Hỗ trợ khách hàng

Du lịch trong nước
Du lịch trong nước
Du lịch nước ngoài

Giới thiệu đất nước - con người Úc

Úc (Hán-Việt cũ: Úc Đại Lợi; tiếng Anh: Australia, phát âm như Ốt-xtrây-li-a) có tên chính thức là Liên bang Australia (Commonwealth of Australia) là một quốc gia nằm ở Nam bán cầu.

Đây là nước lớn thứ sáu trên thế giới, là nước duy nhất chiếm toàn bộ một lục địa và cũng là nước lớn nhất trong khu vực Úc-Á (Australasia)/châu Đại Dương.

 Nó cũng gồm một đảo lớn là Tasmania, một tiểu bang của Úc và nhiều hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương[10]. Các nước láng giềng của Úc gồm có New Zealand về phía Đông Nam; Indonesia, Đông Timor và Papua New Guinea về phía Bắc; Quần đảo Solomon, Vanuatu và New Caledonia về phía Đông Bắc.

Lục địa Úc đã bắt đầu có thổ dân định cư từ 42.000 năm trước[11]. Sau một vài chuyến viếng thăm lác đác của các ngư dân ở phương Bắc và các hình trình khám phá của người châu Âu mà đầu tiên là của người Hà Lan năm 1606, lãnh thổ phía Đông của Úc đã bị người Anh tuyên bố chủ quyền và họ bắt đầu thành lập những vùng lưu đày ở New South Wales từ ngày 26 tháng 1 năm 1788[12]. Vì dân số ngày càng gia tăng và nhiều vùng đất mới được khám phá, năm thuộc địa hoàng gia tự trị mới được thành lập trong suốt thế kỷ 19.

Ngày 1 tháng 1 năm 1901, sáu thuộc địa chính thức liên kết trở thành một liên bang thống nhất dẫn tới việc Liên bang Australia ra đời. Từ đó Úc vẫn giữ vững thể chế chính trị dân chủ tự do và hiện vẫn nằm trong vương quốc thịnh vượng chung.

Thủ đô của Úc là Canberra tọa lạc trong lãnh thổ Thủ đô Úc (ACT). Vì điều kiện thiên nhiên không thuận lợi sâu trong lục địa nên xấp xỉ 60% trong dân số 21,7 triệu người của Úc sống tập trung ở các thủ đô của bang như Sydney, Melbourne, Brisbane, Perth và Adelaide.

Nguồn gốc và lịch sử tên gọi

Tên "Úc" trong tiếng Việt có nguồn gốc từ Hán-Việt 澳大利亞 (Úc Đại Lợi Á). Úc, với tên tiếng Anh là "Australia" bắt nguồn từ chữ "australis" trong tiếng Latinh có nghĩa là "phương nam". Những huyền thoại về "một vùng đất chưa được biết đến ở phương Nam" đã có từ thời La Mã và là cái tên bình thường trong địa lý thời Trung Cổ nhưng không dựa trên bất kỳ sự hiểu biết giấy tờ nào về lục địa này.

 Năm 1521, người Tây Ban Nha là một trong những người châu Âu đầu tiên đến Thái Bình Dương. Lần sử dụng từ "Australia" lần đầu tiên là vào năm 1625 - nằm trong những chữ "Ghi chép về Australia del Espiritu Santo, viết bởi Master Hakluyt", xuất bản bởi Samuel Purchas ở trong Hakluytus Posthumus[13].

 Trong tiếng Hà Lan, từ Australische thuộc dạng tính từ được sử dụng bởi công ty Đông Ấn Hà Lan ở Batavia để nhắc tới vùng đất mới được khám phá ở phía Nam năm 1638[14].

 Australia còn được sử dụng trong một bản dịch năm 1693 của Les Aventures de Jacques Sadeur dans la Découverte et le Voyage de la Terre Australe, một tiểu thuyết Pháp năm 1676 viết bởi Gabriel de Foigny[15].

Alexander Dalrymple sau đó sử dụng từ này trong An Historical Collection of Voyages and Discoveries in the South Pacific Ocean (1771), nhắc tới toàn bộ vùng Nam Thái Bình Dương. Năm 1793, George Shaw và Ngài James Smith xuất bản cuốn Zoology and Botany of New Holland (Hệ động thực vật của Tân Hà Lan) trong đó họ đã viết hàng loạt "những đảo, hoặc đúng hơn là lục địa, của Australia, Australasia hoặc Tân Hà Lan".

Cái tên "Australia" được phổ biến bởi cuốn sách năm 1814 A Voyage to Terra Australis (Một chuyến đi biển tới Australis) bởi nhà hàng hải Matthew Flinders, người đầu tiên được ghi chép là đã đi vòng quanh Australia bằng đường biển.

 Mặc dù tựa đề của nó được sử dụng cho Bộ Hải quân Anh nhưng Flinders đã dùng từ "Australia" trong cuốn sách của ông bởi vì nó được đọc một cách rộng rãi nên từ này trở nên thịnh hành.

Thống đốc Lachlan Macquarie of New South Wales sau đó đã sử dụng từ này trong bản thông điệp gửi tới nước Anh ngày 12 tháng 12 năm 1817, giới thiệu với văn phòng thuộc địa rằng từ ngữ này đã được chính thức thông qua[16]. Năm 1824, Bộ Hải quân đã đồng ý rằng lục địa này sẽ được nhắc tới chính thức với cái tên Australia.

Từ "Australia" trong tiếng Anh Úc được phát âm là /əˈstɹæɪljə, -liːə, -jə/.

Lịch sử

chứng khoa học mạnh mẽ xác nhận sự hiện diện của con người khoảng 50.000 năm trước, giai đoạn có những biến động sinh thái rộng lớn được tin là tương ứng với sự xâm nhập của con người.

 Tuy nhiên, cũng có suy đoán cho rằng con người đến vùng đất này sớm hơn nhiều, tận 100.000 năm trước hoặc lâu hơn nữa. Những người Úc đầu tiên là tổ tiên xa của thổ dân Úc, và đến Úc qua các cầu đất liền hoặc theo đường biển từ vùng Đông Nam Á ngày nay.

Việc có chung các loại động và thực vật giữa các vùng lân cận của Úc, Papua New Guinea, và Papua với các đảo Indonesia gần đó cho thấy trước đây tồn tại các cầu đất liền và chúng bị đóng khi mực nước biển dâng cao.

Sự di chuyển truyền thống lịch sử của cư dân giữa các vùng này trong những chiếc thuyền buồm thô sơ cho thương mại và đánh cá, cho thấy có khả năng các thương gia Ả Rập và Trung Hoa đến các đảo phía bắc, biết được và rồi đến các bờ biển phía nam lục địa vào thế kỉ 9. Các bản đồ vẽ tại châu Âu từ cuối những năm 1400 cho thấy các phần của đường bờ biển.

Người châu Âu phát hiện ra vùng đất này vào năm 1522 nhờ công của nhà thám hiểm Bồ Đào Nha Cristóvão de Mendonça, nhưng mãi đến thế kỉ 17 lục địa đảo này mới trở thành mục tiêu cho các cuộc thám hiểm của người châu Âu, trong đó vài cuộc hành trình đã trông thấy Terra Australis: nhà thám hiểm người Hà Lan Willem Jansz (1606), nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha Luis Vaez de Torres khi đang phục vụ ở Tây Ban Nha (1607), và các nhà thám hiểm người Hà Lan Jan Carstensz (1623), Dirk Hartog và Abel Tasman (1642), tên ông này đã được đặt cho đảo Tasmania, nhưng chính ông ta lại đặt tên nó theo Anthoonij van Diemenslandt.

Các nhà thám hiểm người Anh đầu tiên là Willem Dampier ở bờ tây của lục địa vào năm 1688, và đại uý James Cook là người vào năm 1770 tuyên bố 2 phần 3 phía đông của lục địa thuộc chủ quyền Vương quốc Anh bất chấp chiếu lệnh từ vua George III về việc ban đầu kí kết hiệp ước với dân bản xứ. Báo cáo của ông ta gửi về Luân Đôn nói rằng Úc không có người sinh sống (xem Terra nullius) tạo cớ thúc đẩy việc thiết lập một thuộc địa lưu đày ở đó theo sau việc mất các thuộc địa châu Mĩ.

Thuộc địa hoàng gia (thuộc địa do Anh trực tiếp cai trị) của Anh ở New South Wales bắt đầu bằng việc thiết lập vùng định cư (sau này trở thành Sydney) tại cảng Jackson bởi đại tá Arthur Phillip vào ngày 26 tháng 1 năm 1788. Ngày đoàn tàu đầu tiên này (the First Fleet) cập bến sau đã trở thành ngày Quốc khánh của Úc.

Vùng đất Van Diemen (hiện nay là Tasmania) có người đến sống vào năm 1803, và trở thành thuộc địa riêng biệt vào 1825. Phần còn lại của lục địa, ngày nay là Tây Úc, được chính thức tuyên bố chủ quyền bởi Vương quốc Anh vàp năm 1829.

Theo sau sự mở rộng định cư của người Anh, các thuộc đia riêng biệt được lập ra từ các phần của New South Wales: Nam Úc vào 1836, Victoria vào 1851 và Queensland vào 1859. Lãnh thổ phía Bắc được thành lập, như là một phần của thuộc địa Nam Úc, vào năm 1863.

Trong thời kì 1855-1890, 6 thuộc địa hoàng gia lần lượt trở thành các thuộc địa tự trị, tức tự quản lí công việc của chính mình. Luật pháp Anh được kế tục sử dụng vào thời điểm nhận quyền tự trị, và sau đó thay đổi bởi cơ quan lập pháp từng vùng.

Chính phủ Anh vẫn giữ quyền điều khiển một số vấn đề, đặc biệt là ngoại vụ, phòng thủ, tàu thuyền quốc tế. Mặc dù có nền kinh tế dựa đáng kể vào nông thôn, Úc nhanh chóng đô thị hoá, tập trung nhất là quanh các thành phố Melbourne và Sydney.

 Vào những năm 1880 "Marvellous Melbourne" là thành phố lớn thứ hai trong Đế quốc Anh. Úc cũng giành được danh hiệu "thiên đường của người lao động" và là một nơi thí nghiệm cho cải cách xã hội, với kì bỏ phiếu kín đầu tiên và chính phủ đảng Lao Động đầu tiên trên thế giới.

Vào ngày 1 tháng 1 năm 1901, liên bang các thuộc địa được hoàn tất sau giai đoạn 10 năm thai nghén, và Liên bang Úc ra đời với tư cách là lãnh thổ của Đế quốc Anh. Lãnh thổ thủ đô Úc được tách khỏi New South Wales vào 1911, hình thành một nơi trung lập cho thủ đô mới của liên bang, Canberra (thủ đô lúc đầu là Melbourne).

Mặc dù Úc đã trở nên độc lập về nhiều phương diện, chính phủ Anh vẫn giữ một số quyền lực cho đến khi Quy chế Westminster 1931 được Úc phê chuẩn vào năm 1942, và một số quyền lực trên lí thuyết của nghị viện Anh trên từng tiểu bang chưa hoàn toàn chấm dứt cho đến khi thông qua Đạo luật Úc năm 1986. Hiến pháp nguyên thuỷ cho phép chính quyền liên bang đề ra luật liên hệ đến bất cứ dân tộc nào, trừ thổ dân.

Năm 1967, cuộc trưng cầu dân ý được hơn 90% người đi bầu ủng hộ việc cho phép chính quyền liên bang thông qua luật bảo vệ thổ dân và tính họ vào cuộc điều tra dân số.


Địa lý

Tổng diện tích tự nhiên của Úc là 7.617.930 km2 (2.941.300 dặm vuông)[18]. Tọa lạc trên mảng kiến tạo Ấn-Úc và bao quanh bởi Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Úc nằm cô lập với châu Á bởi biển Arafura và biển Timor. Úc có 34.218 km đường bờ biển (21.262 dặm) bao gồm cả các đảo ngoài khơi[19] và diện tích vùng đặc quyền kinh tế của Úc là 8.148.250 km2 (3.146.060 dặm vuông). Vùng đặc quyền kinh tế này không bao gồm lãnh thổ của nước này tại Nam Cực.

Great Barrier, rặng san hô lớn nhất thế giới[20], cách không xa bờ biển phía Tây Bắc và dài trên 2000 km (1.240 dặm). Núi Augustus ở bang Tây Úc được coi là núi đá nguyên khối lớn nhất trên thế giới[21]. Với chiều cao 2.228 m (7.313 ft), núi Kosciuszlo ở Rặng núi lớn là đỉnh núi cao nhất trên lục địa Úc, mặc dù đỉnh Mawson ở đảo Herald còn cao hơn khi chiều cao đo được là 2.745 m (9.006 ft).

Phần lớn diện tích là hoang mạc hoặc bán hoang mạc thường được biết đến với cái tên vùng hẻo lánh (outback). Úc là lục địa bằng phẳng với đất đai già cỗi và kém màu mỡ nhất và cũng là lục địa có người ở khô cằn nhất.

Chỉ có vùng Đông Nam và Tây Nam là có khí hậu ôn hòa. Phần đông dân cư của Úc sống tập trung ở bờ biển Đông Nam. Cảnh quan ở vùng Bắc đất nước, với khí hậu nhiệt đới, bao gồm rừng mưa, miền rừng, đồng cỏ, rừng đước và hoang mạc. Khí hậu nhìn chung bị các dòng biển trong đó có El Nino chi phối đáng kể, gây ra những trận hạn hán theo chu kỳ và cả xoáy thuận nhiệt đới tạo bão ở miền Bắc nước Úc[22].

Biến đổi khí hậu đang ngày càng trở thành mối lo ngại lớn tại Úc trong những năm gần đây[23] trong đó nhiều người dân coi đây là vấn đề nghiêm trọng nhất mà quốc gia của họ đang phải đối mặt[24].

 Tháng 6 năm 2008, một chuyên gia đã cảnh báo về một thời hạn dài, có thể là tổn thương sinh thái vô cùng nghiêm trọng cho toàn vùng vịnh Murray-Basin nếu nó không có đủ nước cho đến tháng 10[25]. Tình hình thiếu nước hiện cũng đang diễn ra ở nhiều vùng miền và thành phố của Úc do hậu quả của hạn hán[26].

Người Úc của năm 2007, nhà môi trường học Tim Flannery, đã dự đoán rằng trừ phi có một sự thay đổi mạnh mẽ nào đó, Perth của Tây Úc sẽ trở thành thành phố ma đầu tiên trên thế giới, một thành phố bị bỏ hoang do không có nước để duy trì dân cư[27].

Chính phủ đương nhiệm của Thủ tướng Rudd đã thi hành nhiều chính sách nhằm hạn chế mức độ nghiêm trọng của tình hình biến đổi khí hậu, trong đó có việc cố gắng cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính[28].

Trong ngày làm việc đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Úc, Rudd đã ký vào bản văn kiện phê chuẩn nghị định thư Kyoto. Tuy vậy mức độ khí thải cacbon điôxit tính theo đầu người của Úc thuộc hàng cao nhất trên thế giới, chỉ thấp hơn một số quốc gia công nghiệp hóa như Mỹ, Canada hay Na Uy. Nhìn chung mưa ở Úc có tăng lên trong vòng thập kỷ trước cả về diện và lượng[29].

Tuy đây là một tác động có lợi từ hiện tượng biến đổi khí hậu song lệnh tiết kiệm nước vẫn được áp dụng tại nhiều vùng miền và thành phố của Úc như một phản ứng trước việc thiếu nước thường xuyên do dân số đô thị tăng nhanh cũng như các trận hạn hán xảy ra tại địa phương[30].

Sinh thái

Mặc dù phần lớn lãnh thổ của Úc thuộc loại hoang mạc hoặc bán hoang mạc nhưng nước này vẫn sở hữu nhiều loại môi trường sống phong phú, từ cây thạch nam trên núi cao cho tới rừng mưa nhiệt đới. Hàng triệu năm tiến hóa cô lập với các lục địa khác đã làm cho các loài động thực vật của Úc tiến hóa theo những hướng khác hẳn với những nơi khác trên thế giới.

Kết quả là có một tỉ lệ lớn các loài của Úc không có mặt ở bất cứ nơi nào khác. Ở cấp độ về loài, có khoảng 85% thực vật cây có hoa, 84% động vật có vú, hơn 45% các loài chim và khoảng 89% loài cá vùng ôn đới chỉ được tìm thấy ở Úc[31].

Úc cũng là quốc gia có nhiều loài bò sát nhất thế giới với tổng cộng 755 loài[32]. Nhiều vùng sinh thái của Úc, và tất nhiên cùng với sinh vật ở đây, đang bị đe dọa bởi các hoạt động của con người và sự xâm chiếm của các loài động thực vật từ nơi khác. Đạo luật bảo vệ môi trường và bảo tồn tính đa dạng sinh học của liên bang là một khuôn khổ pháp lý để cứu những loài sinh vật đang bị đe dọa.

Nhiều vùng bảo vệ được thiết lập dưới kế hoạch hành động đa dạng sinh học của quốc gia nhằm cứu vớt những vùng sinh thái đặc chủng của Úc, 64 đầm lầy đã được ghi vào công ước Ramsar và 16 di sản thế giới đã được công nhận.

 Úc được xếp hạng 13 trong danh mục có thể chống chịu về môi trường năm 2005[33]. Các rừng cây ở Úc thường có rất nhiều loại cây khuynh diệp và phần lớn mọc ở những vùng đất mưa nhiều.

Phần lớn các loài cây rừng của Úc đều thuộc loại thường xanh và nhiều loài đã thích nghi được với môi trường sống thường xuyên xảy ra cháy và hạn hán trong đó có khuynh diệp và chi keo. Úc có một lượng lớn các loại cây họ đậu đặc chủng có thể phát triển mạnh ở những vùng đất nghèo dinh dưỡng nhờ sống cộng sinh với khuẩn Rhizobia và nấm mycorrhiza.

Một trong những quần động vật được biết đến ở Úc là động vật đơn huyệt (thú mỏ vịt và thú lông nhím); thú có túi trong đó có kangaroo, koala, gấu túi; cá sấu nước mặn và nước ngọt; đà điểu Úc và bói cá Úc.

Úc cũng là ngôi nhà của nhiều loại rắn độc nhất thế giới[34]. Chó dingo được nhập vào Úc bởi người Austronesian lúc đó đang trao đổi mậu dịch với thổ dân Úc từ năm 3000 TCN[35]. Rất nhiều loài động thực vật đã bị tuyệt chủng ngay sau khi con người bắt đầu định cư như các loài thú khổng lồ, số khác tuyệt chủng vì người Âu tới định cư trong đó có hổ Tasmania[36].

Chính trị

Liên bang Úc là một nhà nước theo thể chế quân chủ lập hiến với Nữ hoàng Elizabeth II của Vương quốc Anh cũng là Nữ hoàng của Úc, một vai trò riêng biệt và tách rời khỏi địa vị là Elizabeth II của Vương quốc Anh, và được chấp nhận rộng rãi là nguyên thủ quốc gia, mặc dù không được quy định trong hiến pháp và pháp luật của Úc. Nữ hoàng được đại diện trên danh nghĩa bởi Toàn quyền, nhưng trên thực tế Toàn quyền thực hiện vai trò hiến định hầu như độc lập với Nữ hoàng. Theo Hiến pháp Úc vai trò của Nữ hoàng hầu như hoàn toàn trên nghi thức.

 Mặc dù hiến pháp về mặt lý thuyết trao quyền hành pháp rộng rãi cho Toàn quyền, các quyền lực này ít khi được dùng trực tiếp, và theo truyền thống, chỉ được sử dụng khi được nội các cố vấn.

Nội các gồm các bộ trưởng cao cấp của chính quyền và được Toàn quyền chỉ định dựa trên cố vấn của Thủ tướng. Trường hợp đáng chú ý nhất khi Toàn quyền Úc sử dụng đến quyền lực dự trữ của mình ngoài sự chỉ đạo của Thủ tướng là việc giải tán chính phủ của Whitlam trong cuộc khủng hoảng Hiến pháp năm 1975[37].

Hệ thống lãnh đạo được đảm trách bởi 3 quyền lực liên hệ lẫn nhau:

    * Lập pháp: Quốc hội Liên bang
    * Hành pháp: Hội đồng Hành pháp (Toàn quyền, Thủ tướng và các Bộ trưởng)
    * Tư pháp: Toà án Tối cao Úc và các toà án liên bang.

Cơ chế phân quyền là nguyên tắc theo đó hệ thống tam quyền thực hiện hoạt động riêng biệt nhau:

    * Lập pháp thiết lập luật pháp, giám sát hoạt động của 2 hệ thống kia để thay đổi luật pháp khi thích hợp;
    * Hành pháp ban hành, thực thi và cưỡng chế luật pháp;
    * Tư pháp diễn giải luật pháp;
    * Hành pháp và Lập pháp không thể ảnh hưởng lên Tư pháp.

Các nguyên tắc luật pháp cơ bản đã được thay đổi khi thông qua Đạo luật Úc 1986. Với đạo luật này, luật pháp Úc trở thành luật pháp mang tính quốc gia, loại bỏ quyền lực lí thuyết của Quốc hội Anh thi hành luật vi phạm Hiến pháp Úc; và Toà án Tối cao Úc được xác nhận là toà phúc thẩm cao nhất và duy nhất.

Úc có quốc hội liên bang lưỡng viện, gồm Thượng viện với 76 Thượng nghị sỹ và Hạ viện (Viện dân biểu) với 150 dân biểu (Hạ nghị sỹ). Bầu cử ở Úc là bầu cử bắt buộc (bị phạt tiền nếu không tham gia) và ưu tiên (cử tri đánh số ưu tiên chọn lựa trên các ứng viên). Dân biểu được bầu dựa trên số dân với mỗi đơn vị bầu cử (division hay electorat) chọn ra một dân biểu (một ghế).

Tiểu bang càng đông dân thì càng có nhiều dân biểu vào Hạ viện và mỗi tiểu bang có tối thiểu 5 dân biểu. Trong Thượng viện, mỗi bang được 12 nghị sĩ và mỗi vùng lãnh thổ được 2 nghị sĩ đại diện bất kể dân số.

 Bầu cử cho hai viện này được tổ chức mỗi 3 năm, thường chỉ một nửa Thượng viện được bầu lại, vì Thượng nghị sĩ có nhiệm kì 6 năm. Chính phủ được thành lập dựa trên Hạ viện và người lãnh đạo của đảng chiếm đa số ở Hạ viện sẽ trở thành Thủ tướng. Nhiệm kì của chính phủ cũng là 3 năm, như nhiệm kì của dân biểu. Tuy nhiên chính phủ có thể trình Toàn quyền để giải tán quốc hội trước nhiệm kì và bầu lại.

Năm 1999 một cuộc trưng cầu dân ý đã được tổ chức về vấn đề thay đổi hiến pháp, chuyển Úc thành nước cộng hoà với một tổng thống được chỉ định thay cho vai trò của Nữ hoàng, nhưng kết quả trưng cầu đã bác bỏ điều này.

Ngoại giao và quân đội

Trong những thập niên gần đây, chính sách ngoại giao của Úc luôn có mối liên hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ qua Khối hiệp ước quân sự Úc-New Zealand-Mỹ (ANZUS).

 Úc cũng phát triển các mối quan hệ với châu Á và Thái Bình Dương qua tổ chức ASEAN và Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương. Năm 2005 Úc bắt đầu có ghế trong hội nghị Thượng đỉnh Đông Á sau khi tham gia Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác. Úc cũng là thành viên của khối thịnh vượng chung, nơi trở thành diễn đàn hợp tác chính để nhà lãnh đạo các quốc gia trong khối gặp gỡ nhau.

 Úc tích cực theo đuổi chính sách mở rộng tự do thương mại quốc tế. Nước này có vai trò thành lập Nhóm Cairns, liên minh 18 nước xuất khẩu hàng nông sản và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

Úc còn là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Úc theo đuổi nhiều thỏa thuận mậu dịch tự do trong đó gần đây nhất là thỏa thuận với Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới và Thỏa thuận mậu dịch về quan hệ kinh tế Úc-New Zealand (CER). Là một trong các quốc gia thành lập Liên hiệp quốc, Úc có các chương trình viện trợ cho hơn 60 nước trong khối.

 Trong hai năm 2005 và 2006, nước Úc đã chi 2.5 tỉ đô-la Úc cho chương trình này[38]. Nếu tính tỉ lệ phần trăm của GDP thì con số này thấp hơn mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc.

Các lực lượng phòng vệ Úc (ADF) gồm có Hải quân Hoàng gia Úc (RAN), Lục quân Úc và Không quân Hoàng gia Úc (RAFF) với tổng số quân hơn 73.000 trong đó có 53.000 quân chính quy và 20.000 lính dự bị[39].

 Quân đội Úc đứng hàng 68 thế giới về quy mô nhưng lại là một trong những lực lượng nhỏ nhất thế giới tính theo đầu người. Tất cả các bộ phận của ADF đều tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc (gần đây là Đông Timor, quần đảo Solomon và Sudan), giảm nhẹ thiên tai và xung đột vũ trang trong đó có cuộc tấn công Iraq 2003 của liên quân do Mỹ đứng đầu.

Chính phủ bổ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng từ một trong ba quân chủng. Bộ trưởng hiện nay là chỉ huy trưởng Không quân Marshal Angus Houston. Trong hai năm 2006 và 2008, ngân sách của Úc dành cho quốc phòng là 22 tỉ đô-la Úc[40]. Thống đốc là tổng tư lệnh quân đội nhưng lại không đóng vai trò chủ động trong ADF và trên thực tế, chính phủ được bầu mới thực sự nắm quyền kiểm soát ADF[41].

Tiểu bang và vùng lãnh thổ

Úc có 6 tiểu bang và hai vùng lãnh thổ chính nằm trên đại lục. Ngoài ra còn có một vài lãnh thổ phụ khác nằm dưới sự quản lý của chính phủ lien bang.

Các tiểu bang là New South Wales, Queensland, Nam Úc, Tasmania, Victoria và Tây Úc. Hai vùng lãnh thổ chính là Lãnh thổ Bắc và Lãnh thổ Thủ đô Úc (viết tắt: ACT). Ở hầu hết khía cạnh, chức năng của vùng lãnh thổ giống như của bang nhưng Quốc hội liên bang có thể tước bỏ quyền lập pháp của nghị viện lãnh thổ.

Tương phản với bộ luật liên bang chỉ có thể gạt bỏ bộ luật của bang trong một số lĩnh vực cụ thể được quy định trong điều 51 của Hiến pháp Australia; nghị viện của bang vẫn có tất cả quyền hợp pháp còn lại bao gồm quyền đối với bệnh viện, giáo dục, cảnh sát, thẩm phán, đường sá, giao thông công cộng và chính phủ địa phương.

Mỗi bang và vùng lãnh thổ có hệ thống lập pháp riêng: chế độ độc viện ở lãnh thổ Bắc, ACT và Queensland; lưỡng viện ở những bang và vùng lãnh thổ còn lại. Các bang có chủ quyền riêng mặc dù vẫn bị hạn chế bởi Hiến pháp liên bang. Hạ viện có vai trò như một hội nghị lập pháp trong khi thượng viện là hội đồng lập pháp.

 Đứng đầu chính quyền mỗi bang là một thủ tướng trong khi đứng đầu vùng lãnh thổ là một chủ tịch hội đồng bộ trưởng. Nữ hoàng được đại diện bởi một thống đốc ở mỗi bang, một quản lý ở mỗi vùng lãnh thổ và toàn quyền Úc ở ACT, đều có vai trò tương tự.

Úc cũng có một số vùng lãnh thổ bên ngoài có cư dân sinh sống (đảo Norfolk, đảo Christmas, quần đảo Cocos và Keeling) và một số vùng lãnh thổ rộng lớn bên ngoài và không có người sinh sống: Quần đảo Biển San Hô (Coral Sea Islands Territory), quần đảo Heard và McDonald và Lãnh thổ Nam cực thuộc Úc. Lãnh địa Thủ đô Úc được thành lập tại vị trí được chọn làm thành phố thủ đô Canberra trong vùng đất có tên Thung lũng sông Molongo. Việc thành lập Canberra là giải pháp thoả hiệp giữa 2 thành phố lớn nhất, Melbourne và Sydney, khi chọn thủ đô. Cái tên 'Canberra' được lấy từ tiếng thổ dân Ngunnawal, có nghĩa là "nơi gặp mặt". Lãnh thổ ACT cũng kết hợp với một vùng lãnh thổ riêng biệt nằm trong New South Wales gọi là Lãnh thổ vịnh Jervis (Jervis Bay Territory) đóng vai trò là căn cứ hải quân và cảng biển cho thủ đô.

Kinh tế


Đồng đôla Úc là đơn vị tiền tệ của Liên bang Úc, bao gồm đảo Giáng sinh, đảo Cocos và đảo Norfork, cũng như một số quốc gia độc lập khác trên Thái Bình Dương như Kiribati, Nauru và Tuvalu. Thị trường giao dịch An ninh Úc (ASE) và Tương lai Sydney (SFE) là hai thị trường chứng khoán lớn nhất nước Úc.

Nhìn chung nước Úc có một nền kinh tế khá thịnh vượng với thu nhập bình quân theo đầu người cao hơn Liên Hiệp Anh, Đức và Pháp một chút theo sức mua tương đương. Nước này cũng được xếp hạng ba về chỉ số phát triển con người của Liên hiệp quốc năm 2007 và hạng sáu về chỉ số chất lượng cuộc sống của tạp chí tin tức The Economist năm 2005.

Nước Úc còn nắm giữ kỷ lục với 4 thành phố lớn nằm trong danh sách những thành phố dễ sống nhất thế giới là Melbourne (hạng 2), Perth (hạng 4), Adelaide (hạng 7) và Sydney (hạng 9)[42]. Việc chú trọng vào xuất khẩu hàng hóa hơn là sản xuất đã góp phần kích thích thị trường thương mại Úc một cách rõ rệt trong bối cảnh giá cả các mặt hàng leo thang từ đầu thế kỷ 21.

 Tuy nhiên do cán cân thanh toán của Úc nhiều hơn 7% GDP, nước này liên tục có một lượng lớn thâm hụt tài khoản vãng lai trong suốt hơn 50 năm[43]. Trung bình hàng năm tỉ lệ này luôn vào khoảng 3,6% trong vòng hơn 15 năm trong khi mức trung bình của khối OECD chỉ là 2,5%[43]. Những yếu tố góp phần gây nên tình trạng này là nhu cầu hàng tiêu dùng nước ngoài gia tăng, việc tăng giá đồng đô-la Úc so với đô-la Mỹ và việc sụt giảm đáng kể hàng nông nghiệp xuất khẩu. Theo như IMF thì nền kinh tế Úc có khả năng rơi vào suy thoái trong năm 2009[44] sau 17 năm trên đà tăng trưởng[45].

Chính phủ của Bob Hawke đã thi hành chính sách thả nổi đồng đô-la Úc vào năm 1983 và một phần bãi bỏ hệ thống tài chính[46]. Chính phủ này cũng theo đuổi sự bãi bỏ một phần của thị trường lao động và việc tư nhân hóa các công ty nhà nước, nhất là ngành công nghiệp viễn thông[47]. Hệ thống thuế gián thu về cơ bản được thay đổi trong tháng 7 năm 2000 với sự ra đời của thuế hàng hóa và dịch vụ (GST), đôi chút làm giảm bớt sự nhờ cậy vào thuế thu nhập từ các cá nhân và pháp nhân vốn đã tiêu biểu cho hệ thống thuế má của Úc.

Trong tháng 1 năm 2007 đã có 10.033.480 người có việc làm và tỉ lệ thất nghiệp là 4,6%[48]. Tỉ lệ lạm phát luôn ở mức 2-3% trong thập niên trước và lãi suất cơ bản là 5-6%. Lĩnh vực dịch vụ trong đó có du lịch, giáo dục và dịch vụ tài chính đóng góp tới 69% GDP[49].

Mặc dù nông nghiệp và các ngành liên quan đến tài nguyên thiên nhiên chỉ chiếm có 3 và 5% GDP nhưng vẫn có vai trò quan trọng trong hoạt động xuất khẩu. Các thị trường xuất khẩu chính của Úc là Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và New Zealand[50].

Nhân khẩu

Hầu hết 21,7 triệu dân của Úc có nguồn gốc châu Âu từ những người khai hoang thời kỳ thuộc địa và người nhập cư trước khi Liên bang được thành lập, do đó có tới 90% dân số là con cháu của người Âu. Nhìn chung, những người khai hoang và nhập cư này tới từ quần đảo Anh-Ireland và cho tới ngày nay, phần đông người Úc vẫn có nguồn gốc từ đây.

Dân số của Úc đã tăng lên gấp 4 lần từ khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc[52], khuyến khích bởi một chính sách nhập cư đầy tham vọng. Từ khi chiến tranh thế giới thứ hai bắt đầu cho tới tận năm 2000, gần 5,9 triệu người trong dân số đã tới Úc như những người nhập cư mới, nghĩa là cứ 7 người Úc thì có 2 người sinh ra ở nước ngoài[53].

Hầu hết những người nhập cư đều được đào tạo[54] nhưng chỉ tiêu nhập cư có tính cả thành viên gia đình và người tị nạn[54]. Năm 2001, 5 nhóm sắc tộc lớn nhất trong số 23,1% người Úc sinh ở hải ngoại là người Anh, New Zealand, Ý, Việt Nam và Trung Quốc[50][55].

Theo sau việc bãi bỏ chính sách Úc da trắng năm 1973, nhiều sáng kiến của chính phủ đã được thực thi nhằm đẩy mạnh sự hài hòa chủng tộc dựa vào chính sách đa văn hóa[56]. Trong những năm 2005, 2006 đã có hơn 131.000 người tới định cư ở Úc trong đó chủ yếu tới từ châu Á và châu Đại Dương[57]. Mục tiêu di trú trong hai năm 2006-07 là 144.000 người[58].

Nước Úc sẽ mở cửa đón 300.000 người di trú mới trong hai năm 2008 và 2009, con số lớn nhất từ khi Bộ Nhập cư được thành lập sau Thế chiến II[59][60].

Năm 2001, người bản địa trong đó có thổ dân ở lục địa Úc và người ở đảo Torres Strait có dân số khoảng 410.003 (2,2% tổng dân số), một mức tăng trưởng đáng kể kể từ cuộc điều tra dân số năm 1976, lúc đó chỉ có 115.953 người.

Thổ dân Úc nhìn chung có tỉ lệ tù tội và thất nghiệp cao hơn, trình độ giáo dục thấp hơn, và tuổi thọ trung bình của đàn ông và đàn bà thấp hơn tới 17 năm so với người Úc không phải là thổ dân[50].

Giống như nhiều quốc gia phát triển khác, Úc có cấu trúc dân số ngày càng già đi với nhiều người về hưu hơn và ít người trong độ tuổi lao động hơn. Năm 2004, độ tuổi trung bình của dân số Úc là 38,8[61]. Rất nhiều người Úc (759.849 người trong khoảng thời gian 2002-03) sống ngoài đất nước của họ[62].

Tiếng Anh là ngôn ngữ quốc gia của Úc[63]. Tiếng Anh Úc vẫn có giọng phát âm và vốn từ vựng đặc biệt của nó. Theo như điều tra năm 2001 thì tiếng Anh là ngôn ngữ duy nhất được nói tại gia đình chiếm khoảng 80% dân số.

Ngôn ngữ thông dụng thứ hai là tiếng Trung (2,1%), tiếng Ý (1,9%) và tiếng Hy Lạp (1,4%). Một tỉ lệ đáng kể trong thế hệ thứ nhất và thứ hai của người di trú là người song ngữ. Nhiều người tin rằng có tới 200 đến 300 ngôn ngữ thổ địa từ khi người châu Âu bắt đầu đặt chân tới lục địa Australia. Tuy nhiên cho tới ngày nay chỉ còn có 70 ngôn ngữ còn tiếp tục tồn tại trong đó 20 ngôn ngữ đang trên đà mai một.

 Có một ngôn ngữ thổ địa là ngôn ngữ chính của 50.000 người (0,25%). Nước Úc cũng có một ngôn ngữ ký hiệu tên là Auslan được dùng để giao tiếp cho 6.500 người bị điếc.

Úc không có một tôn giáo chính thức nào. Theo điều tra năm 2006 thì có 64% người Úc là tín đồ Cơ Đốc giáo trong đó 26% Công giáo La Mã và 19% Anh giáo. 19% được cho là "không tôn giáo" trong đó bao gồm những người theo chủ nghĩa nhân đạo, chủ nghĩa vô thần, chủ nghĩa duy lý và theo thuyết bất khả tri. 12% số người không trả lời hoặc đưa ra được câu trả lời thích đáng về tôn giáo của họ. Khoảng 5% là người không theo đạo Cơ Đốc. Một số cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng Úc là một trong những nước ít mộ đạo nhất trong số các quốc gia phát triển, tôn giáo không đóng vai trò quan trọng trong đời sống của phần đông người Úc[64][65].

 Giống như nhiều quốc gia phương Tây, mức độ tích cực tham gia các hoạt động lễ bái tại nhà thờ khá thấp và đang có xu hướng giảm. Hàng tuần có khoảng 1,5 triệu người tham gia các buổi lễ tại nhà thờ, chỉ chiếm khoảng 7,5% dân số[66]. Chính phủ Úc có những cố gắng để bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng và không cho phép bất cứ sự lợi dụng nào.

Đi học là việc bắt buộc tại hầu khắp nước Úc, bắt đầu từ khi trẻ lên 6 và kết thúc năm 15 tuổi (16 tuổi ở Nam Úc và Tasmania và 17 tuổi tại Tây Úc và Queensland), giúp tăng tỉ lệ người biết chữ lên tới 99%. Chương trình đánh giá sinh viên quốc tế tổ chức bởi OECD hiện đang xếp nền giáo dục của Úc ở vị trí thứ 8 trong số những nền giáo dục tốt nhất thế giới, tốt hơn mức trung bình của OECD[67].

 Chính phủ ra nhiều học bổng để ủng hộ 38 trường đại học của Úc và nhiều trường đại học tư cũng nhận được nguồn tài chính từ chính phủ. Có một hệ thống đào tạo nghề cao hơn cao đẳng có tên là TAFE Institutes dành cho các đối tượng thương nhân. Xấp xỉ 58% người Úc trong độ tuổi từ 25 đến 64 có trong tay chứng chỉ nghề hoặc chứng chỉ cấp ba[50] và tỉ lệ 49% tốt nghiệp cấp ba ở Úc thuộc loại cao nhất trong số các quốc gia OECD[68]

Văn hóa

Từ năm 1788, nền tảng chính của văn hóa Úc là Anglo-Celtic mặc dù các đặc thù riêng của nước này cũng sớm xuất hiện từ môi trường tự nhiên và nền văn hóa của thổ dân. Đến giữa thế kỷ 20, văn hóa Úc chịu ảnh hưởng mạnh bởi văn hóa đại chúng của Mỹ, chủ yếu là truyền hình và điện ảnh, bởi các quốc gia láng giềng và bởi một tỉ lệ lớn người nhập cư từ các nước không nói tiếng Anh.

Nghệ thuật thị giác của Úc được cho là đã khởi nguồn từ các bức họa vẽ trong hang động và trên vỏ cây của thổ dân[70]. Bản sắc của người bản địa Úc phần lớn được lưu truyền dưới hình thức truyền khẩu, gắn liền với các nghi lễ và việc kể các câu chuyện về Dreamtime (thổ dân Úc coi đây là thời mà tổ tiên của họ tạo đất, tạo nước, tạo ra muôn loài và luật lệ).

 Âm nhạc, nhảy múa và nghệ thuật của người bản địa có tác động tới nghệ thuật thị giác và biểu diễn đương đại của Úc. Từ khi người châu Âu tới đây định cư, chủ đề chính trong hội họa Úc là phong cảnh thiên nhiên, có thể thấy trong các tác phẩm của Albert Namatjira, Arthur Streeton cùng những nghệ sĩ khác từng theo học tại trường Heidelberg và Arthur Boyd.

Các nghệ sĩ chịu ảnh hưởng bởi hội họa hiện đại của Mỹ và châu Âu bao gồm họa sĩ trường phái lập thể Grace Crowley, trường phái siêu thực James Gleeson, trường phái ấn tượng trừu tượng Brett Whiteley và trường phái pop art Martin Sharp. Viện triển lãm quốc gia Úc và các viện triễn lãm cấp bang khác vẫn lưu giữ nhiều bộ sưu tập tranh của Úc và nước ngoài.

Từ những năm đầu thế kỷ 20 cho tới nay, phong cảnh nước Úc vẫn là nguồn cảm hứng chính cho các nghệ sĩ. Có thể thấy rõ điều này qua các tác phẩm có tiếng vang bởi nhiều họa sĩ như Sidney Nolan, Grace Cossington Smith, Fred Williams, Sydney Long, và Clifton Pugh.

Nhiều công ty tổ chức biểu diễn nghệ thuật của Úc nhận được vốn hoạt động từ chính phủ liên bang. Tại mỗi thủ đô của các bang đều có một dàn nhạc giao hưởng và nước Úc có một công ty opera cấp quốc gia, Opera Úc, vốn trở nên có tiếng tăm nhờ giọng ca của Nellie Melba và Joan Sutherland. Múa và ba lê được trình diễn bởi Ballet Úc và nhiều công ty múa khác đền từ các tiểu bang. Mỗi bang đều có nhà hát hoạt động bởi vốn cộng đồng.

Ngành công nghiệp điện ảnh của Úc ra đời năm 1906 với việc phát hành của The Story of the Kelly Gang, bộ phim dài 70 phút kể về Ned Kelly, một lục lâm và anh hùng dân gian nổi tiếng của Úc.

Đây được cho là bộ phim dài đầu tiên được sản xuất trên thế giới[71]. Làn sóng mới của điện ảnh Úc trong thập niên 1970 đã đem đến nhiều bộ phim thành công và có tính khiêu khích, trong đó có một số phim phản ảnh thời kỳ thực dân của Úc như Panic at Hanging Rock và The Wave. Một vài bộ phim thành công sau đó là Mad Max và Gallipoli và gần đây là Shine, Rabbit-Proof Fence và Happy Feet.

 Phong cảnh thiên nhiên đa dạng và một vài thành phố lớn đã được tận dụng làm phim trường cho một số phim nổi tiếng như Ma trận, Peter Pan, Superman Returns và Finding Nemo.

 Nước Úc cũng có nhiều ngôi sao điện ảnh nổi tiếng thế giới trong đó tiêu biểu là Judith Anderson, Errol Flynn, Nicole Kidman, Hugh Jackman, Heath Ledger, Geoffrey Rush, Russell Crowe, Toni Collette, Naomi Watts và Cate Blanchett, một vài người trong số họ đã giành được giải Oscar, giải thưởng điện ảnh uy tín nhất của nước Mỹ.

Văn học của Úc cũng lấy nhiều cảm hứng từ phong cảnh thiên nhiên. Các tác phẩm của một số nhà văn như Banjo Paterson, Henry Lawson và Dorothea Mackellar khắc họa thành công bức tranh về thiên nhiên hoang dã nước Úc. Nét đặc sắc của nước Úc thời thuộc địa, vốn được phản ánh trong nền văn học thưở ban đầu, rất quen thuộc đối với nhiều độc giả ngày nay.

 Họ tin rằng các tác phẩm ra đời trong thời kỳ này nhấn mạnh đến tình bằng hữu, chủ nghĩa quân bình và phi độc tài. Năm 1973, nhà văn Patrick White được trao giải Nobel Văn học và hiện ông vẫn là người Úc duy nhất được trao tặng giải thưởng danh giá ở hạng mục này. Colleen McCullough, David Williamson và David Malouf là ba nhà văn khác có tên tuổi trong nền văn học Úc.

Úc có hai hãng thông tấn quốc gia là ABC (Tập đoàn Truyền thông Úc) và SBS (Dịch vụ Truyền thông đặc biệt), ba mạng lưới truyền hình thương mại, nhiều dịch vụ truyền hình trả phí và nhiều đài phát thanh, truyền hình công cộng hay phi lợi nhuận. Mỗi thành phố lớn đều có nhật báo và ngoài ra còn có hai tờ nhật báo quốc gia là The Australian và The Australian Financial Review.

Theo như bản báo cáo năm 2008 của tổ chức Phóng viên không biên giới thì nước Úc được xếp hạng 25 trong danh sách 173 quốc gia về tự do báo chí, sau New Zealand (hạng 7) và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (hạng 23) nhưng xếp trên Hoa Kỳ (hạng 48). Thứ hạng thấp của Úc chủ yếu là do sự kém đa dạng trong việc sở hữu các phương tiện truyền thông thương mại[72].

Cụ thể, tất cả các phương tiện truyền thông in ấn đều nằm dưới tầm kiểm soát của News Corporation và John Fairfax Holdings.23,5% người Úc ở độ tuổi trên 15 thường xuyên tham gia vào các hoạt động thể thao có tổ chức.

Nước Úc có các đội quốc tế khá mạnh ở các môn cricket, bóng bầu dục, netball (một môn thể thao gần giống bóng rổ) và các môn thể thao thế mạnh của Úc là đua xe đạp, đua thuyền và bơi. Các vận động viên nổi tiếng nhất nước Úc là kình ngư Dawn Fraser và Ian Thorpe, vận động viên chạy nước rút Cathy Freeman, tay vợt tennis Rod Laver và Margaret Court và vận động viên cricker Donald Bradman.

Một số môn thể thao phổ biến khác tại Úc là bóng đá Úc, đua ngựa, bóng đá và đua motor. Úc tham gia tất cả các kỳ Thế vận hội Mùa hè thời hiện đại cũng như các kỳ Đại hội Thể thao Khối thịnh vượng chung.

Úc là nước chủ nhà của hai kỳ Thế vận hội 1956 tại Melbourne và 2000 tại Sydney và luôn nằm trong tốp 6 đoàn thể thao giành được nhiều huy chương nhất kể từ năm 2000[73]. Úc cũng tổ chức các kỳ Đại hội Thể thao Khối thịnh vượng chung vào các năm 1938, 1963, 1982 và 2006. Các sự kiện thể thao quốc tế lớn khác được tổ chức tại Úc bao gồm giải quần vợt Úc Mở rộng, một trong 4 giải Grandslam của tennis trong năm; Giải đua ô tô Công thức 1 và các trận thi đấu cricket quốc tế.

Các chương trình thể thao có tỉ lệ người xem cao nhất là các kỳ Thế vận hội Mùa hè, các vòng đấu chung kết của giải bóng đá ngoại hạng Úc cũng như giải bóng bầu dục quốc gia[74].

Văn Lâm (Theo Wikipedia)

Địa danh:
download game kim cuong bejeweled, reader pdf foxit reader 5 link tai, down ghep file hj-split link nhanh, tai download winrar 64 bit giai nen file rar, link tai xilisoft video cutter cut video, download goldwave down gold, tai cut nhac x-wave mp3 cutter joiner link nhanh, pro can edit thi dung cool edit pro link down, deep freeze standard dong bang o cung dep freze, link tai blazingtools perfect keylogger down nhanh converter, x2x free 3gp converter tai link nhanh, abdio 3gp converter chuyen doi converter nhanh,download microsoft .net framework 3.5 link tai nhanh