Giới thiệu đất nước con người Bồ Đào Nha
Cộng hòa Bồ Đào Nha (tiếng Bồ Đào Nha: República Portuguesa) là một quốc gia ở Tây Nam của bán đảo Iberia, về phía Tây và Nam giáp Đại Tây Dương, ở phía Bắc và Đông là Tây Ban Nha.
Ngoài ra các đảo Açores và Madeira cũng thuộc về lãnh thổ quốc gia của Bồ Đào Nha. Phía tây của thủ đô Lisboa là Cabo da Roca, điểm cực tây của đất liền châu Âu.
Bồ Đào Nha lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngày 4 tháng 7 năm 1975.
Tên gọi
Tên Portugal xuất phát từ tên của làng Cale ở thung lũng sông Douro. Cale có thể là một từ của tiếng Hy Lạp (Kalles: đẹp) và dùng để chỉ vẻ đẹp của tự nhiên ở vùng miền bắc của nước Bồ Đào Nha ngày nay, thuộc địa của Hy Lạp trong thời kỳ Thượng cổ. Những nhà lịch sử học khác cho rằng cale có nguồn gốc từ tiếng Phoenicia vì người Phoenicia đã định cư ở Bồ Đào Nha trước cả người Hy Lạp. Khi phần đất của Bồ Đào Nha ngày nay thuộc về Đế quốc La Mã, Cale trở thành một cảng quan trọng, trong tiếng La Tinh là Portus Cale.
Trong thời kỳ Trung Cổ Portus Cale trở thành Portucale và sau đó là Portugale, thế nhưng trong thế kỷ thứ 7 và thế kỷ thứ 8 từ này chỉ dùng để chỉ phần đất miền bắc của nước Bồ Đào Nha, tức là vùng giữa hai con sông Douro và Minho. Về mặt khác, Portus Cale được rút ngắn thành Porto, thành phố quan trọng thứ nhì của Bồ Đào Nha, người dân nơi đây tự hào là thành phố mang tên cho đất nước.
Hệ thống chính trị
Từ sau cuộc Cách mạng hoa cẩm chướng năm 1974 Bồ Đào Nha có một nền dân chủ nghị viện vững chắc. Bốn cơ quan quan trọng nhất của chính trị ở Bồ Đào Nha là Tổng thống, Thủ tướng và Hội đồng bộ trưởng, Quốc hội và Tư pháp.
Tổng thống được bầu trực tiếp có nhiệm kỳ 5 năm và đồng thời là người chỉ huy tối cao của quân đội. Tổng thống bổ nhiệm Thủ tướng và Hội đồng bộ trưởng theo kết quả của bầu cử quốc hội. Hội đồng Quốc gia là hội đồng cố vấn Tổng thống bao gồm tất cả các cựu tổng thổng, Thủ tướng, Chánh án của Tòa án Hiến Pháp, Thanh tra Nhân dân, hai tổng thống của Açores và Madeira, 5 người do Tổng thống chọn lựa và 5 người do Quốc hội chọn lựa.
Chính phủ do Thủ tướng lãnh đạo, ông thành lập Hội đồng bộ trưởng. Tất cả các chính phủ mới thành lập đều phải đệ trình trước Quốc hội một chương trình để tranh luận. Nếu như chương trình này không bị từ chối thì có nghĩa là chính phủ được Quốc hội chấp nhận.
Quốc hội được gọi là Assembleia da República bao gồm một viện với tối đa 230 đại biểu. Các đại biểu được bầu 4 năm một lần theo tỷ lệ phiếu bầu cho các đảng phái chính trị. Tổng thống có quyền giải tán Quốc hội và yêu cầu bầu cử mới.
Tòa án tối cao là tòa cao nhất của nền tư pháp Bồ Đào Nha, gồm có các Tòa án tối cao về quân sự, luật lệ hành chánh và luật lệ thuế. Tòa án Hiến pháp của Bồ Đào Nha bao gồm 9 thành viên và có nhiệm vụ giám sát việc thi hành luật đúng theo Hiến pháp.
Bồ Đào Nha có hai đảng lớn. Đảng Xã hội chủ nghĩa (Partido Socialista) với định hướng dân chủ xã hội và Đảng Xã hội Dân chủ (Partido Social Democrata) với định hướng bảo thủ. Ngoài ra còn có Đảng Nhân dân (Partido Popular) được coi là đảng có định hướng thiên hữu nhất trong Quốc hội, Đảng Cộng sản Bồ Đào Nha có truyền thống lâu đời và Bloco de Esquerda của giới trí thức cánh tả.
Tất cả 5 đảng này hiện có đại diện trong Quốc hội. Đảng Xanh Bồ Đào Nha (Partido Ecologista "os Verdes") bao giờ cũng liên minh với Đảng Cộng sản và thường là có được một đại biểu trong Quốc hội.
Quan hệ quốc tế
Bồ Đào Nha là thành viên của Liên minh châu Âu và giữ chức Chủ tịch hội đồng trong nửa năm đầu của năm 2000. Trong thời gian này Bồ Đào Nha trước nhất là theo đuổi mục đích thúc đẩy đối thoại với châu Phi và tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế châu Âu.
Bồ Đào Nha là thành viên sáng lập khối OTAN/NATO và tham gia bảo vệ hòa bình trên bán đảo Balkans bằng quân đội. Cùng với Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha tham gia vào các cuộc họp Hội nghị thượng đỉnh Ibero-Mỹ có mục đích đối thoại với các nước châu Mỹ La tinh.
Bồ Đào Nha cũng đã dẫn đầu trong việc thành lập Cộng đồng các nước nói tiếng Bồ Đào Nha (CPLP) với mục đích tăng cường sự hợp tác của các nước này. Bồ Đào Nha cũng đã giúp đỡ Đông Timor, một thuộc địa cũ, bằng tài chính và quân sự trong cuộc đấu tranh giành độc lập.
Bồ Đào Nha đang có tranh chấp với Tây Ban Nha về vùng đất Olivença, là vùng đất thuộc về Tây Ban Nha nhưng đang được Bồ Đào Nha đòi chủ quyền. Olivença thuộc về Tây Ban Nha từ năm 1801 nhưng trong Hội nghị Wien vào năm 1815 Tây Ban Nha đã tuyên bố đồng ý trao trả vùng đất này lại cho Bồ Đào Nha. Việc này cho tới nay vẫn chưa được thực hiện và vì thế Bồ Đào Nha đã thường xuyên yêu cầu thực hiện việc trao trả này.
Lịch sử
Từ Tiền sử đến Thượng cổ
Thời tiền sử của Bồ Đào Nha tương tự như phát triển chung của các vùng khác trong bán đảo Iberia. Bắt đầu từ 2000 TCN người Iberia đi đến đây có lẽ từ Bắc Phi. Từ 1200 TCN người Phoenicia và từ 700 TCN là người Hy Lạp đã thành lập các thuộc địa của mình ở đây. Từ khoảng 600 TCN người Celt du nhập vào đây, trộn lẫn với người Iberia.
Từ năm 450 TCN vùng đất này bị người Carthage chinh phục và sau cuộc chiến Punic lần thứ nhì được trao lại cho La Mã. Trong hệ thống hành chính của người La Mã, vùng đất này là một tỉnh được hưởng một phần tự trị. Sự thống trị La Mã chất dứt vào thời kỳ di dân, người Suebi (từ năm 409) và nhất là người Goth (từ năm 416) đã thành lập các vương quốc của họ trên lãnh thổ của Bồ Đào Nha ngày nay.
Từ người Mor đến khi có thuộc địa
Năm 711 người Mor xâm chiếm vùng đất này, Bồ Đào Nha trở thành một phần của lãnh địa của vua Hồi Córdoba, triều nhà Almoravides. Năm 722, từ Asturias công tước người Goth Pelágio bắt đầu cuộc chinh phục (Reconquista), cho tới năm 1492 khi người Mor bị đánh đuổi ra khỏi bán đảo Iberia. Ngay từ thế kỷ 11, Bồ Đào Nha được thành lập như là lãnh địa độc lập của một bá tước (Condada Portucalense), từ năm 1093 thuộc về Henrique de Borgonha, cha đẻ của vương triều Bồ Đào Nha đầu tiên.
Dưới thời con trai và người nối nghiệp của Henrique là Afonso I đất nước này giành được quyền độc lập vào năm 1143, Afonso tự xưng là vua. Dòng họ Borgonha (tiếng Pháp: Bourgogne) trị vì ở Bồ Đào Nha cho đến năm 1383; năm 1211 quốc hội đầu tiên (Cortes) được thành lập; năm 1250 với cuộc đánh chiếm Algarve, việc đánh đuổi người Mor ở Bồ Đào Nha hoàn thành; năm 1256 thủ đô được dời về Lisboa.
Năm 1383 dòng họ Borgonha không có người kế thừa, João I, một người con không chính thức, tự xưng là vua. Trong trận chiến Aljubarrota (1385) João I chống trả được yêu cầu kế vị ngai vàng của vua xứ Castilla và thành lập triều vua thứ hai của Bồ Đào Nha, triều nhà Avis. Các vua của triều đại Avis, đặc biệt là Emanuel I (1495-1521), đã dẫn đất nước Bồ Đào Nha đi đến phồn vinh thịnh vượng; Bồ Đào Nha trở thành thế lực dẫn đầu trong hàng hải và thương mại, chiếm cứ thuộc địa ở Brasil, châu Phi, Ả Rập, Ấn Độ và Trung Quốc, đất nước này trở thành một thế lực trên thế giới và là quốc gia giàu có nhất châu Âu (xem thêm Henrique người đi biển). Về mặt nghệ thuật đây cũng là một thời kỳ hưng thịnh (Luís de Camões).
Năm 1580 dòng họ Avis không còn nữa, vì các lý do về vương triều, Bồ Đào Nha thuộc về những người của dòng họ Habsburg trị vì từ Tây Ban Nha. Cho đến năm 1640 người Tây Ban Nha cai trị đất nước này, Bồ Đào Nha mất quyền độc lập, trở thành một tỉnh của Tây Ban Nha và mất đi một phần thuộc địa.
Năm 1640 Công tước của Bragança dẫn đầu một cuộc nổi loạn trong giới quý tộc chống lại nền cai trị của Tây Ban Nha và tự xưng là vua João IV. Ông thành lập triều đại kế cuối của Bồ Đào Nha, triều nhà Bragança. Về chính sách kinh tế và đối ngoại Bồ Đào Nha ngày càng phụ thuộc vào Anh quốc (Hiệp định Methuen năm 1703).
Năm 1755 một cuộc động đất lớn phá hủy phần lớn thủ đô Lisboa. Hầu tước của Pombal, Sebastião José de Carvalho e Melo, xây dựng lại thành phố và dùng nhiều biện pháp mạnh để cải tổ đất nước trở thành một quốc gia có nền quân chủ chuyên chế. Năm 1807 quân đội của Napoléon chiếm đóng đất nước, hoàng gia của Bồ Đào Nha trốn chạy đến Brasil.
Sau khi người Pháp bị đánh đuổi đi với sự giúp đỡ của Anh, nhờ vào cuộc Cách mạng tự do của Bồ Đào Nha đất nước này lần đầu tiên trong lịch sử có một hiến pháp (1821).
Cuộc chiến giữa những người theo chế độ chuyên chế và những người vì một chế độ quân chủ lập hiến chỉ chấm dứt khi những người theo chế độ quân chủ lập hiến chiến thắng trong Cuộc chiến tranh tự do
Từ chế độ quân chủ đến "Quốc gia mới"
Thời kỳ sau cuộc chiến tranh tự do mang dấu ấn của cuộc tranh chấp giữa những người tự do cánh hữu và những người tự do cánh tả. Năm 1853 nữ hoàng Maria II, người trực hệ cuối cùng của dòng họ Bragança qua đời. Thông qua cuộc hôn nhân của nữ hoàng với Ferdinand II của Sachsen-Coburg-Gotha nhánh Bồ Đào Nha của dòng họ quý tộc Đức này tiếp nhận ngôi vua cho đến năm 1910.
Thời kỳ cuối cùng của chế độ quân chủ mang dấu ấn của sự yếu kém chung của đất nước, nhiều vấn đề về kinh tế (phá sản quốc gia năm 1891), và các cuộc nổi dậy của những người theo chế độ cộng hòa. Năm 1908 vua Karl I và người kế vị bị giết chết trong một cuộc ám sát, chế độ cộng hòa được tuyên bố thành lập vào năm 1910.
Tháng 3 năm 1916 Bồ Đào Nha gia nhập khối đồng minh trong Đệ nhất thế chiến, huy động đến 100.000 quân nhân mà trong số đó cho đến khi chấm dứt chiến tranh có khoảng 7.000 người đã hy sinh. Thời kỳ của Đệ nhất Cộng hòa (đến 1926) mang trạng thái hỗn loạn vô chính phủ với các cuộc nổi dậy của những người theo chế độ quân chủ và của những người cộng sản, các cuộc đảo chính (như của Sidónio Pais vào năm 1917), các chính phủ yếu kém và hay thay đổi, không có đa số trong quốc hội và một sự không ổn định chung về chính trị.
Năm 1926 giới quân sự làm đảo chính và chấm dứt Đệ nhất Cộng hòa. Thế nhưng dưới giới quân sự, một người dân sự, António de Oliveira Salazar, từ 1928 là Bộ trưởng Bộ Tài chính, từ 1932 là Thủ tướng, lại đạt đến quyền lực cao nhất.
Năm 1933 ông thành lập "Quốc gia mới" ("Estado Novo"), một chế độ độc tài có xu hướng phát xít, với một đảng thống nhất (União Nacional), Đoàn Thanh niên Quốc gia và Công an mật (PIDE). Trong Đệ nhị thế chiến quốc gia này giữ vai trò trung lập nhưng cho phép quân Đồng Minh thiết lập căn cứ quân sự trên quần đảo Açores và sau chiến tranh gia nhập khối NATO. Cuộc chiến tranh thuộc địa của Bồ Đào Nha từ năm 1960 được tiến hành một cách cứng rắn, đặc biệt là ở châu Phi (Angola, Mozambique, Guiné-Bissau).
Năm 1968 Salazar phải từ chức vì lý do sức khỏe và người kế tiếp ông, Marcello Caetano, đã không quyết tâm làm những cải cách cơ bản. Vì cuộc chiến tranh thuộc địa, Bồ Đào Nha ngày càng bị cô lập trong chính trị đối ngoại, tốn kém của cuộc chiến dẫn đến nợ quốc gia và nạn lạm phát ngày càng cao. Các nhà lãnh đạo trong giới quân sự nhận ra rằng Bồ Đào Nha không thể chiến thắng cuộc chiến tranh thuộc địa bằng quân sự và vì chính phủ không có khả năng tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vấn đề này nên họ cuối cùng đã làm cuộc đảo chính năm 1974.
Do người dân bất bình với chế độ độc tài, lại càng được tăng cường bởi cuộc khủng hoảng kinh tế đang bắt đầu (nguyên nhân là cuộc khủng hoảng dầu lần thứ nhất vào năm 1973) nên đã đoàn kết với những sĩ quan đảo chính, dẫn đến một cuộc nổi dậy của quần chúng, cuộc Cách mạng hoa cẩm chướng, chấm dứt thời kỳ "Quốc gia mới". Những người cầm quyền mới trao trả quyền độc lập cho các thuộc địa (1974/1975), chấm dứt chế độ thuộc địa hằng trăm năm của Bồ Đào Nha.
Từ Cách mạng hoa cẩm chướng đến khi gia nhập Liên hiệp Châu ÂU
Thời kỳ đầu tiên sau cuộc cách mạng mang dấu ấn của tranh chấp giữa khuynh hướng bảo thủ (tướng Spínola) và khuynh hướng xã hội chủ nghĩa (Đại úy Otelo) trong MFA (Movimento das Forças Armadas – Phong trào của lực lượng quân đội), liên minh của những sĩ quan đảo chính. Đầu tiên tưởng chừng như khuynh hướng xã hội chủ nghĩa đã thắng thế, đã có quốc hữu hóa và cải cách ruộng đất, Hiến pháp mới của năm 1976 định nghĩa thời kỳ quá độ dẫn đến Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu quốc gia.
Thế nhưng trong cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên sau khi có Hiến pháp mới vào năm 1976 người ôn hòa hơn, tướng Eanes, bất ngờ thắng đại úy Otelo một cách rõ rệt, đặt lại hướng đi của đất nước trở về chế độ dân chủ nghị viện theo lối Tây Âu. Eanes và Chủ tịch của Đảng Xã hội Chủ nghĩa (lãnh đạo chính phủ từ 1976 đến 1978 và từ 1983 đến 1985, Tổng thống từ 1986 đến 1996) cuối cùng đã dẫn đất nước đi vào Cộng đồng Châu Âu (gia nhập năm 1986)
Từ khi gia nhập EU đến ngày nay
Năm 1979, lần đầu tiên từ sau cuộc Cách mạng hoa cẩm chướng, một nhóm chính trị đứng phía hữu của trung lập thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội (các chính phủ của Francisco de Sá Carneiro và Francisco Pinto Balsemão). Chính phủ đã có thể thống nhất với phe đối lập theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa để sửa đổi hiến pháp, xóa bỏ các phần xã hội chủ nghĩa còn lại đã được ghi vào trong hiến pháp sau cuộc Cách mạng hoa cẩm chướng.
Ngoài những việc khác, các sửa đổi hiến pháp có hiệu lực từ năm 1982 đã xóa bỏ Hội đồng Cách mạng có tính chất quan trọng cho đến thời điểm đó và thành lập một Tòa án Hiến pháp theo gương của các quốc gia dân chủ khác. Năm 1985 Aníbal Cavaco Silva trở thành Thủ tướng, đảng bảo thủ của ông, Đảng Xã hội Dân chủ (Partido Social Democrata – PSD) thắng lớn trong cuộc bầu cử năm 1987, là cuộc bầu cử mà lần đầu tiên một đảng giành được đa số tuyệt đối.
Cavaco Silva là thủ tướng cho đến năm 1995, có một chính sách kinh tế theo khynh hướng chủ nghĩa tự do mới (tiếng Pháp: Néoliberalisme) và xóa bỏ các quốc hữu hóa từ thời kỳ của Cách mạng hoa cẩm chướng. Từ năm 1995 đến 2002 những người của Đảng Xã hội Chủ nghĩa tái thành lập chính phủ với António Guterres.
Trong cuộc bầu cử ngày 17 tháng 3 năm 2002 lại có một cuộc chuyển hướng về cánh hữu. Với tỷ lệ đi bầu là 62,3%, Đảng bảo thủ PSD dưới sự lãnh đạo của José Manuel Durão Barroso đạt được đa số tương đối của số phiếu là 40,1%, tiếp theo đó là Đảng Xã hội Chủ nghĩa (Partido Socialista) (37,9%) và Đảng Nhân dân (Partido Popular - PP) bảo thủ cánh hữu với 8,8%.
Barroso thành lập chính phủ liên minh với Partido Popular, Chủ tịch của đảng này (PP), Paulo Portas, nhận chức bộ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng thời các phần Tư pháp cũng như Lao động và Xã hội cũng đều thuộc về đảng này. Mặc dầu vậy những người của Đảng Xã hội Chủ nghĩa có được chức vụ tổng thống liên tục vì Jorge Sampaio, Tổng thống sau Soares năm 1996, là người của Đảng Xã hội Chủ nghĩa.
Trong năm 2004 Barroso được Hội đồng châu Âu bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban châu Âu, kế tục Romano Prodi. Người kế tục ông trong chức vụ Thủ tướng là Pedro Santana Lopes chỉ cầm quyền được một thời gian ngắn, vì Tổng thống đã giải tán Quốc hội từ tháng 11 và yêu cầu bầu cử mới trong tháng 2 năm 2005. Trong cuộc bầu cử này Đảng Xã hội Chủ nghĩa lần đầu tiên trong lịch sử đạt được đa số tuyệt đối, ứng cử viên José Sócrates là Thủ tướng mới từ ngày 12 tháng 3 năm 2005.
Địa lý
Miền Bắc của Bồ Đào Nha có một khí hậu tương đối ẩm và lạnh, bao gồm hai vùng đất: Vùng đất sông Minho ở phía tây bắc thuộc về những vùng đất đông dân cư nhất của Bồ Đào Nha mà trong đó các thành phố lớn đều nằm dọc theo bờ biển Đại Tây Dương, trong nội địa có rất nhiều thành phố nhỏ và làng mạc. Vùng đất Minho được gọi là "Vườn Xanh" của Bồ Đào Nha vì khí hậu và vì giới thực vật tương đối giàu có.
Trên các cánh đồi dọc theo các thung lũng có rất nhiều ở đây người ta trồng chủ yếu là [nho]] để chế biến thành loại rượu nho nổi tiếng, rượu vang porto (tiếng Việt còn gọi là rượu vang Bồ Đào Nha hay rượu vang poóc tô) và vinho verde. Giới thực vật tự nhiên là một sự pha trộn giữa hệ thực vật của vùng khí hậu ôn hòa và hệ thực vật của vùng cận nhiệt đới, tùy theo độ cao có những cây như cây sồi (Quercus), cây hạt dẻ hay thông (Pinus pinea) và cây ô liu (Olea europaea).
Về phía đông bắc là vùng Trás-os-Montes ("Đằng sau núi"). Đây là vùng nhiều núi, có mùa đông rất lạnh và mùa hè rất nóng. Giới thực vật ít hơn vùng Minho nhiều và càng gần biên giới Tây Ban Nha thì càng ít đi. Cả hai vùng có điểm chung là các khối núi đều có nhiều sông chảy cắt ngang qua như sông Minho (là sông biên giới với Tây Ban Nha) hay sông Douro.
Ở miền Bắc Bồ Đào Nha là Vườn quốc gia Peneda-Gerês, khu bảo tồn tự nhiên quan trọng nhất của quốc gia này. Tại đây còn tồn tại một số rừng tự nhiên còn sót lại, đặc biệt như là rừng cây sồi xanh (Quercus ilex). Các thành phố quan trọng của miền bắc là Porto, Vila Nova de Gaia, Matosinhos, Braga, Vila Real và Bragança.
Phần lớn miền Trung Bồ Đào Nha là đồi núi với Serra da Estrela là một vùng núi quan trọng có khu trượt tuyết. Cả vùng đất này rất màu mỡ và có khí hậu tối ưu để trồng nho, vì thế mà truyền thống trồng nho đã có từ thời kỳ của những người La Mã. Ngoài ra người ta còn trồng ngũ cốc, lúa, cây hướng dương (Helianthus) và rau cải. Sông Tejo chia vùng này làm hai. Các thành phố quan trọng nhất của miền trung Bồ Đào Nha là Lisboa, Aveiro, Amadora, Coimbra, Leiria, Castelo Branco và Setúbal.
Miền Nam Bồ Đào Nha bao gồm ba vùng: Terras do Sado, Alentejo và Algarve, có địa hình từ bằng phẳng cho đến có nhiều đồi, khí hậu nóng và khô. Alentejo đã từng là vựa ngũ cốc của Bồ Đào Nha, ngày nay có dân cư thưa thớt và là vùng đang bị người dân bỏ đi. Sản phẩm chính của vùng ngoài ngũ cốc là nho và cây hướng dương là sản phẩm đang được trồng ngày càng nhiều. Các thời kỳ hạn hán ngày càng kéo dài đã góp phần vào sự suy sụp kinh tế của vùng này.
Vùng Algarve bao gồm toàn bộ bờ biển phía nam của Bồ Đào Nha, với các thành phố xinh đẹp và bãi cát hay bờ biển dốc đứng là một nơi nghỉ mát được ưa thích nhưng cũng mang lại những hiện tượng đi kèm theo của du lịch phổ thông. Các thành phố lớn trong vùng là Évora, Faro và Lagos.
Ngoài ra thuộc về Bồ Đào Nha là hai quần đảo Madeira và Açores có nguồn gốc là núi lửa. Ngọn núi cao nhất của Bồ Đào Nha là Monte Pico, cao 2.351 m trên đảo Pico thuộc về quần đảo Açores.
Dân cư
Nhìn về mặt ngôn ngữ, dân tộc và tôn giáo Bồ Đào Nha là một nước rất thuần nhất, ít nhất là tính trên số dân cư lâu đời. Tiếng Bồ Đào Nha được nói trên khắp đất nước và chỉ có vài làng của vùng Miranda do Douro là nói một thứ tiếng địa phương (Mirandês hay Língua Mirandesa trong tiếng Bồ Đào Nha, thuộc về tiếng Asturien, được chính phủ công nhận chính thức. Phần lớn người Bồ Đào Nha theo đạo Công giáo La Mã.
Về mặt nhân chủng học người Bồ Đào Nha là một dân tộc pha trộn giữa những người Iberia, dân tộc nguyên thủy của bán đảo Iberia và hậu duệ của những người La Mã, Goth, Suebi và Mor xâm chiếm đất nước này.
Người Mor có ảnh hưởng ở Bồ Đào Nha lớn hơn ở các nước Âu châu khác. Sau cuộc đánh đuổi (Reconquista), người Mor một phần bị đuổi đi nhưng phần lớn lại bị bắt làm nô lệ, họ pha trộn vào dân tộc Bồ Đào Nha sau đó và đã góp phần lớn vào sự hưng thịnh của nghề thủ công và nông nghiệp trong thời kỳ Trung cổ.
Trong một thời gian dài Bồ Đào Nha là một nước di dân, các trung tâm văn hóa Bồ Đào Nha quan trọng có nhiều nhất ở Pháp, nơi có khoảng 600.000 người Bồ Đào Nha sinh sống, nhưng cũng có ở nhiều quốc gia khác. Mặt khác, ngay từ thời kỳ các cuộc chiến tranh giành độc lập của các thuộc địa, Bồ Đào Nha đã là nước đến của những người nhập cư từ các vùng là thuộc địa Bồ Đào Nha.
Từ khi gia nhập Liên hiệp châu Âu và đi cùng theo là những sự biến đổi về kinh tế cũng như chính trị, Bồ Đào Nha lại càng là một nước di dân đến nhiều hơn nữa mà những người nhập cư chủ yếu là từ châu Phi (Angola, Cabo Verde), Nam Mỹ (Brasil) và Đông Âu (Nga, Ukraina, Moldova).
Cuối năm 2003 có vào khoảng 250.000 người có các quốc tịch khác sống tại Bồ Đào Nha, trong số những người này có hơn một nửa đến từ các nước nói tiếng Bồ Đào Nha, đa số theo Công giáo và có nền văn hóa tương tự. Vào khoảng một phần tư trong số những người ngoại quốc sống ở Bồ Đào Nha là người Âu, một phần là những người nghỉ phép dài hạn, sống cuộc sống về hưu tại đây, một phần không nhỏ trong số đó đã từng là người Bồ Đào Nha di cư ra khỏi đất nước và nay quay trở về với một quốc tịch khác.
Vì thế Bồ Đào Nha không biết đến hiện tượng đặc biệt là phải hòa nhập những người di dân với ngôn ngữ và văn hóa hoàn toàn khác hẳn nhau như Đức. Theo thống kê cứ mỗi 10 người Bồ Đào Nha là có một người dân có nguồn gốc không phải Bồ Đào Nha (và rất nhiều người trong số đó giờ đây với một hộ chiếu Bồ Đào Nha).
Hơn phân nửa người ngoại quốc sống tại thủ đô Lisboa, ngoài ra họ sống tập trung tại các vùng đô thị ven biển. Tại các vùng đất nội địa, thành phần người nước ngoài dưới 0,5%.
Kinh tế
Từ khi gia nhập vào Cộng đồng châu Âu năm 1986 nền kinh tế Bồ Đào Nha đã phát triển ngày càng đa dạng hơn và chủ yếu là có định hướng về dịch vụ nhiều hơn. Trong thời gian gần đây các dịch vụ đã chiếm khoảng 2/3 tổng sản phẩm quốc nội. Cũng giống như ở các quốc gia châu Âu khác, việc tư nhân hóa được tiến hành một cách rộng rãi và chi tiêu quốc gia được giảm thiểu.
Năm 1998 Bồ Đào Nha đạt đủ điều kiện để gia nhập Liên minh Tiền tệ châu Âu và ngày 1 tháng 1 năm 2002, cũng như 11 quốc gia châu Âu khác, đã đưa đồng Euro vào sử dụng. Nợ mới của Bồ Đào Nha hiện đang vượt quá mức 3% (của tổng sản phẩm quốc nội) được quy định trong Hiệp ước Maastricht, nhưng không phải là quốc gia duy nhất vượt quá quy định này.
Với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế vào khoảng 3,3% hằng năm, tuy trong trong thời gian qua thường vượt mức trung bình của Liên minh châu Âu, Bồ Đào Nha trước sau vẫn là thành viên cũ nghèo nhất của EU: Tổng sản phẩm quốc nội trên đầu người (tính theo sức mua tương đương, tiếng Anh: Purchasing power parity – PPP) ở vào khoảng 78% của mức trung bình các nước trong EU trước khi mở rộng, trong khi năm 1985 còn vào khoảng 50%.
Các vấn đề về cơ cấu thí dụ như hệ thống giáo dục không tốt, tỷ lệ mù chữ cao, cơ sở hạ tầng một phần không được tốt và hệ thống quản lý hành chính không hiệu quả được xem là cản trở cho việc tăng trưởng sản xuất và tăng việc làm một cách nhanh chóng hơn. Vì lý do này, Bồ Đào Nha ngày càng gặp phải sự cạnh tranh của các nước có tiền lương thấp từ Trung Âu và Đông Âu, châu Á và Bắc Phi và không có sức thu hút đặc biệt đối với những đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.
Lương bình quân rất thấp ở Bồ Đào Nha và thời gian làm việc rất dài. Các đầu tư nước ngoài phần nhiều là từ Anh và Tây Ban Nha. Đầu tư lớn nhất từ trước đến nay là việc xây dựng nhà máy ô tô Auto-Europa.
Tỷ lệ thất nghiệp vào khoảng 4% so với trung bình của EU là thấp, nhưng phải lưu ý là nền kinh tế Bồ Đào Nha có một khu vực không chính thức lớn, thu hút một phần những người thất nghiệp không rơi vào thống kê những người thất nghiệp.
Về ngoại thương, trao đổi với các đối tác trong EU chiếm tỷ lệ 80%. Bồ Đào Nha xuất khẩu chủ yếu là quần áo, giày dép, máy móc, sản phẩm hóa học, nút bần, bột giấy và giấy; nhập khẩu máy móc, xe cơ giới, dầu và các sản phẩm từ dầu và các sản phẩm nông nghiệp. Bồ Đào Nha có thâm hụt lớn cả trong cán cân thương mại lẫn trong cán cân thanh toán. Nhờ vào nguồn thu nhập lớn từ du lịch mà cán cân thanh toán không thâm hụt lớn như cán cân thương mại.
Bồ Đào Nha có nhiều tài nguyên, trong đó có than, đồng, thiếc, vàng, các quặng sắt như pirit (tiếng Anh: pyrite) và chalcopyrite, kaolinite, wolframite và uraninite. Bồ Đào Nha thuộc trong số các quốc gia dẫn đầu về sản xuất vonfram (còn được viết là vôn-phram hay vôn-phơ-ram, tiếng Anh: wolfram) và urani (uranium). Trong Đệ nhị thế chiến nước Đức Hitler đã dùng vonfram Bồ Đào Nha trong sản xuất vũ khí và quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima có chứa urani từ Bồ Đào Nha.
Nông nghiệp của Bồ Đào Nha là một trong những nền nông nghiệp kém hiệu quả nhất trong châu Âu, tỷ lệ nông nghiệp trong tổng sản phẩm quốc nội chiếm vào khoảng 5% nhưng hơn 15% tổng số lao động lại làm việc trong nông nghiệp. Việc này đã dẫn đến tình trạng là nhiều doanh nghiệp trong nông nghiệp đã ngưng hoạt động và vào thời gian gần đây gần một nửa thực phẩm phải được nhập khẩu.
Các đồn điền trồng cây sồi bần (Quercus suber) tại Alentejo và trồng cây hạnh (Prunus dulcis) cũng đang bị khủng hoảng trầm trọng. Mặt khác cây bạch đàn đang được trồng trên diện tích rộng vì tăng trưởng nhanh, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp bột giấy, một yếu tố kinh tế quan trọng của Bồ Đào Nha. Vì những nguyên nhân về môi trường, việc này là đáng lo ngại vì bạch đàn làm kiệt quệ đất, đẩy lùi rừng nguyên thủy và kèm theo đó là đẩy lùi thế giới động vật và ngoài ra rất dễ cháy, đã dẫn đến các vụ cháy rừng lớn trong mùa hè.
Tương tự như nông nghiệp, ngành đánh bắt thủy sản cũng phải đương đầu với các vấn đề về hiệu quả. Đoàn tàu đánh cá Bồ Đào Nha rơi lại sau đoàn tàu Tây Ban Nha xa. Phần lớn cá đều phải nhập khẩu.
Du lịch mang lại khoảng 8% tổng sản phẩm quốc nội có chiều hướng tăng, phần lớn khách du lịch đến từ Tây Ban Nha và Anh với Algarve là khu trung tâm du lịch hành đầu.
* Tổng thu nhập quốc gia (tỉ USD): 109,86 (1998), 109,99 (1999), 110,6 (2000)
* Tổng thu nhập quốc gia trên đầu người (USD): 11.020 (1998), 11.010 (1999), 11.060 (2000)
* Thành viên của EU, Hội đồng châu Âu, NATO, OCDE, WTO
Văn hóa
Văn học
Bồ Đào Nha thỉnh thoảng còn được gọi là xứ sở của các nhà thơ. Trong văn học Bồ Đào Nha thơ có ảnh hưởng mạnh hơn văn xuôi. Trong thời kỳ Trung Cổ, khi quốc gia Bồ Đào Nha ra đời, thơ rất phổ biến ở miền đông bắc của bán đảo Iberia, đã mang lại nhiều tác phẩm thi ca và thiên anh hùng ca xuất sắc. Ngoài các nhà thơ cổ điển nổi tiếng nhất như Luís de Camões và Fernando Pessoa còn có một loạt các tác giả khác ít nổi tiếng hơn nhưng cũng có ảnh hưởng quan trọng đến nền văn học hiện đại Bồ Đào Nha.
Văn xuôi phát triển chậm hơn thơ và chỉ hình thành từ thế kỷ 14, từ dạng sử biên niên hay miêu tả cuộc đời của các vị thánh. Fernão Lopes là người đại diện nổi tiếng nhất, ông đã viết quyển sử biên niên về thời kỳ cai trị của 3 vị vua thời của ông. Thế nhưng được biết nhiều nhất trên thế giới lại là nền văn học hiện đại của Bồ Đào Nha, đặc biệt với các tác phẩm của José Maria Eça de Queiroz và người nhận giải Nobel về văn học năm 1998, José Saramago.
Tôn giáo
Khoảng 97% người Bồ Đào Nha theo đạo Công giáo La Mã. Nơi hành hương Fátima trong lãnh thổ Bồ Đào Nha là nơi để tưởng niệm mẹ của Giê-xu, Maria. Maria được người Bồ Đào Nha rất tôn sùng, như là một nữ thần, và đối với một số người đó cũng là một dấu hiệu chứng tỏ tổ tiên của người Bồ Đào Nha trước khi theo đạo Thiên Chúa trước hết là thờ những nữ thần.
Ẩm thực
Ẩm thực của Bồ Đào Nha rất đa dạng vì người Bồ Đào Nha đã mang vào truyền thống của họ nhiều món ẩm thực được biết đến qua những chuyến đi thám hiểm. Mỗi địa phương ở Bồ Đào Nha đều có món đặc sản nấu từ nhiều loại thịt, cá hay các thủy sản khác. Món ăn dân tộc là con cá tuyết Đại Tây Dương (Gadus morhua) mà người ta nói rằng có đến 365 cách thức chế biến khác nhau.
Rượu vang Bồ Đào Nha cũng nổi tiếng, ngay từ thời La Mã, Bồ Đào Nha đã được liên tưởng với Bacchus, vị thần rượu và lễ hội trong thần thoại La Mã. Ngày nay một vài loại rượu vang của Bồ Đào Nha là một trong những loại rượu vang ngon nhất thế giới, đặc biệt là loại rượu vang ngọt porto.
Âm nhạc
Thể loại âm nhạc quan trọng nhất của Bồ Đào Nha là Fado (trong tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa là "số mạng"), là một điệu nhạc dân tộc có thể trở thành rất buồn và vì thế một phần tạo nên hình ảnh của người Bồ Đào Nha buồn bã (so với người Tây Ban Nha sôi nổi).
Thể loại âm nhạc này được gắn liền với từ saudade (buồn bã, tưởng nhớ) và có lẽ hình thành từ sự pha trộn của những bài hát của những người đi biển Bồ Đào Nha với âm điệu của những người nô lệ châu Phi. Người ta phân biệt hai chiều hướng, Fado của Lisboa và của Coimbra.
Amália Rodrigues là người nữ nhạc sĩ Fado có tầm quan trọng nhất. Sau khi bà qua đời nhiều nhạc sĩ khác đã tạo nên nhiều hình thức mới cho loại nhạc dân tộc này. Tại các nước trước kia là thuộc địa của Bồ Đào Nha, loại nhạc Fado cũng rất phổ biến và tiếp tục phát triển thành Morna của Cabo Verde và Choro của Brasil.
Một truyền thống nhạc khác bắt nguồn từ thời kỳ "Quốc gia mới". Những người đại diện nổi tiếng nhất của phong trào âm nhạc chống đối này là José Afonso (thường được gọi là Zeca) và Sérgio Godinho. Bài hát nổi tiếng Grândola, Vila Morena của José Afonso là tín hiệu khởi đầu cho cuộc Cách mạng hoa cẩm chướng.
Truyền thống múa và nhạc Bồ Đào Nha đã được pha lẫn với truyền thống của những người nô lệ từ nước Angola ngày nay tại Brasil trở thành Samba và cũng rất phổ biến ở Bồ Đào Nha.
Lễ hội
Lễ tôn vinh ba vị thánh nhân dân (Santos Populares) được tổ chức vào tháng 6 hằng năm trên khắp nước Bồ Đào Nha. Ba vị thánh này là Antôn Padua (Anthony Padua), Gioan Tẩy giả (John the Baptist) và Phêrô (Saint Peter). Người Bồ Đào Nha mừng lễ hội này với rượu vang, água-pé (rượu làm bằng trái cây lên men), bánh mì cùng với cá mòi, hóa trang và múa trên đường phố, đám cưới và pháo hoa.
Lễ kỷ niệm Santo António (thánh Antôn) diễn ra trong đêm 12 và sáng ngày 13 tháng 6, đặc biệt là ở Lisboa (nơi vị thánh này ra đời và ngụ tại đó) với hóa trang trên đường phố (Marchas Populares).
Vị thánh được ngưỡng mộ nhất là São Jõao (thánh Gioan Tẩy giả), được kỷ niệm vào ngày sinh nhật thánh Gioan (ngày 24 tháng 6), đặc biệt là ở Porto và Braga, theo truyền thống có món cá mòi và xúp Caldo Verde và người ta dùng búa nhựa gõ lên đầu nhau vì tin rằng như vậy sẽ mang lại nhiều may mắn. Lễ kỷ niệm São Pedro (thánh Phêrô) được tổ chức vào ngày 28 và 29 tháng 6, đặc biệt là tại Póvoa de Varzim và Barcelos.
Thể thao
Bóng đá là bộ môn thể thao phổ biến nhất, được ưa chuộng nhất và cũng là bộ môn thể thao được chơi nhiều nhất ở Bồ Đào Nha. Nền bóng đá Bồ Đào Nha đã mang lại nhiều cầu thủ có tầm cỡ thế giới như Cristiano Ronaldo, Eusébio, Manuel Rui Costa,Nuno Gomes hay Luís Figo.
Bên cạnh bóng đá, các vận động viên thể thao Bồ Đào Nha cũng đã có nhiều thành tích quốc tế trong chạy việt dã, bóng chuyền bãi biển và Roller-Hockey (khúc côn cầu dùng giầy trượt).
Bồ Đào Nha có một môn thể thao truyền thống với tên là Jogo do pau (chơi gậy), là một môn thể thao tự vệ dùng một gậy gỗ đơn giản làm vũ khí. Môn thể thao này bắt nguồn từ thời kỳ Trung cổ, ngày nay vẫn còn được luyện tập với gậy dài khoảng từ 60 cm đến 80 cm tức là ngắn hơn nguyên thủy rất nhiều.
Hệ thống giáo dục
Cho đến cuộc Cách mạng hoa cẩm chướng năm 1974 việc giáo dục không được quan tâm đến và sau cuộc cách mạng việc xây dựng hệ thống giáo dục cũng chỉ được tiến hành một cách chậm chạp. Ngày nay người ta có thể nhận ra được điều này: Thí dụ như trong năm 2000 chỉ có một phần mười những người trong độ tuổi 30 là tốt nghiệp đại học.
Tỷ lệ này của Bồ Đào Nha là tỷ lệ thấp nhấp với một khoảng cách xa trong số những thành viên của Liên hiệp Châu Âu trước khi mở rộng. Ngoài ra tỷ lệ người mù chữ gần 15% cũng là tỷ lệ người mù chữ cao nhất châu Âu.
Điều này là một cản trở lớn trong phát triển kinh tế, nhất là góp phần vào vấn đề kém hiệu quả trong nông nghiệp vì những người mù chữ chủ yếu là ở nông thôn. Nhưng giới trung lưu của Bồ Đào Nha cũng chỉ được đào tạo dưới trung bình vì việc vào đại học chỉ trở thành đơn giản hơn trong những năm gần đây.
Vì thế mà thiếu thí dụ như là doanh nhân được đào tạo tốt, chủ các doanh nghiệp có truyền thống thường không cạnh tranh lại được với nước ngoài vì họ vào những vị trí lãnh đạo là vì thừa kế chứ không phải vì được đào tạo.
Hệ thống trường học bao gồm trường tiểu học (4 năm) và trường trung học cấp I (5 năm). Theo pháp luật, tất cả các trẻ em từ 6 tuổi đều bắt buộc phải đi học 9 năm. Việc giảng dạy theo chương trình ở các trường học của nhà nước là không tốn tiền và gia đình có thể nhận được giúp đỡ khi con học tại các trường tư nhân, loại trường tương đối có rất nhiều.
Sau trường trung học cấp I, học sinh nào học xong trung học cấp II (Escola Secundária) kéo dài 3 năm thì đủ điều kiện để có thể học đại học và có thể lựa chọn một trong nhiều hình thức học đại học: tại các trường đại học tổng hợp (universidades) quốc gia và tư nhân hay tại các trường đại học thực hành (escolas politécnicas) của quốc gia hay của tư nhân.
Để nâng đỡ các nơi hẻo lánh trường đại học cũng được thành lập ở nhiều thành phố trung bình, việc chuyển từ trường này qua trường khác tương đối dễ dàng. Phải thi vào đại học và phải trả học phí, học phí ở các trường tư nhân cao hơn ở các trường nhà nước và thay đổi tùy theo chuyên ngành, trong các trường đại học nhà nước có thể đến 850 Euro hằng năm. Mặc dầu vậy khoảng 1/3 sinh viên đang theo học tại các trường tư nhân. Khoảng 20% sinh viên hưởng sự giúp đỡ của nhà nước tùy theo thu nhập.
Hệ thống thư viện
Bồ Đào Nha có một truyền thống thư viện lâu đời trong lịch sử, bắt đầu từ những sưu tập trong tu viện và từ thời kỳ Trung Cổ. Vì thế mà ngày nay hệ thống thư viện đã phát triển thành nhiều loại thư viện đa dạng như các thư viện khoa học, thư viện của các trường đại học, thư viện công cộng, thư viện của trung tâm quản lý hành chánh và nhiều thư viện chuyên môn. Tuy vậy không có con số chính xác cho tổng số thư viện cũng như cho tổng số các lưu trữ trong thư viện.
Công việc khuyến khích phát triển hệ thống thư viện công cộng một cách có phương pháp và hệ thống bắt đầu từ thế kỷ 19. Trong thời gian "Quốc gia mới" (Estado Novo, 1928-1974) tầm quan trọng và ngay chính việc làm thư viện bị giới hạn rất nhiều vì có kiểm duyệt và các quy định khắt khe. Vì thế mà cho đến ngày nay việc phát triển hệ thống giáo dục và thư viện vẫn còn thiếu hụt.
Sau cuộc Cách mạnh hoa cẩm chướng năm 1974 bắt đầu có sự dân chủ hóa trong lãnh vực giáo dục và văn hóa. Một kết quả của chế độ độc tài hằng chục năm là sự yếu kém của hiểu biết quần chúng và vấn đề mù chữ, làm cho việc đào tạo người trưởng thành và khuyến khích đọc trở nên cần thiết. Tình trạng đáng lo ngại của các thư viện công cộng cũng đã dẫn đến nhiều sáng kiến và các quy định mới trong hệ thống thư viện thí dụ như "Tuyên ngôn của đọc sách công cộng" năm 1983.
Năm 1986 việc này được củng cố bằng một đạo luật thiết lập và điều phối một mạng lưới cho việc đọc sách công cộng. Đồng thời, tuy tương đối muộn, việc tự động hóa các công việc trong thư viện và sử dụng kỹ thuật thông tin hiện đại cũng được bắt đầu.
Trong việc này thư viện của các trường đại học và Thư viện Quốc gia Lisboa (Biblioteca Nacional de Lisboa) đóng vai trò dẫn đầu. Ngày nay Thư viện Quốc gia Lisboa, là thư viện công cộng đầu tiên được thành lập năm 1796 như là Thư viện Hoàng gia công cộng, sở hữu Cơ sở dữ liệu Thư viện Quốc gia PORBASE với trên 1 triệu mục sách, 800.000 mục về tác giả của khoảng 134 thư viện và trung tâm lưu trữ văn kiện.
Các trường đại học quốc gia ở Coimbra, Lisboa và Porto đều có chuyên ngành về lưu trữ văn thư và về quản lý thư viện. Một số tổ chức mà một phần là của nhà nước đảm nhiệm các nhiệm vụ điều phối và góp phần giúp đỡ vào việc khuyến khích sách tiếng Bồ Đào Nha cũng như vào việc điều phối và giúp đỡ các thư viện. Nhờ vào các công việc đổi mới rộng lớn của những năm gần đây, hệ thống thư viện Bồ Đào Nha gần như đã hoàn toàn theo kịp các tiêu chuẩn của quốc tế và châu Âu.
Truyền thông - Thông tin
Đài phát thanh và truyền hình quốc gia của Bồ Đào Nha (Radiotelevisão Portuguesa) có hai đài truyền hình, RTP 1 và RTP 2. Từ năm 1992 khi được phép thành lập đài truyền hình tư nhân có hai đài truyền hình tư nhân là SIC và TVI (Televisão Independente, của Giáo hội Công giáo). Chương trình của đài phát sóng ra nước ngoài RTP-Internacional có thể xem được ở Trung Âu và chiếu các chương trình hay nhất của 4 đài truyền hình kia.
Bồ Đào Nha có khoảng 150 đài phát thanh, trong đó đài RTP và Đài phát thanh Công giáo Radio Renascença phát sóng trên toàn quốc. Tại Trung Âu có thể nghe đài phát thanh RTP qua sóng ngắn nhưng chỉ có tiếng Bồ Đào Nha.
Trong các báo có nhiều ở Bồ Đào nha hiện nay đang có một quá trình hợp nhất mà qua đó rất có thể nhiều tờ báo nhỏ sẽ phải ngưng phát hành. Các báo quan trọng nhất là báo Diário de Notícias có khuynh hướng tự do bảo thủ, Público có khuynh hướng tự do khuynh tả (cả hai đều ở Lisboa) và tờ Jornal de Notícias tại Porto.
Các báo thể thao có số lượng in rất lớn, phát hành hằng ngày và gần như chỉ nói về bóng đá, các báo quan trọng nhất là O Jogo và A Bola. Tờ tuần báo được xem là tốt nhất là Expresso. Trong lãnh vực của báo đăng tin giật gân (yellow press), hai tạp chí phát hành hằng tuần Maria và Nova Gente là có số lượng in nhiều nhất.
Giao thông
Cả 3 phi trường quan trọng nhất của Bồ Đào Nha, Porto, Lisboa và Faro, đều có chuyến bay của nhiều hãng hàng không mà trong đó nhiều nhất là các tuyến bay của hai hãng hàng không Bồ Đào Nha TAP Air Portugal và Portugália. Cũng có các đường bay nội địa nhưng vì nước Bồ Đào Nha không lớn nên không hấp dẫn lắm và tương đối đắt.
Hệ thống đường bộ được xây dựng tốt, một phần cũng nhờ vào tiền của EU từ nhiều quỹ giúp đỡ. Các tuyến đường quan trọng nhất được bao phủ bởi các xa lộ phải trả tiền (Autoestradas) và các đường không phải trả tiền (Itinerários Principais (IP) hay Itinerários Complementares (IC)). Tại các vùng hẻo lánh người ta vẫn còn thường gặp đường được lát bằng đá tảng.
Người đến từ Trung Âu nên suy nghĩ cẩn thận trước khi tự lái xe, đặc biệt là trong thành phố, vì không phải ai cũng đối phó được với sự lộn xộn trong giờ giao thông cao điểm cũng như với việc diễn giải các luật lệ giao thông một cách rộng rãi. Các thống kê về tai nạn ở châu Âu đã nhiều lần cho thấy giao thông đường bộ của Bồ Đào Nha là một trong những giao thông không an toàn nhất. Taxi tương đối rẻ, nhất là trong thành phố.
Mạng lưới đường sắt không thật sự nhiều lắm nhưng trên các tuyến đường giao thông chính thì nhanh và có hiệu quả, nếu như nhân viên đường sắt không vừa mới đình công. Vé tàu hỏa không đắt. Các tuyến đường phụ đã không được đầu tư thêm từ hằng chục năm nay và nhiều tuyến đã ngưng hoạt động trong thời gian vừa qua.
Ngược lại Bồ Đào Nha có một mạng lưới xe buýt dầy đặc, có các tuyến đi đến gần như tất cả các làng với giá rẻ.
Các ngày lễ
* Ngày 1 tháng 1.
* Lễ hội hóa trang (tuy không phải chính thức nhưng trên thực tế là lễ)
* Thứ Sáu tuần thánh (còn gọi là Thứ Sáu tốt lành), là ngày thứ sáu trước lễ Phục Sinh
* Lễ Phục Sinh
* Ngày 25 tháng 4: Ngày Tự do (Kỷ niệm Cách mạng hoa cẩm chướng)
* Ngày 1 tháng 5
* Ngày 10 tháng 6: Ngày Bồ Đào Nha (Ngày mất của Luís de Camões)
* Corpus Christi
* Ngày 15 tháng 8: Lễ Đức Mẹ lên trời
* Ngày 5 tháng 10: Thành lập Cộng hòa (năm 1910)
* Ngày 1 tháng 11: Lễ các Thánh
* Ngày 1 tháng 12: Tái độc lập (năm 1640)
* Ngày 8 tháng 12: Lễ Đức Mẹ vô nhiễm
* Ngày 25 tháng 12: Lễ Giáng Sinh
Theo Wikipedia