Món thịt thưng cổ truyền của người Bình Định
Người Bình Ðịnh rất thích ăn bánh tráng cuốn, cái gì cũng cuốn được, từ thịt heo luộc, cá hấp, cho đến chả nướng. Ðấy là những món cuốn ngày thường. Ba bữa Tết người ta hay cuốn bánh tráng với thịt “thưng”. Thưng là gọi theo người miền trung, chứ các nơi khác người ta đâu có gọi vậy. Món này có cách ướp hơi giống với món rô ti.
Ngày Tết ở đây – dù là thành thị hay nông thôn – nhà nào cũng phải có cho được món thịt thưng. Nhà đông người và không đến nỗi eo hẹp, thì thưng vài ba ký. Nhà ít người thì một, hai ký. Nhà nghèo thì nửa ký… Có chảo thịt thưng, có dàn bánh tráng mới ra cái Tết.
Thịt heo để thưng, có thể lựa mua phần đùi hoặc là ba chỉ. Tùy theo ý thích mỗi nhà. Còn thịt bò thì nên mua phần bắp. Thịt mua về cắt dọc ra thành những miếng vừa phải, bề ngang cỡ vài phân. Cả heo và bò đều phải luộc sơ qua rồi ướp. Nhớ ướp và thưng riêng. Thịt heo thì ướp với hành – tỏi giã, tiêu, nước mắm ngon, xì dầu và chút đường. Thịt bò thì cùng những gia vị nói trên, thêm sả, gừng giã nhỏ. Trong thời gian ướp độ vài tiếng đồng hồ, thỉng thoảng lật từng miếng thịt một, cho độ thấm tháp được đều nhau. Sau đó bắc chảo lên bếp, đổ dầu vào. Dầu nóng. Lần lượt bỏ từng miếng thịt vào và hạ lửa nhỏ. Rồi cứ một chặp lại lật, và múc nước ướp, rưới đều lên những miếng thịt. Cứ như thế cho tới khi nước ướp đã hết và nước ở trong chảo thưng, chỉ còn xâm xấp. Miếng thịt săn lại, vàng ươm và khắp cả nhà sực mùi thơm của… “thưng” thì xong. Những ngày đầu năm mọi người trong gia đình thường đi chúc Tết, đi chơi và tiện lợi biết bao, khi về tới nhà, hâm lại chảo thịt thưng và xắt ra lấy một, hai đĩa. Rồi nhặt một ít xà lách, rau thơm có sẵn và cắt dưa leo, xong nhúng bánh tráng và… ăn. Cái món này thường rất ngon miệng nhưng ăn no quá, lại khó tiêu.
Bên cạnh thịt heo và thịt bò thưng để cuốn bánh tráng, ở đây người ta còn thưng gan, tai, bao tử, lưỡi heo… để lai rai cùng người thân, bạn bè, trong mấy bữa đầu xuân. Cách làm vẫn tương tự như vậy. Có khác chăng là người ta thường ăn kèm với đồ chua ngọt. Cũng xin nói rõ: Ðồ chua ngọt gồm có su, cà-rốt, kiệu… làm sạch, phơi héo, ngâm với dấm – đường, khoảng vài ngày là ăn được. Mỗi loại thưng có một kiểu ngon khác nhau. Chẳng hạn: Gan heo thì vừa béo, vừa bùi. Bao tử thì ngon ở độ dai. Tai heo thì ngon ở cái dòn… Nhưng tóm lại, đó là những thứ mồi vô cùng hấp dẫn và rất đặc trưng cho quê hương miền trung. Gần tới Tết, các ông chồng ở đây thường nhắc các bà vợ, bằng những ngôn ngữ rất ư là… nhỏ nhẹ và không kém phần… ngọt ngào: “Nhớ làm ít chua ngọt, nghe mình. Mà có chua ngọt, sao thiếu đồ thưng được em há”. Phải nhỏ, ngọt… vợ nghe mới êm tai, mới chịu mở bóp, đi chợ và xắn tay áo lên làm. Còn chồng, mắc gì mà không đi mua vài lít rượu Bầu Ðá, để sẵn đó chờ Tết, chờ bằng hữu tới nhà lai rai. Và thuận vợ, thuận chồng như vậy, thì chắc hẳn rượu sẽ ngót hơn, mồi sẽ bắt hơn, những sum họp ngày Tết sẽ hạnh phúc hơn.
Thế nên món thưng đã, đang và sẽ còn xuất hiện nơi mỗi ngôi nhà miền trung khi Tết tới.
guồn: Báo Bình Định