Nhà cổ Đại Điền - Bến Tre
Ai về thăm xứ Đại Điền, Thạnh Phú, Bến Tre sẽ không khỏi bỡ ngỡ khi đứng trước ngôi nhà cổ đẹp, bề thế của gia tộc họ Huỳnh. Dẫu trải qua hàng trăm năm với bao cuộc bể dâu, ngôi nhà vẫn còn mang trong nó nét đặc sắc của nhà cổ đồng bằng và cái lộng lẫy của gia chủ một thời sung túc.
Về thăm nhà cổ Đại Điền, nếu gặp ông Huỳnh Ngọc Chất, cháu năm đời của cụ Hương Liêm, ta sẽ được nghe những câu chuyện thú vị về ngôi nhà" "Ông cụ nhà tôi tên thật là Huỳnh Ngọc Khiêm, sinh năm 1842, trước làm tri huyện nên mọi người vẫn gọi là ông Hương. Khoảng cuối thế kỷ 19, cụ Hương Liêm có ý định xây một ngôi nhà để làm chỗ nghỉ ngơi tuổi già và thờ cúng ông bà, hễ nghe đâu có thợ giỏi là cụ vượt đường xa đến mời về. May sao, vào thời điểm ấy, cụ gặp được rất nhiều tay thợ kỳ cựu miền Bắc, miền Trung vốn là những người góp phần xây dựng cung đình Huế lưu tán vào Nam ở Thủ Dầu Một (Bình Dương) và Cần Giuộc (Long An). Vì thế, khi các nhà nghiên cứu văn hóa cổ đến tham quan nhà cổ Đại Điền cho rằng tuy mang đậm phong cách đồng bằng nhưng ngôi nhà cũng có dáng dấp của nhà cổ xứ Huế. Về thời gian xây nhà, ông Chất kể: “Ngày đầu tiên đến động thổ, gác đòn dông dựng nhà, ông cụ mời thợ ăn bưởi. Thợ ăn xong nhả hột gần đó, hột lên cây và đến khi cây bưởi có trái, ngôi nhà mới hoàn tất, kể cũng chục năm”. Về tiền công thợ, ông Chất nói: “Cụ nhà tôi không trả theo công nhật mà sau mỗi ngày làm việc, ông đong thành chén số dăm của thợ chạm, thợ lọng, thợ làm cửa nhà, vách nhà... cứ mỗi chén dăm đầy giá 5 cắc, 5 cắc thời đó mua được 5 giạ lúa, thế mà mỗi ngày cụ trả cả trăm chén như thế!”.
Dù hao tốn nhiều thời gian, công sức và tiền của nhưng ông cụ rất hài lòng khi ngôi nhà làm xong mang một vẻ đẹp vừa trang trọng vừa gần gũi. Nền nhà cao một mét, bao quanh nền là những thớt đá hoa cương sang trọng. Ngôi nhà năm gian, hai chái thoáng đãng được cất theo hình chữ nhật, chu vi khoảng 100m, gồm tất cả 48 cột bằng gỗ quý như lim, căm xe. Ở nhiều cột có chạm khắc chữ nho, hoa văn, họa tiết bằng ốc xà cừ rất tinh xảo. Trong gian nhà thờ, những bức hoành phi, câu đối, chuyện xưa tích cũ được cẩn xà cừ hoặc sơn son thếp vàng rất lộng lẫy. Dù qua hàng trăm năm, những vỏ ốc xà cừ vẫn giữ nguyên sắc màu óng ánh của thứ vật liệu hảo hạng. Mái ngói lợp âm dương, mỗi miếng ngói có in hình sinh hoạt dân gian như con gà, con cua, bó lúa, chú mục đồng cưỡi trâu... thật sống động.
Là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc nhưng hiện nay ngôi nhà cổ Đại Điền đang phải đối mặt với sự tàn phá, bào mòn của thời gian. Trước đây, nhà cổ Đại Điền được xây dựng liên hoàn có tiền đường, hậu đường, nhưng giờ đây tư dinh này chỉ còn đơn độc nhà thờ. Ngôi nhà là cầu nối liền tiền đường và hậu đường được xây mô phỏng theo kiến trúc La Mã nay đã xuống cấp trầm trọng. Mái ngói đã xập xệ và những miếng ngói độc đáo có in hình không còn được bao nhiêu. Vài chi tiết gỗ trong nhà có sự xuất hiện của mối mọt, không còn nguyên vẹn. Ông Chất ngậm ngùi: “Gia tộc tui ai cũng biết nhà thờ này là gia bảo, cũng cố công gìn giữ nhưng sự thực quá khó. Có một thời gian dài, tôi phải đi làm ăn xa thế là kẻ trộm đục cửa vào nhà lấy cắp một số đồ cổ, cạy khảm xà cừ đem bán”. Nói rồi, ông Chất mân mê bức hoành phi đã sứt mẻ, đen ngòm, xù xì rồi xót xa: “Tấm này kể về nhị thập tứ hiếu, trước đây đẹp lắm!”. Trong nhà, nay chỉ còn bộ bàn ghế cổ lót bằng đá, tay vịn và lưng dựa khảm xà cừ là tài sản có giá trị, giới đồ cồ nhiều lần lân la gạ mua với giá hơn 50 cây vàng nhưng ông Chất dù phải chạy ăn từng bữa vẫn từ chối. Ông bảo rằng, không giữ được vật quý tổ tiên để lại thì mang lỗi lớn.
Thời gian gần đây, qua phát hiện của giới báo chí, nhiều chuyên viên của Bộ Văn hóa-Thông tin đã đến tìm hiểu, đánh giá nhà cổ. Bảo tàng tỉnh Bến Tre cũng đã lập xong hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận nhà cổ Đại Điền là di tích kiến trúc cấp quốc gia. Trước mắt, ngành văn hóa tỉnh đã hợp đồng một đơn vị đến nhà cổ thực hiện phần chống mối mọt, giữ nguyên hiện trạng những gì còn lại của ngôi nhà. Biết được thông tin này, ông Chất xúc động đến rơi nước mắt: “Được các cấp chính quyền quan tâm gìn giữ, ngôi nhà cổ của gia tộc chúng tôi sẽ tránh được nguy cơ suy sụp và một giá trị kiến trúc cổ sẽ được lưu giữ mãi”.
Mai này, khi chiếc cầu Rạch Miễu hoàn tất, chắc chắn, du lịch xứ dừa sẽ ngày càng phát triển. Trước mắt, ngành du lịch tỉnh đang đẩy mạnh những hoạt động thu hút khách tham quan, ngoài loại hình du lịch sinh thái, du lịch tìm hiểu văn hóa truyền thống cũng có sức hấp dẫn riêng mà nhà cổ Đại Điền là một vốn quý giá của cha ông để lại.
(Nguồn: Báo Bình Dương)