Ngày 24.10.1995, một sự kiện được cả thế giới chú ý, đó là hiện tượng nhật thực toàn phần mà điểm quan sát rõ nhất chính là Mũi Né - Phan Thiết. Ngành du lịch Bình Thuận vốn tiềm ẩn những kì diệu được bứt phá lên từ đó. Cho đến nay, ngày 24.10 đã trở thành ngày truyền thống của du lịch Bình Thuận. Một kì diệu nữa chính là ở Bình Thuận có rất nhiều kỷ lục Việt Nam được xác lập toàn liên quan đến du lịch.
Lướt ván buồm ở biển Mũi Né. Ảnh: QH |
Nhiều sản vật độc đáo
Nói đến Phan Thiết, người ta nghĩ ngay đến nước mắm. Nước mắm Phan Thiết không chỉ ngon nổi tiếng Việt Nam mà nó còn là thứ nước mắm có lâu đời nhất nước ta. Điển hình là hãng nước mắm Liên Thành có từ đầu thế kỉ 19 với một công nghệ sản xuất bí truyền lưu giữ đến ngày nay. Nó vẫn là những bí ẩn tạo nên thương hiệu nổi tiếng có một không hai ở Phan Thiết. Ngày nay, nước mắm Phan Thiết đã được Cục Sở hữu Công nghiệp công nhận xuất xứ nhãn hiệu hàng hóa độc quyền tại Việt Nam.
Lễ hội đua thuyền trên sông Cà Ty - ảnh: Quế Hà |
Cùng với nước mắm thì một sản vật khác, dù chỉ mới xuất hiện nhưng nó đã gây tiếng vang khắp thế giới và cũng đã được công nhận thương hiệu độc quyền, đó chính là trái thanh long. Hiện nay, Bình Thuận là tỉnh đứng đầu cả nước cả về diện tích (gần 13 nghìn ha); năng suất (25 tấn/ha) và chất lượng. Thanh long Bình Thuận hiện xuất khẩu sang châu Âu, Trung Quốc, Singapore, Hồng Kông và nhiều nước khác. Ở HTX thanh long Hàm Minh (huyện Hàm Thuận Nam) còn được tổ chức IMO của Thụy Sĩ cấp chứng chỉ EUREPGAP (chứng chỉ đạt chất lượng châu Âu). Màu đỏ của thanh long đang tô điểm rực rỡ sắc màu du lịch Bình Thuận.
Những danh thắng huyền thoại
Chỉ hơn 10 năm thôi, Mũi Né đã trở thành một địa danh du lịch nổi tiếng không chỉ trong nước mà vươn xa ra khu vực và thế giới. Hay nói như Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh thì “Mũi Né là ngôi sao đang lên của du lịch Việt Nam”. Mũi Né từng được một tờ báo của Thái Lan ví như Phuket. Với vị trí địa lý tuyệt vời của bờ biển và thuận lợi về khí hậu, nơi đây có 80 khu resort và được mệnh danh là "thủ đô resort" của Việt Nam. Du khách quốc tế “mê” Mũi Né bởi ở đây biển sạch, gió biển thuận tiện cho các môn thể thao trên biển và đồi cát Mũi Né biến hình đổi dạng liên tục. Theo dự báo của Sở du lịch Bình Thuận, năm 2007 sẽ đón khoảng 1,9 triệu khách du lịch. Trong đó có đến 13% là du khách quốc tế.
Trái thanh long Bình Thuận - ảnh: Q.H |
Ngoài Mũi Né người ta còn biết đến Hòa Thắng (huyện Bắc Bình) có Bàu Ông - Bàu Bà là hai hồ nước ngọt khổng lồ (không có đáy) ngay ven đồi cát trắng, sát biển hoang sơ. Còn nữa, biển Cổ Thạch (huyện Tuy Phong) với bãi đá đa màu rực rỡ ngay ven biển chỉ có duy nhất ở Việt Nam. Và thật là thiếu sót nếu không nhắc đến Mũi điện Kê Gà (huyện Hàm Thuận Nam) với ngọn hải đăng xây bằng đá hoa cương cao nhất và lâu đời nhất Việt Nam. Đây là điểm du lịch gây sự thu hút du khách không thua gì Mũi Né, nhất là những tour du lịch mạo hiểm.
Đến Phan Thiết, hẳn du khách thấy ngay một tháp nước có hình thù lạ kỳ ngay ven dòng sông Cà Ty thơ mộng. Tháp nước này hiện là biểu tượng, là hình ảnh mang “thương hiệu” của người dân Bình Thuận. Tháp nước độc đáo này là sản phẩm của một kiến trúc sư người Lào thiết kế và xây dựng từ năm 1928. Và điều đặc biệt ở chỗ kiến trúc sư ấy chính là Hoàng thân Suphanouvong - Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Khi ấy ông là kỹ sư trưởng Công chánh Nha Trang (thời đó chính quyền Đông Dương được phép luân chuyển công chức thuộc ba nước Đông Dương).
Những tập tục văn hóa tuyệt vời
Đến với người dân phố biển Phan Thiết, du khách không chỉ được ăn hải sản tươi sống, mà còn được thưởng thức một nền văn hóa truyền thống đặc sắc của người dân nơi đây.
Ở huyện Hàm Thuận Nam có chùa Tà Cú (Tà kouk), nơi có tượng phật nằm trên đỉnh núi dài 49,5m. Nơi đây hội tụ một tín ngưỡng phật giáo lâu đời của điạ phương. Du khách muốn chiêm ngưỡng tượng phật này phải vượt độ cao 475m lên với chùa Long Sơn Trường Thọ tự. Hiện nay, du khách chỉ mất có 10 phút để lên đến đỉnh núi vì đã có cáp treo!
Ở Phan Thiết còn có Lễ hội Nghinh Ông đặc sắc với nghi lễ rước lệnh
Ông Sanh từ Cồn Chà vào bờ. Lễ hộ này gắn với cuộc đua thuyền sôi động
trên sông Cà Ty. Chùa Phật Quang của Phan Thiết là một trong những ngôi
chùa cổ nhất Việt Nam (xây dựng vào đầu thế kỷ XVIII). Trong chùa còn
lưu giữ chiếc “đại hồng chung” được đúc từ thời vua Lê Thần Tông
(1750). Bên cạnh lễ hội này còn là Lễ hội rước đèn trung thu cũng lớn
nhất Việt Nam với những chiếc đèn lồng khổng lồ diễu hành trong đêm rằm
tháng Tám. Với tập tục của người dân chài Phan Thiết, họ đã có một bộ
xương cá voi lớn nhất Việt Nam đang bảo quản tại tại phường Đức Thắng,
TP Phan Thiết.
Đêm 23.10.2007, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức đêm vinh
danh các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có đóng góp cho ngành du lịch
Bình Thuận. Nhân dịp này, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam (Vietking) tổ
chức xác lập 9 kỷ lục Việt Nam tại Bình Thuận. Đó là tỉnh có trái thanh
long nhiều nhất VN; nơi có resort nhiều nhất VN; nơi có nước mắm lâu
đời nhất VN; chùa Phật Quang có “mõ gia trì” lớn nhất VN; nơi có lễ hội
Nghinh Ông lớn nhất VN; nơi có đồi cát (Mũi Né) thay hình đổi dạng
nhiều nhất VN; nơi có bãi đá màu (bãi đá Cổ Thạch) hình dạng và màu sắc
nhiều nhất VN; nơi đầu tiên trồng được tảo quí hiếm Spirulina được tổ
chức Nông lương quốc tế và tổ chức Y tế thế giới công nhận là nguồn
dinh dưỡng và là dược liệu quí; ở Quan Đế miếu có con rồng được làm lâu
nhất VN, đã đúng 100 năm.
(Theo: Thanh Niên)