Hoang sơ Hòa Thắng
Khác với trung tâm du lịch Mũi Né rộn ràng và náo nhiệt, Hòa Thắng (Bắc Bình, Bình Thuận) khá tĩnh mịch, mộc mạc, trữ tình. Vẻ đẹp tự nhiên của vùng quê khá đặc biệt này từng hút hồn biết bao du khách.
http://khamphaviet.vn/sites/khamphaviet.vn/files/hoa thng.jpg" width="150" height="100" style="float: left; margin-left: 3px; margin-right: 3px;" />Từ Mũi Né, chỉ phóng xe ô tô thêm nửa tiếng trên con đường ven biển vắng vẻ là đến Hòa Thắng. Nếu là du khách đến từ cao nguyên Đà Lạt (theo đường Đại Ninh) hay từ Nha Trang (theo QL1) rẽ ngay ngã ba thị trấn Lương Sơn xuống biển Hòa Thắng Thắng cũng chỉ hơn 10 km, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một vùng quê yên ắng và thơ mộng vô cùng.
Hòa Thắng nổi tiếng là cái nôi căn cứ cách mạng suốt hai thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Nó còn nổi tiếng trong văn học với tiểu thuyết Dưới những cánh rừng ô rô của đại tá - nhà văn Nam Hà. Nhưng bây giờ, vùng quê này còn là điểm tham quan lý tưởng, còn nguyên sơ trong số các khu du lịch biển của Bình Thuận.
Nói đến Hòa Thắng người ta nghĩ ngay đến Bàu Trắng. Tuy nhiên, người dân nơi đây lại gọi Bàu Trắng bằng Bàu Bà, Bàu Ông. Hai hồ nước khổng lồ này nằm cách nhau khoảng 500m, và nó là nguồn nước ngọt duy nhất nuôi sống hàng ngàn hộ dân trong vùng. Trong hai bàu thì Bàu Ông chỉ rộng chừng hơn hai chục héc-ta, còn Bàu Bà rộng đến bảy, tám chục héc-ta, có độ sâu trên 20m.
Dù ở độ cao gần 50m so với mực nước biển, nhưng Bàu Trắng có hoa sen thơm ngát bốn mùa, nước trong xanh mát quanh năm, tạo nên một cảnh quê đẹp đến kỳ lạ. Năm 1867, nhà yêu nước Nguyễn Thông trên đường ra kinh đô Huế ghé lại đây và để lại hai bài thơ tả vẻ đẹp của Bàu Trắng là: Qua Bình Nhơn sa mạc (Qua bãi cát Bình Nhơn) và Bạch Hồ nhàn hành (Dạo chơi Bàu Trắng) còn lưu giữ đến bây giờ.
Sẽ là thiếu sót nếu ta không nhắc đến những đồi cát trắng ở Hòa Thắng. Đồi cát có tên Trinh Nữ ở đây được giới nhiếp ảnh nghệ thuật cả nước phong là “đệ nhất đồi cát VN” vì nó còn đẹp hơn nhiều so với đồi cát Mũi Né. Đồi cát Trinh Nữ chỉ một màu trắng tinh khôi, trải dài ôm lấy Bàu Ông, Bàu Bà, thoắt ẩn thoắt hiện theo gió, mang hình thù của người thiếu nữ thon thả nằm nghiêng gợi cảm. Vào mùa hè, mớibốn, năm giờ sáng, người dân trong vùng đã thấy những tay nhiếp ảnh chuyên nghiệp vác máy vào đồi cát chụp cho được khoảnh khắc mặt trời hừng lên ở đằng đông. Khi ấy, nàng tiên Trinh Nữ cũng vừa thức giấc, đẹp đến bất ngờ.
Nhiều đôi uyên ương ở TP.HCM, trước khi tổ chức đám cưới đã đến đây để chụp ảnh, quay những thước phim về thời son trẻ của mình làm kỷ niệm. Hòa Thắng được tô điểm thêm bởi hàng chục km bờ biển hoang sơ, rất sạch. Hòn Hồng ngay sát Bãi Chùa có độ cao hơn 200m, có thể đứng đó phóng tầm mắt về vịnh Mũi Né bên cạnh.
Trải dài theo Hòn Hồng là những bãi đá thạch nham hùng vĩ như bãi Gành, bãi Xếp, bãi Dơi mà cảnh biển hiếm nơi nào có được. Hòn Nghề, một hòn đảo tí hon chỉ độ hai héc-ta nhưng nằm sát bờ, tô điểm thêm cho Hòa Thắng cảnh non nước hữu tình.
Vào mùa cao điểm khách ở Mũi Né, nhiều du khách nước ngoài thuê hẳn xe Jeep leo lên đồi cát Trinh Nữ, chinh phục đỉnh Hòn Hồng hay lên Hòn Nghề để chụp ảnh nghệ thuật. Hòa Thắng trong mắt du khách phương xa mãi là những dấu ấn đầy kỷ niệm.
Theo Quốc Hanh/Thanh Niên