Cánh Tiên cổ tháp
"Thành cựu có tháp Cánh Tiên/Có chùa Thập Tháp có phiên Gò Chàm" (Ca dao Bình Định). Đó là lời giới thiệu đầy tự hào của người An Nhơn về những biểu tượng của quê hương. Được nhắc đến trước nhất là tháp Cánh Tiên, một ngôi tháp đã trải ngót chín thế kỷ phong sương mà vẫn lộng lẫy cùng tuế nguyệt.
Từ xa, ta đã thấy các vai tháp chìa ra không trung những phiến đá trắng mỏng mảnh giống bàn tay con gái uyển chuyển lật lên trong điệu múa. Có lẽ tên tháp được gợi ra từ những chiếc cánh này, như Đại Nam nhất thống chí mô tả: "Nam An cổ tháp ở thôn Nam An huyện Tường Vân trong thành Đồ Bàn, tục hô là tháp Cánh Tiên. Từ vai tháp trở lên, bốn phía ngó giống như cánh tiên bay lên nên gọi tên ấy. Xét cả các tháp, duy tháp này cao hơn, đứng xa trông thấy cảnh sắc thanh u, từ xưa xưng là thánh tích, nay lần sụp lở". Còn các nhà nghiên cứu người Pháp theo cách mệnh danh riêng, đã gọi tháp Cánh Tiên là Tháp Đồng (Tour de Cuvre).
Tháp Cánh Tiên được xây bằng gạch Chàm lớn màu đỏ và đá sa thạch. Theo các nhà chuyên môn thì tỷ lệ đá dùng trong tháp Cánh Tiên nhiều hơn so với các tháp khác ở Bình Định. Sở dĩ như vậy vì tháp là công trình kiến trúc trong tổng thể hoàng thành Đồ Bàn cũ, chất liệu sa thạch vừa kiến lập sự bền vững trong kết cấu, vừa được sử dụng nhiều trong điêu khắc tạo hiệu quả thẩm mỹ cao.
Đế tháp vuông vức tạo thành một bình đồ 400m2 trên mặt đất. Các khối đá lớn bó góc và các cột gạch ốp song song tạo gờ nổi trên mỗi mặt tường trông thật mạnh mẽ. Các mặt tường đông tây nam bắc của thân tháp mẹ đều có cửa vòm, nhưng chỉ có cửa chính hướng đông là cửa thật, còn lại là ba cửa giả. Các vòm cửa cao, đường viền khuôn cửa nhô mạnh ra ngoài, phía trên vòm cửa cong và hơi nhọn ở đỉnh, tiếp với mảng hoa văn xếp lớp đồng tâm, hình hoa sen nở. Bên trong tháp, trong mỗi khung cửa giả đều đặt tượng hoặc tranh chạm khắc rất đẹp, rất tiếc là ngày nay không còn. Trong tài liệu ghi chép về các tháp Chàm tỉnh Bình Định, nhà du khảo người Pháp Ch. Lemire đã mô tả lại: "Trên mỗi cửa bên trong đều có một bức tường có hình gân cung, nó giấu kín một tượng đàn bà bán thân nửa nổi nửa chìm, đầu đội một cái mũ rất sang, cầm trong tay một đóa hoa sen". Tượng có lẽ đã bị đục lấy sau đó, như kiểu người ta dỡ tường để lấy các bức tranh khắc bằng đá được gắn hoặc tạc vào đó. Chỉ còn các đầu thủy quái Makara nanh nhọn, vòi dài, chạm khắc tinh tế trên mặt đá ít nhiều tỏa ra thứ ánh sáng huyền bí rợn ngợp thường gặp ở các công trình tín ngưỡng Chàm.
Các cột ốp góc bằng đá sa thạch nguyên khối thẳng đứng với đường nét chạm khắc tinh tế nổi bật trên màu gạch, khiến tháp vừa uy nghi vừa sang trọng. Trên các cột đá vuông ở bốn góc tháp là bộ diềm chạy đường xếp bệ đèn rất sắc sảo, nhô dần ra từng ba bậc một, cuối cùng tạo thành bệ đỡ vững chải của các tháp góc bên trên. Từ bộ diềm này lên đến đỉnh còn tám lớp tháp giả chia làm ba tầng. Đặc biệt tầng trên cùng thu hẳn lại, như một sự biến tấu đầy cố ý của người nghệ sĩ tài hoa. Và quả thật, khi tầm nhìn bị thay đổi, ánh mắt con người bị hút bởi các tháp mái như vừa hiện ra từ thần thoại, càng lên phía trên càng nhỏ dần gợi cảm giác trùng điệp mà không hề nhàm chán. Với dáng lồi đặc trưng, phần thân mỗi tháp mái cấu trúc tương tự thân tháp mẹ nhưng đơn giản hơn. Các phiến đá hình đuôi phượng nhô ra từ cạnh các cột ốp góc của các tháp mái là nét độc đáo của công trình kiến trúc này. Đó chính là những "cánh tiên" kỳ diệu làm tăng vẻ mỹ lệ bay bổng của phần diềm và mái.
Ở tháp Cánh Tiên, đối ngẫu với sự vững chãi mang dấu ấn quyền năng của phần đế tháp là sự thanh thoát đặc trưng của các cửa vòm và phần đỉnh, đối ngẫu với uy lực thâm nghiêm nơi các tượng thần là cảm giác vui tươi của những dải đá đuôi phượng - tất cả hòa quyện thành một ngôn ngữ kiến trúc cực kỳ siêu thoát trong tầm mắt con người. Vẻ đẹp nhẹ nhõm vui tươi khiến tháp Cánh Tiên khác hẳn với các tháp Chăm nặng chất trầm tịch u hoài, nó cho phép người ta nghĩ đến một biểu tượng của hạnh phúc và niềm vui sống hơn là một công trình tôn giáo.
Theo các thư tịch cổ, thành Đồ Bàn do vua Chiêm Thành Ngô Nhật Hoan xây từ thế kỷ thứ X, còn tháp Cánh Tiên được xây dựng vào thế kỷ thứ XII, dưới đời vua Chế Mân (Jaya Sinbavarman III). Phải chăng, đây là ngôi tháp Chế Mân dành tặng hoàng hậu Paramecvari, tức Huyền Trân công chúa, người con gái Việt cao quý đã đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết, cùng ông kết mối lương duyên lịch sử. Tương truyền, trước khi rời Đại Việt, nàng công chúa lá ngọc cành vàng của triều Trần đã học nhuần nhuyễn mọi nghi thức cung đình lẫn sinh hoạt dân gian Chiêm. Đi làm dâu xa xứ, nàng được thần dân yêu quý và kính trọng vì vị hoàng hậu người Việt này không những nói thạo tiếng Chiêm Thành, biết múa hát các điệu dân ca dân vũ Chiêm Thành, mà còn chịu khó truyền dạy các cung nữ và thần dân quê chồng dệt vải, trồng lúa, thêu thùa, may vá. Tưởng không quá khi nói rằng: Cưới Huyền Trân, sính lễ của Chế Mân là hai châu Ô - Lý, còn tháp Cánh Tiên là sính lễ tình yêu mà ông dành tặng cho nàng, như một lời công nhận thiêng liêng trước thần dân trăm họ. Trở lại với lời mách bảo của nhà du khảo Ch. Lemire, ta có quyền hy vọng vẫn còn đâu đó trong lòng đất, hoặc trầm ẩn giữa các tường tháp cổ xưa, một bức tượng Huyền Trân - Paramecvari với vương miện hoàng hậu, gương mặt dịu hiền phảng phất nỗi tư hương, trên tay còn rưng rưng một búp sen minh triết.
(Nguồn: Báo Bình Định)