Giới thiệu đất nước - con người Bahrain
Bahrain, tên chính thức Vương quốc Bahrain (tiếng Ả Rập: مملكة البحرين), là một đảo quốc không có biên giới tại Vịnh Ba Tư (Tây Á/Trung Đông).
Ả Rập Saudi nằm ở phía tây và nối với Bahrain bởi Đường đê Vua Fahd (chính thức mở cửa ngày 25 tháng 11 năm 1986), và Qatar ở phía nam qua Vịnh Ba Tư. Chiếc Cầu hữu nghị Qatar–Bahrain, hiện đang được lên kế hoạch, với đường nối Bahrain tới Qatar là đường nối dài nhất thế giới
Lịch sử
Bahrain đã có người ở từ thời cổ đại và thậm chí còn được đề nghị coi là một địa điểm của Vườn Eden theo Kinh Thánh.
Vị trí chiến lược của nó tại Vịnh Ba Tư đã khiến cho người Assyria, người Babylon, người Hy Lạp, người Ba Tư, và cuối cùng là người Ả Rập tìm cách chiếm quyền kiểm soát và gây ảnh hưởng lên nó. Ở thời Ả Rập cuối cùng, hòn đảo này trở thành một địa điểm của Hồi giáo. Bahrain thời xưa từng được gọi là Dilmun, Tylos (tên do người Hy Lạp đặt), Awal, cũng như tên Mishmahig trong tiếng Ba Tư khi nó rơi vào tay Đế chế Ba Tư.
Hòn đảo Bahrain, nằm ở điểm giữa phía nam Vịnh Ba Tư, đã lôi kéo sự chú ý của nhiều kẻ xâm lược trong lịch sử. Bahrain trong tiếng Ả Rập có nghĩa là "Hai Biển", và được cho là để chỉ thực tế là hòn đảo này có hai nguồn nước, những suối nước ngọt và nước mặn ở những vùng biển xung quanh, hay vùng biển ở phía nam ngăn cách nó với bờ biển Ả Rập còn vùng biển phía bắc ngăn cách nó với Iran.
Một vị trí chiến lược giữa Đông và Tây, một hòn đảo màu mỡ, nguồn nước ngọt, một nguồn lợi về ngọc trai đã biến Bahrain thành một trung tâm định cư thành thị trong suốt lịch sử. Khoảng 2.300 năm trước Công Nguyên, Bahrain đã trở thành một trung tâm của các đế chế thương mại giữa Lưỡng Hà (Iraq hiện nay) và lưu vực sông Ấn Độ (hiện ở Pakistan).
Đây là nền văn minh Delmon có quan hệ với Nền văn minh Sumer ở thiên niên kỷ thứ ba trước Công Nguyên. Bahrain đã trở thành một phần của Đế chế Babylon khoảng năm 600 trước Công Nguyên. Những ghi chép lịch sử coi Bahrain là "Cuộc sống bất từ", "Thiên đường", vân vân. Bahrain cũng được gọi là "Hòn ngọc Vịnh Ba Tư".
Tới tận năm 1521, Bahrain là một vùng lớn hơn gồm cả Ahsa, Qatif (cả hai hiện là tỉnh phía đông của Ả Rập Saudi) cũng như Awal (hiện là đảo Bahrain). Vùng này trải dài từ Basrah tới Eo biển Hormuz ở Oman.
Đây từng là Iqlim Al-Bahrain (Tỉnh Bahrain) và người Ả Rập sống ở tỉnh này tất cả đều được gọi là người Bahrain, là con cháu của những bộ lạc Ả Rập Bani Abd Al-Qais. Năm 1521, người Bồ Đào Nha chinh phục Awal và từ đó cái tên Bahrain trở thành chính thức cho đến nay.
Từ thế kỷ 16 đến năm 1743 quyền kiểm soát Bahrain lần lượt qua tay người Bồ Đào Nha và Ba Tư. Cuối cùng, vua Ba Tư Nadir Shah xâm chiếm và kiểm soát Bahrain và vì muốn kiểm soát chính trị đã ủng hộ cộng đồng Shia đa số.
Tới cuối thế kỷ 18 dòng họ Al-Khalifa tấn công và chiếm hòn đảo từ nước Qatar láng giềng. Để giữ Bahrain khỏi rơi lại vào tay Ba Tư, các tiểu vương quốc Ả Rập tham gia vào một hiệp ước về quan hệ với Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland và trở thành một nước bảo hộ của Anh.
Dầu khí được phát hiện ở đây năm 1932 (xem: Giếng dầu đầu tiên) và mang lại sự hiện đại hoá và cải thiện nhanh chóng cho Bahrain. Nó cũng khiến cho những quan hệ với Anh trở nên gần gũi hơn, bằng chứng ở hành động chuyển nhiều cơ sở của Anh sang hòn đảo này. Ảnh hưởng của Anh tiếp tục tăng lên khi đất nước phát triển, lên tới cực điểm với việc chỉ định Charles Belgrave làm cố vấn; Belgrave đã lập ra một hệ thống giáo dục hiện đại ở Bahrain.
Sau Thế chiến thứ hai, tình cảm chống Anh ngày càng tăng và phát triển khắp thế giới Ả Rập dẫn tới những cuộc bạo động ở Bahrain. Năm 1960, Anh đưa tương lai Bahrain ra trước một cơ quan trọng tài quốc tế và yêu cầu Tổng thư ký Liên hiệp quốc lãnh trách nhiệm này.
Năm 1970, Iran cùng lúc tuyên bố chủ quyền đối với cả Bahrain và các hòn đảo khác tại Vịnh Ba Tư, tuy nhiên, trong một thoả thuận với Anh nước này đã chấp nhận "không theo đuổi" chủ trương đòi lại Bahrain nếu các nước tuyên bố khác cũng chấp nhận như vậy.
Trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra sau đó người dân Bahrain đã xác nhận quyền độc lập của quốc gia mình khỏi Anh và các thực thể Ả Rập của họ. Tới ngày nay, Bahrain vẫn là một thành viên của Liên đoàn Ả Rập và Hội đồng hợp tác vùng vịnh của tất cả các nước Ả Rập.
Người Anh rút khỏi Bahrain ngày 15 tháng 8 năm 1971, biến Bahrain trở thành một tiểu vương quốc Ả Rập độc lập. Cuộc bùng nổ dầu khí trong thập kỷ 1980 đã mang lại nguồn lợi lớn cho Bahrain, nhưng sự suy sụp của nó cũng rất tồi tệ.
Tuy nhiên, nước này đã bắt đầu đa dạng hoá nền kinh tế của mình và đã thu được lợi ích từ cuộc Nội chiến Liban đã bắt đầu từ thập kỷ 1970; Bahrain thay thế Beirut trở thành trung tâm tài chính Trung Đông khi lĩnh vực ngân hàng của Liban phải rút khỏi nước này vì nội chiến.
Sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 ở Iran, những người Shia Bahrain theo trào lưu chính thống tổ chức một cuộc đảo chính bất thành năm 1981 dưới sự bảo trợ của một tổ chức mặt trận, Mặt trận Hồi giáo giải phóng Bahrain. Cuộc đảo chính đã khiến một tu sĩ Shia đang sống lưu vong ở Iran là Hojjat ol-Eslam Hādī al-Mudarrisī, trở thành lãnh đạo tối cao của chính phủ thần quyền.
Năm 1994 một làn sóng bạo loạn của những người Hồi giáo Shi'a bất mãn nổi lên vì những hành động bị cho là không công bằng của chính phủ. Vương quốc đã bị ảnh hưởng lớn bởi những vụ bạo lực không thường xuyên trong thời gian giữa thập niên 1990, trong đó hơn bốn mươi người đã chết dưới tay chính phủ và hàng trăm người khác bị bắt giam.
Tháng 3 năm 1999, Hamad ibn Isa al-Khalifah kế tục cha trở thành lãnh đạo của nhà nước và tiến hành các cuộc bầu cử nghị viện, trao cho phụ nữ quyền bầu cử và thả các tù nhân chính trị; những hành động được tổ chức Ân xá quốc tế mô tả là thể hiện một "giai đoạn lịch sử về quyền con người". Việc này khiến đất nước có một cơ hội lớn để tiến bước, dù còn đôi chút ngập ngừng[1], về phía một sự nhất trí chính trị.
Chính trị
Bahrain là một chính thể dân chủ lập hiến đứng đầu là Vua Shaikh Hamad bin Isa Al Khalifa; lãnh đạo chính phủ là Thủ tướng Shaikh Khalifa bin Salman Al Khalifa người điều hành nội các gồm 15 thành viên.
Bahrain theo chế độ lưỡng viện với hạ viện, Phòng nghị sỹ, do bầu cử phổ thông và thượng viện, Hội đồng Shura, do đức vua chỉ định. Cả hai viện đều có bốn mươi thành viên. Cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức năm 2002, các thành viên nghị viện có nhiệm kỳ bốn năm.
Việc mở cửa chính trị khiến cả dòng Hồi giáo Shia và Sunni đều đạt thắng lợi trong bầu cử, khiến họ có đủ lực lượng cần thiết trong nghị viện để theo đuổi các chính sách của riêng mình. Điều này có nghĩa rằng cái gọi là "các vấn đề đạo đức" đã trở thành một vấn đề chính trị được xếp lịch bàn thảo trong nghị viện và các đảng đã tung ra các chiến dịch nhằm áp đặt các đạo luật cấm bày manơcanh phụ nữ trong các cửa tiệm để trưng bày quần áo hay treo quần áo lót trên dây phơi.
Các nhà phân tích về quá trình dân chủ hóa ở Trung Đông trích dẫn những hành động cấm đoán đó của đạo Hồi như dẫn chứng về việc tôn trọng nhân quyền trong các bản báo cáo của họ và cho rằng đó là bằng chứng cho thấy các nhóm đạo Hồi đó ngày càng trở thành một lực lượng lớn mạnh trong vùng.
Các đảng tự do Bahrain đã phản ứng trước sự tăng cường quyền lực của các đảng tôn giáo cực đoan đó bằng cách tự tập hợp với nhau thông qua xã hội dân sự nhằm mục đích bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người khỏi bị pháp luật cấm đoán. Tháng 11 năm 2005, Al Muntada, một nhóm hàn lâm tự do đã tung ra chiến dịch "We Have A Right" nhằm giải thích với công chúng tại sao các tự do cá nhân có ý nghĩa quan trọng và tại sao chúng cần được bảo vệ.
Cả hai phái Hồi giáo Sunni và Shia đều đã gặp phải thất bại vào tháng 3 năm 2006 khi hai mươi thủ lĩnh hội đồng địa phương, đa số trong số hộ đại diện cho các đảng tôn giáo cực đoan, đã bị mất tích khi dừng chân không chủ định tại Bangkok trên đường quay trở về sau khi tham dự một hội nghị ở Malaysia [2].
Sau khi các thủ lĩnh mất tích đã về nước, họ đã biện hộ cho sự ở lại Bangkok của mình, nói với các nhà báo rằng nó là một "công tác đi tìm sự thật", giải thích: "Chúng tôi đã thu được rất nhiều từ chuyến đi tới Thái Lan bởi vì chúng tôi đã thấy được cách họ điều hành hệ thống giao thông, phong cảnh và đường xá."
Quyền chính trị của phụ nữ ở Bahrain đã có một tiến bộ quan trọng khi phụ nữ được trao quyền bầu cử và ứng cử trong các cuộc bầu cử quốc gia lần đầu tiên từ cuộc bầu cử năm 2002. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử năm đó, không phụ nữ nào trúng cử mà đa số thành viên nghị viện đều là người Hồi giáo dòng Sunni.
Để bù trừ cho sự thất cử của các ứng cử viên nữ, sáu người trong số họ được chỉ định vào Hội đồng Shura, cũng bao gồm các đại diện của các cộng đồng thiểu số khác trong Vương quốc như Do Thái và Thiên chúa giáo. Người phụ nữ đầu tiên trong nước tham gia chính phủ là Bác sĩ Nada Haffadh, bà đảm nhiệm chức Bộ trưởng y tế từ năm 2004, trong khi một cơ cấu bán chính phủ của phụ nữ, Hội đồng phụ nữ tối cao, muốn đào tạo các ứng cử viên nữ cho cuộc tổng tuyển cử năm 2006.
Gần đây nhà vua đã lập ra Hội đồng Tòa án Tối cao để quản lý các tòa án trong nước và thể chế hóa sự phân biệt giữa hành chính và các nhánh tòa án của chính phủ.
Ngày 11-12 tháng 11 năm 2005, Bahrain tổ chức Hội nghị cho Tương lai tụ họp các lãnh đạo từ các quốc gia Trung Đông và các nước G8 để bàn bạc về cải cách kinh tế và chính trị trong vùng.
Các vùng thủ hiến
Bahrain được chia thành năm vùng thủ hiến. Cho tới ngày 3 tháng 7 năm 2002, nó được chia thành mười hai vùng đô thị; xem Các thành phố Bahrain.
1. Thủ đô
2. Trung tâm
3. Muharraq
4. Phía Bắc
5. Phía Nam
Để biết thêm thông tin, xem: Decree-Law establishing governorates từ website chính thức của Bahrain.
Kinh tế
Nằm trong vùng hiện trải qua giai đoạn bùng nổ giá dầu với mức độ chưa từng thấy, Bahrain là nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong thế giới Ả Rập, Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hiệp quốc vùng Tây Á đã tìm ra như vậy vào tháng 1 năm 2006. Bahrain cũng có nền kinh tế tự do nhất Trung Đông theo Chỉ số tự do kinh tế năm 2006 do Heritage Foundation/Wall Street Journal xuất bản, và là nền kinh tế tự do thứ 25 trên thế giới.
Tại Bahrain, sản xuất dầu mỏ và chế biến chiếm khoảng 60% lượng xuất khẩu, 60% thu nhập chính phủ và 30% GDP. Các điều kiện kinh tế thay đổi liên tục cùng với sự biến động giá dầu từ năm 1985, ví dụ, trong và sau cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh năm 1990-91. Với hạ tầng viễn thông và giao thông phát triển cao, Bahrain là nơi đóng trụ sở của nhiều công ty đa quốc gia làm ăn tại Vùng Vịnh.
Một phần lớn xuất khẩu đến từ các sản phẩm chế biến từ dầu thô. Công việc xây dựng đang tiến hành trên nhiều dự án công nghiệp. Thất nghiệp, đặc biệt trong giới trẻ và sự giảm sút của cả dầu thô và nguồn nước ngầm hiện là những vấn đề kinh tế dài hạn.
Địa lý
Bahrain nói chung là một quần đảo phẳng và khô cằn, gồm một sa mạc thấp chạy về phía một vùng dốc đứng ở trung tâm, ở Vịnh Ba Tư, phía đông Ả Rập Saudi. Điểm cao nhất là Jabal ad Dukhan, 122 m.
Được coi là một trong 15 nước hình thành nên cái gọi là "Cái nôi của Nhân loại" ở Trung Đông, Bahrain có tổng diện tích 688 km² (266 mi²), hơi lớn hơn Đảo Man, dù nó nhỏ hơn Sân bay Vua Fahd ở Dammam, Ả Rập Saudi nằm bên cạnh với diện tích 780 km² (301 mi²).
Vì là một quần đảo với 33 hòn đảo, Bahrain không hề có biên giới đất liền với một quốc gia nào nhưng có 161 kilômét (528 dặm) đường bờ biển và tuyên bố thêm 12 hải lý (22 km) lãnh hải và 24 hải lý (44 km) vùng tiếp giáp. Bahrain có mùa đông dịu và mùa hè nóng, ẩm kéo dài.
Các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Bahrain gồm một lượng lớn dầu mỏ và khí gas tự nhiên cũng như nguồn cá phong phú, có lẽ đây là một điều kiện thuận lợi bởi vì đất canh tác chỉ chiếm 1% diện tích lãnh thổ và những đợt hạn hán hàng năm cũng như những cơn bão cát là thiên tai chủ yếu của cho người Bahrain.
Các vấn đề môi trường Bahrain hiện đối mặt là tình trạng sa mạc hóa kết quả từ quá trình thoái hóa đất canh tác và thoái hóa bờ biển (đe dọa đường bờ biển, dải san hô và thực vật biển) từ vụ làm đổ, làm tràn dầu thô và các hoạt động khác của tàu chở dầu. Nông nghiệp và các lĩnh vực khác sử dụng quá nhiều nguồn nước ngầm đã dẫn tới tình trạng xâm nhập của nước mặn.
Nhân khẩu
Tôn giáo chính thức của Bahrain là Đạo Hồi, với đa số dân cư theo đạo này. Tuy nhiên, vì có một làn sóng nhập cư mới đây của những người công nhân từ các nước không Hồi giáo như Philippines và Sri Lanka, phần trăm số người theo Đạo Hồi trong nước đã giảm xuống trong những năm gần đây. Theo một cuộc điều tra dân số năm 2001, 81,2% dân số Bahrain là người Hồi giáo Muslim (Shi'a và Sunni), 9% theo Thiên Chúa giáo và 9,8% theo các tôn giáo khác của châu Á và Trung Đông.
Gần đây, Bahrain đã chuyển đổi trở thành một xã hội đa chủng với nhiều cộng đồng pha trộn: hai phần ba dân số Bahrain là người Ả Rập, phần còn lại là công nhân và dân nhập cư đa số đến từ Iran, Nam Á và Đông Nam Á. Một bài báo trên tờ Financial Times xuất bản ngày 31 tháng 5 năm 1983 cho rằng "Bahrain là một quốc gia đa chủng, cả về tôn giáo và chủng tộc. Nếu không tính những người mới nhập cư trong 10 năm qua, ít nhất có tám hay chín cộng đồng hiện sống trên hòn đảo này."
Các cộng đồng hiện tại có thể được phân loại thành Al-Khalifa (các bộ tộc Ả Rập liên minh với Al-Khalifa), Baharnah (người Ả Rập Shia), Howilla (người Ả Rập Sunni từ Ba Tư), người Ả Rập Sunni (từ lục địa), Ajam (dân tộc Shia Ba Tư), những người Ấn Độ đã buôn bán với Bahrain và định cư ở đó trước giai đoạn dầu mỏ (thường được gọi là Banyan), một cộng đồng Do Thái nhỏ, và một nhóm pha tạp khác.
Văn hoá
Thỉnh thoảng, Bahrain được gọi là "Middle East lite" (Trung Đông nhẹ): một quốc gia Ả Rập pha trộn hoàn toàn giữa một hạ tầng hiện đại với một bản sắc Vùng Vịnh rõ rệt, nhưng không giống như các nước khác trong vùng, sự giàu có của họ không chỉ dựa duy nhất vào trữ lượng dầu mỏ phong phú, mà còn liên quan tới sự xuất hiện của một tầng lớp trung lưu bản địa. Sự phát triển kinh tế xã hội duy nhất này ở Vùng Vịnh có nghĩa là Bahrain, nói chung, tự do hơn các nước xung quanh.
Trong khi Hồi giáo vẫn là tôn giáo chính, người dân Bahrain vốn đã nổi tiếng về tính khoan dung và cùng với các thánh đường Hồi giáo có thể tìm thấy các nhà thờ Thiên chúa, các đền thờ Hindu, Gurudwara của người Sikh và giáo đường Do Thái. Nước này là nơi cư trú của nhiều cộng đồng dân cư từng bị ngược đãi tại các quốc gia khác.
Còn quá sớm để nói rằng sự tự do hóa chính trị của Vua Hamad bin Isa Al Khalifa sẽ làm gia tăng hay giảm bớt tính đa nguyên truyền thống của Bahrain. Không gian chính trị mới của người Hồi giáo Shia và Sunni có nghĩa rằng hiện nay họ đang có một vị trí mạnh hơn trước để theo đuổi các chương trình có mục tiêu đương đầu trực tiếp với chủ nghĩa đa nguyên đó, cùng lúc các cải cách chính trị đã khuyến khích một khuynh hướng đối lập để xã hội trở nên có tính tự phê bình cao hơn cùng một tham vọng xem xét lại những cấm kỵ xã hội trước đó.
Hiện nay có nhiều hội thảo về các chủ đề trước kia chưa từng được đả động tới như các vấn đề hôn nhân và sex và lạm dụng trẻ em. Một khía cạnh khác của sự mở cửa mới đây là số lượng sách xuất bản của Barain lớn nhất trong thế giới Ả Rập, với 132 cuốn sách xuất bản năm 2005 cho một dân số 700,000 người. So sánh với, mức trung bình cho toàn bộ thế giới Ả Rập là bảy cuốn sách trên một triệu người năm 2005, theo Chương trình phát triển Liên hiệp quốc. [3]
Ngày 20 tháng 10 năm 2005 Michael Jackson đã bày tỏ ý định rời Hoa Kỳ để tìm kiếm một cuộc sống mới tại Bahrain. Theo các nguồn thông tin, Jackson đã nói với bạn bè rằng mình cảm thấy "ngày càng trở thành một người Bahrain" sau khi mua một biệt thự tại Sanad, và hiện đang tìm kiếm một bất động sản khác ở gần bờ biển.
Những nhân vật nổi tiếng khác có liên quan tới vương quốc này gồm tay đua Công thức 1 Jenson Button, người cũng sở hữu một bất động sản, và Shakira (để thêm chi tiết xem Danh sách những người nổi tiếng có liên quan đến Bahrain).
Các tầng lớp trung lưu thường có một quan điểm rất toàn cầu, và với việc nhạc rap đang trở nên phổ biến trong giới trẻ Bahrain. DJ Whoo Kid nói về DJing ở Bahrain: "Lớn lên tại Queens Village, New York, tôi đã không thật sự biết điều gì sẽ gặp khi tới một quốc gia Hồi giáo. Tôi đã cho rằng mình sẽ thấy lạc đà, các ngôi nhà xi măng và các phương tiện đi trên cát như Jeep Wranglers hay Land Cruisers. Và rất ngạc nhiên, tôi đã được chào đón bởi những thiếu niên nghe các loại nhạc của Mobb Deep, Jay Z, 2Pac, Biggie Smalls, Eminem và 50 Cent. Khi mở đài, tôi được thưởng thức nhiều loại âm nhạc như Black Eyed Peas, Sean Paul và Pussycat Dolls. Âm nhạc đang được ưa chuộng nhất - và tôi đã nghe rất nhiều khi làm DJ cho Shade 45 channel của Eminem trên Sirius Satellite Radio — là các bản remixe và beat hip-hop Ả Rập tôi nghe trên đài. Tôi đã hiểu ra tại sao nhiều nhà sản xuất ở Hoa Kỳ đang nhái theo chúng."
Ngôn ngữ
Tiếng Ả Rập là ngôn ngữ chính thức của Bahrain. Hai thổ ngữ chính khác là tiếng Ả Rập Baharna, do những người thổ dân Baharna Shia sử dụng, và tiếng Ả Rập vùng Vịnh của người Sunnis. Tiếng Ba Tư, tiếng Urdu, tiếng Anh và tiếng Malayalam cũng được nhiều nhóm người sử dụng
Công thức 1
Bahrain là nơi tổ chức cuộc đua Công thức 1 ở Trung Đông. Họ đã bắt đầu đăng cai Gulf Air Grand Prix ngày 4 tháng 4 năm 2004, lần đầu tiên cho một quốc gia Ả Rập. Tiếp sau là Bahrain Grand Prix vào năm 2005. Bahrain đã tổ chức thành công giải Grand Prix khởi động của mùa giải 2006 vào ngày 12 tháng 3.
Giáo dục
Nhiều tổ chức giáo dục và các trường đại học trên thế giới đã thiết lập những mối quan hệ tới Bahrain. Một trường nổi tiếng là Đại học DePaul của Hoa Kỳ.
Các trường Côran (Kuttab) từng là hình thức giáo dục duy nhất ở Bahrain vào đầu thế kỷ 20. Chúng là các trường truyền thống với mục đích dạy trẻ em và thanh niên đọc kinh Côran. Nhiều người Bahrain đã thấy rằng kiểu giáo dục này không đáp ứng nhu cầu giáo dục hàn lâm của thời đại.
Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, mọi thứ đã thay đổi và Bahrain trở nên mở rộng hơn cùng với sự phục hồi của các nước phương tây. Những thay đổi về chính trị và xã hội đã xảy ra trong đất nước gây nên sự tăng cường nhận thức về xã hội và văn hóa trong nhân dân.
Vì những lý do đó, một nhu cầu về các cơ sở giáo dục hiện đại khác biệt cả về hệ thống, mục tiêu và chương trình giảng dạy so với (Kuttab) trước kia đã xuất hiện.
Năm 1919 đánh dấu sự khởi đầu của hệ thống trường công hiện đại ở Bahrain. Trường Al-Hidaya Al-Khalifia cho trẻ em nam đã được mở cửa ở Muharraq. Năm 1926, Ủy ban giáo dục đã mở một trường thứ hai cho các em nam tại Manama.
Năm 1928 trường công đầu tiên cho các em nữ được mở cửa tại Muharraq.
Tổ chức giáo dục cao học đầu tiên ở Bahrain, Trường bách khoa Vùng Vịnh, được hoàn thành năm 1968 với cái tên Đại học kỹ thuật Vùng Vịnh. Năm 1986 Trường bách khoa Vùng Vịnh sáp nhập với Đại học Nghệ thuật, Khoa học và Giáo dục, được thành lập năm 1979, để tạo nên Đại học Bahrain, một đại học quốc gia có khả năng đào tạo các cử nhân văn chương và cử nhân khoa học cũng như đào tạo ở trình độ thạc sĩ.
Ngày nay, có nhiều trường tư tại Isa Town, một trong những trường nổi tiếng là Indian School
Du lịch
Bahrain từ lâu đã là một điểm đến thường xuyên của các du khách từ những nước láng giềng, nhưng những phát hiện mới về các di sản có niên đại từ năm nghìn năm trước của nền văn minh Dilmun khiến Vương quốc ngày càng trở nên lôi cuốn hơn với khách du lịch bên ngoài.
Bahrain là một sự hòa hợp giữa hạ tầng hiện đại và một xã hội khá tự do cùng với sự gần gũi với Vùng Vịnh khiến nó trở thành một nơi lý tưởng để thâm nhập vào Trung Đông. Những địa điểm thu hút nhiều du khách như pháo đài Qalat Al Bahrain mới được UNESCO liệt vào danh sách di sản văn hóa thế giới và nhiều khu vực khảo cổ khác thể hiện văn hóa truyền thống Ả rập. Du khách còn có cơ hội mua sắm trong các trung tâm thương mại và các khu chợ truyền thống khác cũng như nghỉ ngơi giải trí tại nhiều khách sạn và khu du lịch hiện đại.
Bahrain cũng có một bãi biển nổi tiếng ở Zallaq.
Theo Wikipedia