Tiềm năng Du lịch văn hoá Bình Định
Bình Định là vùng đất in đậm dấu ấn lịch sử xuyên suốt từ thời tiền sử, sơ sử đến cổ trung đại và cận hiện đại. Theo thống kê của Bảo tàng Tổng hợp Bình Định, hiện nay toàn tỉnh có 231 di tích được đưa vào danh sách kiểm kê, hơn 60 di tích đã được phong di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh, trong đó có nhiều di sản văn hoá giá trị cao.
Danh thắng Núi Bà |
Qua kết quả điều tra và khai quật và khảo cổ, hàng loạt di chỉ văn hoá Sa Huỳnh đã được phát hiện trải dài trên những cồn cát ven biển từ Tam Quan đến Quy Nhơn như: Truông Xe, Gò Lồi (Phù Mỹ), Hội Lộc, Núi Ngang (Quy Nhơn), Thuận Đạo, Chánh Trạch (Phù Mỹ), Động Cườm, Gò Tháp, Ca Công, Động Bàu Năng, Phú Nhuận, Công Nhơn (Hoài Nhơn). Trên cơ sở ấy, các nhà khoa học đã đánh giá Bình Định là một trong ba trung tâm của văn hoá Sa Huỳnh (hai trung tâm khác là Quảng Nam và Quảng Ngãi) và Động Cườm là một kho chum lớn tiềm tàng của nền văn hoá Sa Huỳnh hiện nay. Bên cạnh đó, trong năm thế kỷ định đô trên vùng đất Bình Định (thế kỷ X - XV), người Chăm đã để lại nhiều công trình kiến trúc đền tháp, thành quách cũng như các tác phẩm điêu khắc bằng đá, đất nung khá đặc trưng. Hiện tại, trong số 9 thành cổ Chămpa hiện còn dấu vết ở miền Trung thì Bình Định có đến 3 thành, và trong 20 cụm đền tháp với 41 kiến trúc hiện còn Bình Định có 8 cụm với 14 kiến trúc. Theo các chuyên gia về khảo cổ nhận xét, di tích Chămpa ở Bình Định rất phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình và hoành tráng về kiến trúc.
Đến với di tích thời Tây Sơn, ngoài khu di tích Điện thờ – Bảo tàng Quang Trung đã được nhiều người biết đến, thì còn có một kiến trúc cung đình của Hoàng đế Nguyễn Nhạc. Đây là một trong những công trình có kiến trúc duy nhất thời Tây Sơn còn lại, di tích được xây dựng đan xen qua nhiều giai đoạn lịch sử, hiện nay vẫn còn nhiều di vật di tích có giá trị tồn tại trên mặt đất và trong lòng thành. Về kiến trúc cổ dân gian truyền thống, nhà lá mái Bình Định là một đặc trưng văn hoá tiêu biểu của miền Trung thể hiện qua không gian quy hoạch – kiến trúc, được Cục Di sản Văn hoá phối hợp với Bảo tàng tổng hợp khảo sát điều tra và đã chọn 35 ngôi nhà tiêu biểu. Ngoài ra, Bình Định còn là thủ phủ của Liên Khu V trong kháng chiến chống Pháp. Quy Nhơn là điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc duy nhất ở miền Nam. Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, Bình Định là địa bàn trọng điểm của chiến trường trọng điểm.
Mặc dù có nhiều lợi thế như vậy nhưng du lịch văn hoá Bình Định vẫn còn là tiềm năng. Để khai thác hết những tiềm năng này trong những năm qua công tác chống xuống cấp và trùng tu di tích của ngành văn hoá đã có nhiều cố gắng. Hầu hết các di tích, các công trình kiến trúc nghệ thuật đều được gia cố, trùng tu, phục hồi. Di tích danh nhân, di tích cách mạng, nhà lưu niệm, tượng đài…cũng được xây dựng.
Trong số đó, hệ thống di tích Điện thờ – Bảo tàng Quang Trung được đầu tư, tôn tạo thường xuyên và quy mô nhất, nội dung trưng bày ngày càng phong phú, các giá trị văn hoá tinh thần ngày càng được phục dựng. Do đó, di tích ngày càng thu hút đông đảo khách tham quan và đã phát huy tốt giá trị lịch sử. Ngoài ra, hai di tích Gành Ráng (Quy Nhơn) và danh thắng Hầm Hô (Tây Sơn) đang trở thành hai khu du lịch của Bình Định nhờ có sự đầu tư, nâng cấp rất tốt trong thời gian qua. Hiện nay, một số di tích khác đang được đầu tư như: xây dựng một số hạng mục khu chứng tích Gò Dài (Tây Sơn), trùng tu tháp Cánh Tiên (An Nhơn), tháp Dương Long (Tây Sơn).
Với tiềm năng kinh tế và du lịch của tỉnh Bình Định, bên cạnh lợi thế thiên nhiên ban tặng 200km bờ biển cùng những khu du lịch sinh thái, khu nghỉ mát, bãi tắm…thì du lịch tham quan tìm hiểu lịch sử, tìm hiểu những di sản văn hoá đang ngày được nhiều du khách quan tâm, nhất là du khách người nước ngoài. Đây thực sự là một cơ hội lớn cho du lịch Bình Định biến những tiềm năng vốn có thành hiện thực, từ đó tạo một “cú hích” góp phần trong việc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
(Nguồn: Báo kinh tế VN)
Địa danh: