Wilson prom: Mũi 'Hảo Vọng' của Australia
Từ trung tâm Melbourne (thủ phủ của bang Victoria, Úc) xuôi theo Gipplands Highway về phía đông nam, chỉ cần khoảng 3 tiếng đồng hồ lái xe, bạn sẽ đặt chân vào lãnh địa của Mũi Wilson – tên chính xác là Wilson Promontory, thường được gọi tắt là Wilson Prom.
Tương tự như Mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope) nằm ở cực nam châu Phi, Wilson Prom nằm ở cực nam châu Úc (không tính phần đảo Tasmania nằm cách lục địa Úc khoảng 240km về phía nam).
Wilson Prom có thể đáp ứng nhu cầu của mọi du khách, bất kể là họ yêu núi, yêu biển hay yêu rừng, với vị thế của một bán đảo nên Wilson Prom được bao bọc bởi hàng loạt những bãi biển đẹp mê hồn, cạnh đó những cánh rừng nhiệt đới rậm rạp, những rặng núi đá hùng vĩ với hàng chục ngọn núi, thấp nhất cũng hơn 200m và cao nhất gần 800m. Đó là chưa kể con sông Tidal uốn lượn giữa núi rừng trước khi đổ thẳng ra biển.
Trong hàng loạt những bãi biển ở Wilson Prom, bãi Norman có vị trí đẹp nhất và dễ tiếp cận nhất, vì vậy được rất nhiều du khách yêu thích. Nằm trong vịnh Norman vốn được “kềm cặp” giữa hai mỏm núi đá, bãi Norman khá khuất gió, nhưng không vì vậy mà du khách đắm mình trong làn nước trong xanh của Norman không để vươn tầm mắt ra ngắm những hòn đảo nhỏ thoắt ẩn thoắt hiện ở phía khơi xa. Norman còn được yêu thích là vì nó là nơi sông Tidal hoà mình vào đại dương, cũng như nó có vị thế nằm sát cạnh làng Tidal, làng cắm trại dành cho du khách đến Wilson Prom. Ngoài Norman, Wilson Prom còn có những bãi biển khác như Squeaky, Whisky, Oberon nằm về phía tây của bán đảo, hay bãi Ba Dặm (Three Miles), Năm Dặm (Five Miles), Waterloo nằm về phía đông. Ngoài Ba Dặm và Năm Dặm là những bãi biển trải dài tưởng chừng như vô tận, tất cả những bãi biển còn lại đều thuộc một vịnh nào đó, nghĩa là được “kềm” giữa hai mỏm núi, vì thế có vị thế khá hiểm trở và không kém phần hùng vĩ. Nếu đứng từ trên núi cao nhìn xuống, du khách có thể tận mắt thấy có rất nhiều những mỏm đá vươn dài ra biển như những ngón tay khổng lồ của núi.
Con sông Tidal có thể coi là điểm nhấn chính của Wilson Prom. Đúng như tên gọi “con sông Thuỷ triều”, mực nước sông lên xuống tuỳ theo sự lên xuống của mực nước biển, vì như đã nói ở trên, Tidal đổ thẳng ra vịnh Norman. Điều thú vị là nước sông có nhiều màu khác nhau: màu vàng sậm ở những vùng nước cạn, màu tím đậm ở những đoạn sông sâu vừa, và hầu như là màu đen ở những vùng nước sâu. Những sự đa dạng về màu sắc này là do sự hiện diện của rất nhiều những cây trà ở hai bên bờ sông cũng như ở khắp bán đảo Wilson. Có thể nói những cây trà đã nhuộm màu cho con sông, mang lại cho nó một sắc màu không thể lẫn lộn với bất cứ con sông nào khác.
Ngoài việc cắm trại, nướng barbeque, tắm biển, đọc sách, thư giãn, du khách còn có thể tận hưởng cảm giác lên rừng xuống biển, lội sông trèo núi trong lúc khám phá Wilson Prom. Hãy chọn cho mình vài lộ trình đi bộ trong số hàng trăm lộ trình được thiết kế từ dễ đến khó, từ ngắn đến dài: lộ trình dễ nhất chỉ dài trên dưới 1km với thời gian di chuyển trên dưới 10 phút; lộ trình khó nhất có thể dài tới 11km với thời gian di chuyển kéo dài đến 4 giờ đồng hồ, đi sâu vào lòng bán đảo. Có gần 500 ô trại được quy hoạch tập trung trong khu vực làng Tidal, và những phòng nghỉ với số giường ngủ dao động từ 4 đến 30 (tuy nhiên, những phòng nghỉ này có số lượng hạn chế và thường xuyên trong tình trạng kín chỗ). Để cắm trại, phải tự chuẩn bị lều và các dụng cụ cá nhân, vì toàn bộ khu vực cắm trại đều không có điện, khách cũng không được phép mang những vật liệu dễ gây cháy vào khu vực này. Nếu du khách có bếp gas riêng thì có thể nấu nướng tại lều, còn không thì có thể sử dụng những lò nướng công cộng. Tất cả những tiện nghi công cộng này được bố trí khá hợp lý trên toàn bộ khu làng và luôn được dọn dẹp sạch sẽ.
(Nguồn: Website SGTT)