Phú Riềng Đỏ (Bình Phước)- Nét son lịch sử chói lọi
Phú riềng đỏ hiện nay thuộc Làng 3, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, năm 1930 chi bộ Phú Riềng đã lãnh đạo công nhân của đồn điền cao su đấu tranh với chủ sở để chống áp bức bóc lột, phong trào đấu tranh trong công nhân lao động phát triển rất mạnh buộc bọn chủ đồn điền cao su Pháp phải nhượng bộ.
Đầu năm 1928 Đồng chí Nguyễn Văn Cừ được Kỳ bộ Thanh niên cách mạng đồng chí hội Bắc kỳ cử đi “ Vô sản hoá” ở đồn điền cao su Phú Riềng, vào đây đồng chí đã cùng đồng chí Trần Tử Bình (nguyên là chủng sinh viên Hoàng nguyên) lập tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội (có 05 đồng chí) vào tháng 4/1928 để lái phong trào đấu tranh chống chủ hữu hiệu hơn.
Chi bộ thanh niên của đồn điền Phú Riềng đã nhanh chóng lãnh đạo công nhân cao su đấu tranh bằng nhiều hình thức phong phú. Đặc biệt là cuộc bãi công của công nhân cao su vào năm 1930 làm nên Phú Riềng đỏ anh hùng phá tan “Địa ngục trần gian”.
Sau 8 ngày (từ ngày 30/1/1930 - 6/02/1930) cuộc đấu tranh đã giành thắng lợi to lớn ảnh hưởng sâu rộng và để lại nhiều bài học sâu sắc cho cách mạng Việt Nam. Cuộc đấu tranh Phú Riềng đỏ đã góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam lên một bước thắng lợi.
Đây là một di tích lịch sử nói lên được giá trị và tầm quan trọng của đường lối đúng đắn và phát triển mạnh mẽ của tồ chức Đảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chi bộ đã lãnh đạo phong trào công nhân cao su từ đấu tranh tự phát chuyển sang tự giác để làm nên một Phú Riềng đỏ anh hùng.
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm giải phóng Sài Gòn thống nhất đất nước, trên một đỉnh đồi có địa hình tương đối bằng phẳng, Công ty cao su Đồng Phú đã xây dựng đài tưởng niệm cao 10m, chân tượng dài 3,4m ngang 1,7m trên đỉnh tượng đài có biểu tượng búa liềm. Xung quanh tượng đài là những lô cao su non và dưới đồi là con suối chạy uốn quanh.
Ngày 12/2/1999 Nhà nước ta đã công nhận đây là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Nguồn: Bình Phước