Những điểm du lịch ở Châu Thành (An Giang)
Du lịch không phải là thế mạnh của Châu Thành, một huyện ven đô. Nhưng với phong cảnh của miệt vườn và tận dụng lợi thế mùa nước nổi, huyện vẫn có những điểm đến làm du khách thích thú, giúp họ hiểu rõ hơn về miền đất và con người An Giang nói chung, Châu Thành nói riêng.
Mô hình nghĩa quân nổi lửa lò rèn.
Nằm trên Quốc lộ 91 thuộc địa phận xã Bình Hòa, Trạm dừng chân Thần Tài của Công ty trách nhiệm hữu hạn Khải Duyên chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1-2008. Với các hoạt động kinh doanh dịch vụ, thương mại như phục vụ các món ăn Việt Nam – Âu – Á, nhà nghỉ, vườn sinh thái, các gian hàng bán quà lưu niệm chuyên cung cấp một số đặc sản của các vùng miền (Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tây Nguyên…), trạm dừng chân đã trở thành một địa điểm khá nổi tiếng tại Châu Thành. Mỗi ngày, trạm tiếp đón khoảng 1.000 lượt khách, trong đó du khách nước ngoài chiếm số lượng đáng kể.
Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Duyên, Giám đốc Công ty TNHH Khải Duyên - Trạm dừng chân Thần Tài cho biết: “Với diện tích 16.000m² được đầu tư trên 20 tỷ đồng, trạm dừng chân nhằm góp phần quảng bá nét văn hóa đặc sắc của Nam Bộ đến với du khách xa gần. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng khu du lịch sinh thái dành cho người nước ngoài, trạm cung cấp nhiên liệu, bảo dưỡng bảo trì ô tô, có cả tổ y tế phục vụ sức khỏe du khách, phòng tạm nghỉ cũng như khu truyền thông quảng bá về đất nước – con người An Giang... theo tiêu chuẩn của “Trạm dừng chân Quốc gia” của tổ chức ZIKA (Nhật bản) tài trợ”.
Thực hiện Chương trình “Khai thác lợi thế mùa nước nổi giai đoạn 2006 – 2010” của tỉnh, Công ty Cổ phần Dịch vụ Lữ hành An Giang bắt đầu tổ chức tour du lịch mùa nước nổi đến xã Vĩnh An. Lịch trình du lịch thật sự đầy đủ để du khách cảm nhận về đời sống miền sông nước địa phương: Đi thuyền tham quan cánh đồng nước nổi mênh mông ở vùng Láng Linh - Bảy Thưa (từng là khu căn cứ cách mạng); tham gia hái bông điên điển, bông súng đồng; chài lưới đánh bắt cá linh, cá rô, cá mè vinh… cùng người nông dân địa phương bằng xuồng câu; tham gia các trò chơi trên đồng như: Đua xuồng, chài cá có thưởng; tham quan Dinh Sơn Trung (lò rèn); thưởng thức các món ăn dân dã mùa nước nổi; sinh hoạt giao lưu đàn ca tài tử.
Ở xã Vĩnh An, Dinh Sơn Trung và di tích Lò Rèn Bảy Thưa là một điểm văn hóa – lịch sử đặc biệt của Châu Thành. Đây chính là bản doanh mật khu Bảy Thưa do Quản Cơ Trần Văn Thành tổ chức và xây dựng năm 1867. Sau nhiều lần trùng tu bằng tiền đóng góp của khách thập phương và các nhà Mạnh Thường Quân, Dinh Sơn Trung trở thành một ngôi đình to lớn, thoáng đãng, có đủ chỗ cho hàng trăm người về ăn nghỉ dịp lễ giỗ hàng năm (21/2 âm lịch). Lò rèn năm xưa được tái dựng đúng vị trí cũ, diễn lại cảnh đang nổi lửa của nghĩa quân, mang ý nghĩa lịch sử, thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan mỗi năm.
Mới bắt đầu tổ chức tour du lịch mùa nước nổi nên chính quyền và người dân xã Vĩnh An còn khá nhiều bỡ ngỡ. Ngoài việc bảo đảm an ninh cho du khách, xã còn phải tìm người đổ bánh, đưa thuyền đón khách, chuẩn bị cho các trò chơi. Lần đầu tiên, cuộc sống tĩnh lặng đồng Láng Linh trở thành một sản phẩm du lịch. Ông Trịnh Văn Điệp, Chủ tịch xã Vĩnh An cho biết: “Mỗi tour du lịch sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 30 lao động nhàn rỗi tại địa phương, đồng thời người dân có thể kiếm thêm thu nhập từ những đặc sản mùa nước nổi. Đẩy mạnh du lịch sẽ góp phần phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
Nguồn: An Giang