Hòn Tranh và hòn Trứng, Bình Thuận
Trong các hòn nằm chung quanh đảo Phú Quý còn gọi là hòn Lớn (tỉnh Bình Thuận), hòn Tranh có diện tích rộng nhất, mang hình chữ S, cách hòn Lớn 600m, từ Mũi Trổ Ỷ đến chí Mũi Ngoài dài 1.000m, ngang 400m. Gọi là hòn Tranh vì nơi đây mọc nhiều cỏ tranh . Xưa, dân hòn Lớn và hòn Tranh làm rẫy, cắt tranh về lợp nhà, sáng đi chiều về. Giữa hòn Lớn và hòn Tranh, về mùa nam, dòng hải lưu chảy xiết. Tùy theo mùa gió, ghe thuyền đậu ở bãi nam, bãi bắc hoặc bãi nồm.
Trong Phủ Biên Tập Lục, Lê Quý Đôn (1726-1784) có viết: "Ngoài biển Phủ Bình Thuận có núi gọi là Côn Lôn (tức hòn Lao Câu ở huyện Tuy Phong). Ở ngoài nữa, có núi gọi là Cù Lao Khoai (tức đảo Phú Quý), trước có nhiều hải vật và hóa vật của Tàu, lập đội Hải Môn để lấy…"
Đi dọc theo mép biển phía Nam hòn Tranh, ta sẽ đến vũng Gần, vũng Bàn, Mũi Xương Cá, vũng Phật… Nơi đây có đá bột, có thể dùng để khắc tượng rất tốt. Tượng Thích Ca Mâu Ni ở Linh Sơn Trà Bang Thạch Tự (tức Linh Quang Tự) ở xã Tam Thanh được ông Huỳnh Khâm tạc bằng loại đá này. Ở hòn Tranh còn có hang Cò Nước và hang Cò Khô. Hang Cò Nước là nơi nghỉ đêm của họ nhà cò. Trong hang Cò Khô có một bãi đá trái, nơi đây năm 1945, dân ở đảo Phú Quý tập trung vũ khí để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Ở hang Cò Khô có nhiều hốc đá, vào mùa bấc, cò đẻ trứng. Về mùa nam, song lớn dội có khi đến miệng hang.
Cách hòn Tranh về phía Đông 200m có hòn Trứng, được bao quanh bằng những bệ đá, khi cạn khi sâu tùy theo mùa nước. Có thể nói nơi đây là một thắng cảnh, một điểm du lịch lý tưởng. Phía tây hòn Trứng có hang Cá Cơm. Vào hang theo luồng dài 7m, ngang từ 3-4m, sâu khoảng 2,5m. Ngồi nghỉ trên những “đi văng” bằng đá, nhìn thấy chim biển bay lượn giữa khoảng trời xanh, tiếng kêu ríu rít, véo von. Nhìn xuống thấy từng đàn cá cơm nối đuôi uốn lượn kéo nhau vào hang. Có sẵn tấm lưới trong tay, dăng bít miệng hang lại, muốn bắt bao nhiêu để làm gỏi thì tùy thích. Gỏi cá cơm sống là món không quý cũng không hiếm nhưng chế biến và ăn tại chỗ thì rất bổ, ngon. Ai muốn ăn hàu thì dùng cây sắt cạy hàu , cạy được con nào, tách vỏ chấm muối tiêu, bỏ vào miệng con đó. Nước biển trong vắt, ai muốn ăn cá thì mắc mồi thả câu, hoặc dùng chỉa đâm cá, hoặc lội xuống bắt tôm, cua, ốc các lọai: ốc vôi, ốc độn, ốc gai, ốc nhảy… Thật là những món ăn độc nhất vô nhị, ngon tuyệt trần.
Ăn xong, nghỉ lưng trên những tấm “đi văng” phẳng phiu, êm như nằm trên giường bố, thưởng thức ngọn gió hiu hiu, rũ bỏ nợ trần, nhìn lên bóng chim sãnh lượn bay vui ca hát. Các nhà thơ tha hồ phóng bút, các nhà văn tha hồ miêu tả, còn các bạn trẻ nếu có mang theo cây đàn thì hãy hát lên cho đất trời chim sóc cùng nghe.
Ra hòn Tranh chớ đi vào mùa bấc mà đi vào khoảng cuối tháng 3 âm lịch đến cuối tháng 6 âm lịch. Vào thời gian này các bạn sẽ thấy mặt biển mịn màng, êm như mặt hồ sóng gợn lăn tăn.
(Nguồn: Báo Bình Định)