Tiềm năng du lịch Từ Sơn, Bắc Ninh
Thị xã Từ Sơn có lợi thế tiếp giáp với thủ đô Hà Nội, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Từ Sơn có trên 61km² diện tích tự nhiên, với số dân gần 145.000 người sinh sống ở 12 xã, phường. Đây là vùng đất văn hiến, địa linh, nhân kiệt, có nhiều người tài giỏi làm rạng danh quê hương, đất nước. Trên mảnh đất này có hệ thống giao thông huyết mạch như quốc lộ 1A, 1B và tuyến đường sắt Hà-Lạng chạy qua thuận lợi cho việc giao lưu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và du lịch.
Từ Sơn là địa phương có dày đặc các di tích lịch sử văn hoá từ thời Hùng Vương, các vương triều Đinh, Lê, Lý, Trần cho đến các di tích cách mạng kháng chiến. Theo thống kê hiện nay, toàn thị xã hiện có gần 200 di tích lịch sử văn hoá, trong đó có 80 di tích và cụm di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, cấp tỉnh, cùng hàng trăm tài liệu và hiện vật, cổ vật có giá trị khai thác nhằm phát huy truyền thống và phát triển du lịch.
Tiêu biểu như: cụm di tích lịch sử văn hoá Đền Đô, nơi thờ 8 vị vua triều Lý, được xếp hạng cấp Quốc gia, đình làng Đình Bảng, đình chùa Đồng Kỵ, chùa Tiêu-Tương Giang, đền Đầm,...
Ngoài các cụm di tích tiêu biểu nêu trên, thị xã còn có nhiều di tích lịch sử văn hoá đình, đền, chùa với kiến trúc độc đáo như: chùa Đồng Kỵ, chùa Cha Lư ở Dương Lôi-Tân Hồng, chùa Tam Sơn; đền thờ quận công tổ sư nghề rèn sắt Đa Hội...
Ngoài ra, trên địa bàn thị xã còn có một hệ thống các nhà tưởng niệm như: Nhà tưởng niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ ở xã Phù Khê. Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng là di tích lưu niệm lãnh tụ cách mạng năm 1988. Khu lưu niệm đồng chí Ngô Gia Tự ở xã Tam Sơn. Nhà cụ Đám Thi (phường Đình Bảng) là nơi năm 1945 Thường vụ Trung ương Đảng họp và đề ra chỉ thị quan trọng “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Đó là mệnh lệnh đặc biệt quan trọng để Đảng ta lãnh đạo nhân dân tiến tới tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, năm 1979 ngôi nhà đã được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá.
Trong tương lai không xa, Từ Sơn sẽ thực hiện quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các khu di tích gắn với phát triển du lịch. Gắn liền với các cụm di tích, các nhà tưởng niệm trên, các di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn thị xã là 49 lễ hội truyền thống, nơi hội tụ các sinh hoạt văn hoá tiêu biểu của nhân dân, phản ánh khá rõ nét con người, truyền thống, phong tục, tập quán mà thông qua đó bày tỏ lời cảm ơn đối với trời, đất, thần, nước, người có công với làng, với đất nước và cầu mong có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc được các địa phương trong thị xã tổ chức, bắt đầu từ hội rước pháo Đồng Kỵ vào ngày mùng 4 tháng Giêng âm lịch tiếp đến là lễ hội các thôn làng vào dịp đầu xuân và các tháng trong năm.
Thị xã còn có một kho tàng văn hoá dân gian đặc sắc với những làn điệu quan họ, hát tuồng, chèo... mượt mà đằm thắm. Cùng với đó thị xã còn có các làng nghề thủ công, truyền thống, tiêu biểu như làng nghề sản xuất sắt thép Châu Khê, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở Đồng Kỵ, Phù Khê, Hương Mạc; nghề dệt Tương Giang, chạm khảm Đình Bảng, Tân Hồng và nói đến Từ Sơn không thể quên được bánh phu thê Đình Bảng nổi tiếng, làm giò chả, bún, bánh dày Tân Hồng... những sản vật ẩm thực nổi tiếng khác...
Những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể nêu trên đang được Thị xã và các xã, phường khai thác nhằm nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Mời các bạn cùng ghé thăm những di tích lịch sử, văn hoá để thấy được truyền thống cũng như tiềm năng của mảnh đất Đông Ngàn văn hiến. Mỗi người dân Từ Sơn cùng góp sức bảo vệ, giữ gìn và phát huy để Từ Sơn không chỉ giàu về kinh tế mà còn giàu, đẹp hơn bởi những tiềm năng du lịch.
Nguồn: Báo Bắc Ninh