Tiềm năng để khai thác và phát triển du lịch của tỉnh Bình Phước tương đối dồi dào, có nét đặc thù riêng. Tài nguyên du lịch của tỉnh được phân bố thành các môi trường du lịch trên toàn địa bàn, mỗi khu vực mang một sắc thái riêng tạo ra những tuyến du lịch xuyên tỉnh nối với cả vùng và khu vực.
Nét chấm phá đầu tiên, tuyến đón khách từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông – Tây Nam bộ theo quốc lộ 13 qua ba huyện Chơn Thành, Bình Long, Lộc Ninh đến cửa khẩu Hoa Lư. Du khách có thể thưởng ngoạn khu du lịch thác số 4, tham quan đường hầm của Dinh Tỉnh Trưởng tỉnh Bình Long, thành cổ An Khương; thăm khu du lịch căn cứ quân ủy và Bộ chỉ huy quân sự Miền ở Tà Thiết, thăm Nhà bảo tàng của tỉnh ở thị trấn Lộc Ninh mà trước đây là Nhà giao tế nơi đã tổ chức hội nghị của Ban liên hiệp quân sự bốn bên. Khách có thể tham quan dấu tích sân bay Lộc Ninh, tham quan đoạn cuối đường mòn Hồ Chí Minh, cửa khẩu Hoa Lư và nhiều địa danh khác.
Cụm du lịch phía Đông tỉnh có thị xã Đồng Xoài là trung tâm kinh tế
văn hoá, là điểm dừng chân, đón tiếp hướng dẫn du khách thưởng lãm trên
các tuyến, điểm du lịch trong tỉnh. Từ đây khách có thể tham quan khu
du lịch Trảng cỏ Bàu Lạch ở huyện Bù Đăng, có thể ví là một thảo nguyên
đúng nghĩa lọt giữa rừng già. Tại Phước Long, du khách hoàn toàn bị
chinh phục bởi quần thể khu du lịch Bà Rá với rất nhiều cảnh quan: đồi
Bằng Lăng, động Hang Dơi, động Hòn Đá Đen, du lịch thuyền ở lòng hồ
thuỷ điện Thác Mơ... Du khách thăm viếng bia tưởng niệm các chiến sĩ
biệt động, nhà tù từ thời thực dân Pháp; thăm thác Liêng Hút ở Đắc Ơ
được ví như một Đà Lạt ở Bình Phước; nghỉ ngơi giải trí ở khu du lịch
sinh thái của công ty Mỹ Lệ.
Trong những năm qua, công tác quản
lý Nhà nước về du lịch đã bám sát các định hướng, mục tiêu của tỉnh,
triển khai các động thái mang tính đột phá nhằm khơi thông nguồn lực
của địa phương. Ngành du lịch đã hoàn thiện quy hoạch phát triển đến
năm 2010, tham mưu cho tỉnh ban hành các quy chế phối hợp hoạt động
giữa các ngành trong lĩnh vực du lịch; đặc biệt, tăng cường nhiều hoạt
động phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh và Tổng cục Du lịch
nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư, động viên các thành phần kinh tế tham
gia kinh doanh, quản lý, khai thác tài nguyên du lịch... Thời gian tới,
để phát huy hơn nữa tiềm năng du lịch của tỉnh cần đẩy mạnh phát triển
theo hướng du lịch văn hoá, lịch sử và sinh thái; coi trọng công tác
nghiên cứu thị trường, quảng bá tiếp thị về du lịch. Phát triển cả du
lịch quốc tế và nội địa, đặt du lịch thành ngành kinh tế quan trọng
trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của địa phương, có vậy mới
khai thác hết tiềm năng du lịch tỉnh nhà.
(Nguồn: Bình Phước)