Giới thiệu tỉnh Bình Thuận
Tỉnh Bình Thuận phía Bắc giáp Ninh Thuận, phía Đông và Nam giáp biển Đông Hải, phía Tây giáp hai tỉnh Bình Tuy và Lâm Đồng.
Diện tích khoảng 4.400 cây số vuông. Tỉnh lỵ đặt ở Phan Thiết và cách Huế 899 cây số về hướng Đông-Nam, cách Sài Gòn 198 cây số về hướng Đông-Bắc. Núi rừng bao quanh phía Bắc và phía Tây tỉnh Bình Thuận, nhưng chỉ là phần núi cuối của dãy Trường Sơn nên không cao lắm, trung bình khoảng 300 thước đến 400 thước.
Về phía Bắc trong các quận Phan Lý Chàm và Tuy Phong có những núi Tao, Mít, Battou, Rái O, Cho Rế, Chai, Đa Giai, La, Cà Tang, Nhọn, Vũ, Ga Lang, Chao Tu, Sam Phan, Kên Kên, Ông Diên. Những núi trên làm biên giới giữa hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận. Phía Tây trong những quận Thiện Giáo và Hàm Thuận có các núi Bà, Châu Tá, Một, Tà Đôn, Ách, Chù Dù, Đền, Ngang, Dung, Bà Đặng và Ba Hòn. Riêng đảo Phú Quý (còn gọi là Cù Lao Thu) có các núi Cấm, Cao Cát và Đụn.
Sông ngòi tại Bình Thuận đều ngắn, lượng nước không điều hòa, mùa mưa thì nước sông chảy mạnh, mùa nắng làm sông bị khô hạn. Tỉnh có bốn sông lớn là sông Lũy, sông Lòng Sông, sông Cái và sông Mường Mán. - Sông Lòng Sông phát nguyên từ dãy núi ranh giới hai tỉnh Ninh Thuận-Bình Thuận, chảy theo chiều Bắc-Nam dọc theo ranh giới hai quận Tuy Phong và Phan Lý Chàm. Sông này dài khoảng 40 cây số (từ nguồn ra đến cửa biển). - Sông Lũy phát nguyên từ cao nguyên Tuyên Đức.
Từ nguồn đến ranh giới quận Hòa Đa, sông chảy theo hướng Bắc-Nam, dài 40 cây số; rồi rẽ ra đến biển, sông chảy theo hướng Tây-Đông và dài hơn 20 cây số, lòng sông hẹp, quanh co, vào mùa mưa thường gây lụt lội. - Sông Cái phát nguồn từ cao nguyên Lâm Đồng chảy qua địa phận Thiện Giáo, rồi chảy theo hướng Bắc-Nam và dài khoảng 40 cây số. - Sông Mường Mán phát nguồn từ cao nguyên phía Tây và chảy theo hướng Đông-Nam, dài 27 cây số.
Bờ biển Bình Thuận dài 170 cây số, phía Nam có nhiều đồi cát. Còn đảo Phú Quý cách bờ 120 cây số, nằm về phía Đông-Nam tỉnh lỵ Phan Thiết, có nhiều đá ngầm.
Khí hậu Bình Thuận tương đối ôn hòa. Mùa mưa từ tháng Năm đến tháng Mười, gió Nồm Đông Nam thổi lên Tây Bắc đem theo hơi nước của biển vào. Mùa nắng bắt đầu khi gió Tây Bắc thổi, kéo dài từ tháng Mười Một đến tháng Tư.
Quốc lộ 1 và liên tỉnh lộ 8 là những đường giao thông quan trọng, nối liền Bình Thuận với các tỉnh khác.
Dân Cư - Kinh Tế
Người Kinh sống phần nhiều ở đồng bằng và dọc theo bờ biển, đông nhất quận Hàm Thuận (tỉnh lỵ Phan Thiết trong quận này). Ngoài ra còn những sắc dân khác như người Chàm, người Nùng và người Việt gốc Hoa. Bản chất dân chúng Bình Thuận giản dị, chân thành, không khách sáo.
Nông sản chính của tỉnh là lúa gạo, được canh tác trên các vùng phù sa gần sông ngòi. Các hoa màu phụ như đậu, khoai, bông, thuốc lá, các loại cây có dầu như dừa, mè.... Thuốc lá Vĩnh Hảo khá nổi tiếng. Khu rừng dừa ở Bãi Rạng dài hơn 20 cây số, là nguồn lợi lớn của tỉnh. Ngành chăn nuôi tương đối phát triển vì nhiều đồng cỏ tươi tốt.
Ngành ngư nghiệp phát triển mạnh nhất và đã tạo thêm nhiều ngành công nghệ liên hệ như đóng ghe, làm phân xác mắm, làm nước mắm. Tỉnh lỵ Phan Thiết rất nổi tiếng về nghề làm nước mắm nhờ sông biển có nhiều loại cá ngon như cá Nục, cá Thu và cá Cơm. Trước năm 1975, số lượng nước mắm Phan Thiết phân phối khắp miền Nam.
Mực khô Long Hương, cá tôm Phan Rí ai cũng nghe tiếng. Ngoài ra, nước suối Vĩnh Hảo rất trong lành và được sản xuất với số lượng cao. Dân ta sinh sống ngoài đảo Phú Quý sung túc với các nghề đánh cá, chăn nuôi, khai thác các nguồn lợi thiên nhiên dồi dào như phân chim, trứng nhạn, mỏ đá quánh....
Di Tích - Thắng Cảnh
Tỉnh Bình Thuận có các thắng cảnh và di tích như sau:
Suối Vĩnh Hảo: Nằm trong hai ấp Vĩnh Hảo Tây và Vĩnh Hảo Đông thuộc xã Vĩnh Hòa. Suối còn có tên "Suối Tiên", là nơi Huyền Trân Công Chúa và vua Chiêm Thành Chế Mân (Jaya Sinhavarman III) thường đến ngắm cảnh.
Năm 1306, Thái Thượng Hòang Trần Nhân Tông đã gả công chúa Huyền Trân (em gái vua Trần Anh Tông) cho vua Chế Mân. Suối Vĩnh Hảo là nguồn nước thiên nhiên, uống rất tốt cho sức khỏe. Suối này do ông Bùi Huy Tín, một nhà doanh thương, tìm thấy đầu tiên vào tháng 8 năm 1908.
Bãi biển Phan Thiết: Còn có tên là bãi Thương. Dân chúng thường đến tắm biển rất đông. Bãi Rạng: Dài khoảng năm cây số, chung quanh là rừng dừa, bãi biển đẹp nhất tỉnh. Mũi Đá: Thuộc xã An Hải. Khu này trồng nhiều dương liễu, đặc biệt có những tảng đá xếp chồng lên nhau thành nhiều hình dạng rất lạ. Ở hai vùng mũi Đá và mũi Né có loại c Hương và sò huyết rất ngon, đây là hai loại hải sản đặc biệt của tỉnh. Mũi Né: Có nhiều đồi cát lớn chạy dài lên xuống tạo thành nhiều đường nét rất đẹp.
Ghềnh Son: Trong quận Hòa Đa, có những mô đá ven biển tạo thành phong cảnh thiên nhiên ngoạn mục. Trong những hốc đá có nước ngọt. Ba Động: Cũng ở quận Hòa Đa, gồm bàu Ông và bàu Bà nối nhau. Chiều dài của cả hai bàu khoảng một cây số, bề ngang khoảng gần 300 thước. Chung quanh bàu có động cát trắng. Trong bàu được trồng đầy sen. Quanh vùng này dưa hấu được trồng rất nhiều. Núi Ngọc Lâm: Thuộc xã An Hải, quận Hải Long, cây cối xanh tươi mọc khắp núi.
Đảo Phú Quý: Cách bờ biển tỉnh lỵ Phan Thiết gần 100 cây số. Đảo dài tám cây số, ngang năm cây số. Phong cảnh trời biển bao la, xinh đẹp. Trước đây người Chàm sinh sống trên đảo. Nay còn ngôi miếu thờ Bà Công Chúa Chàm... Trước năm 1975, đảo Phú Quý gồm ba xã là Long Hải, Tham Thanh, Ngũ Phụng; dân số trên 8.000 người.
Tỉnh Bình Thuận còn khá nhiều các di tích Chàm: Di tích Cổ Thành Sông Lũy: Thuộc các quận Hòa Đa, Phan Lý Chàm và Hải Ninh. Cổ thành xây vào năm 1692, dài trên năm cây số, nay đã bị hư sập nhiều chỗ. Tường thành làm bằng đá ong, dày khoảng ba thước, cao gần bốn thước.
Tháp Vua Thắng Pô Kloon Ghul: Tại động Ngọc Sơn, xã Chợ Lầu. Đây là ngôi tháp Chàm thờ vua Thắng Pô Kloon Ghul, sinh tại làng Ninh Hòa, quận Phan Lý Chàm, lên ngôi năm 1774, trị vì 27 năm.
Chung quanh tháp có một động cát trắng bao bọc trông như thành lũy. Trong các xã Lương Sơn và Chợ Lầu còn nhiều bài vị bằng đá và miếu của những người trong hoàng tộc Chiêm Thành. Trong số này có miếu của vua Pô Yang Thok, vị vua cuối cùng của Chiêm Thành (1627-1651).
Núi Thần Yan Yin: Thuộc quận Phan Lý Chàm. Trên núi có tảng đá to trông xuống một thác nước thiên nhiên và có những tảng đá tạc hình bầu rượu, yên ngựa. Hoa phong lan nở bốn mùa. Tại xã Lạc Trị, ấp Thanh Vụ có tháp Chàm thờ bà chúa Xứ (Pô Nư Gra Ak), được coi là Tổ sư của nước Chàm, trong tháp thờ tượng bà chúa Xứ làm bằng ngọc thạch. Ấp Vĩnh Hanh có tháp Chàm Pô Kbrah (vua Trà Toàn).
Ấp Phú Nhiêu có tháp Chàm thờ vua Pô Klong Garai, lên ngôi năm Qúy Mùi (1166). Ấp Cao Hậu có tháp Chàm thờ vua Pô Tathum Ghnoh (Ông Gũ), lên ngôi năm 1711, trị vì bảy năm. Ấp Tuy Tịnh có tháp Chàm thờ vua Pô Nơ Ráp. Xã An Hựu, ấp Thanh Hiếu có tháp Chàm thờ vua Pô A Nith (vua Nức). Xã Tinh Mỹ, ấp Mai Lãnh có tháp Chàm thờ vua Pô Kbon Mơ Nai (vua Gia)....
Tháp Phố Hải (PaJai): Thuộc xã An Hải, quận Hải Long, đây là tháp Chàm cực Nam của Chiêm Thành. Tháp thờ vua Pô Xah Inư (Nữ Vương Tranh), con của quốc vương Pô Pa Ra Chanh (Trà Chanh)....
Theo Wikipedia