn tay huyền bí nào đó nhào nặn thành những hình thù kỳ lạ, tạo nên những sân Tiên, giếng Tiên, bàn chân Tiên, bàn tay Năm Ngón... Trên đỉnh đối diện là đền thờ cá Ông, nơi trưng bày bộ xương cá voi khá lớn. Với bóng cây bàng, bồ đề che rợp, hòn Đá Bạc lúc nào cũng rì rào tiếng gió biển xa ru. Được thế là nhờ hòn Đá Bạc vẫn còn lưu giữ được những mảng rừng và thảm thực vật nguyên sinh quý hiếm. Ở đây, bạn còn có thể đi xem người dân xứ biển cạy hàu hoặc câu cá nâu - một đặc sản Cà Mau.
Theo Thanh Niên - VnExpress