Kỳ thú núi Cấm
Đến núi Cấm (Tịnh Biên, An Giang), bạn phải lên và sống trên núi mới thấy hết được nét đẹp tiềm ẩn của nó. Các bác tài xe ôm sẽ "vù vù" đưa bạn lên chùa Phật Lớn ở độ cao khoảng 400 - 500m.
Đi xe ôm lên núi, bạn mới cảm nhận được sự thú vị. Chiếc xe như cố trườn qua các tảng đá lớn, những hòn sỏi to và thỉnh thoảng gặp một dòng suối nhỏ loanh quanh chảy ngang mặt đường. Đưa bạn vượt qua chặng đường quanh co khúc khuỷu này đều là những tay đua "vượt địa hình" xuất sắc và điêu luyện. Phục họ bao nhiêu, bạn càng tội chiếc xe bấy nhiêu. Bởi để có thể trườn trên con đường dài khoảng 10 km ấy, chiếc xe phải được xoáy nòng, thay sên dĩa ba tháng một lần. Đưa khách lên núi 25.000 đồng, xuống núi 20.000 đồng. Nhưng tính cả lượt đi và về, bạn sẽ được các bác tài ra giá hữu nghị 40.000 đồng. Xe ôm trên núi hoạt động hầu như liên tục, tới khoảng 9 - 10 giờ tối mới ngưng.
Điều kỳ thú tiếp theo là chùa Phật Lớn. Nghe cái tên ắt hẳn ai cũng tưởng đó là ngôi chùa đồ sộ, uy nghi, nào ngờ chỉ là một ngôi chùa nhỏ bé. Không gian chùa khá chật khi phải thờ một tượng Phật quá lớn. Theo cư dân địa phương, sở dĩ gọi chùa Phật Lớn là vì chùa có tượng Phật to và còn để phân biệt với chùa Phật Nhỏ ở hướng đông gần chân núi. Đến khu vực chùa Phật Lớn, bạn sẽ ngạc nhiên khi bắt gặp một khu phố chừng khoảng chục căn nhà, mỗi bên áp mái vào nhau trên một con đường vừa đủ hai người đi. Nhà nào cũng có gác. Bên dưới dùng để bán buôn, gác dùng để ở, có nhà dùng vài ba phòng cho khách trọ. Giá khá rẻ, 30.000 đồng/ngày đêm. Giá càng rẻ hơn nữa, chỉ có 3.000 đồng/người, nếu bạn chịu ngủ chung với nhiều người trên một sàn nhà với một chiếc chiếu và một cái mền. Bỏ lại sau lưng những âm thanh ồn ào và náo nhiệt của chốn phồn hoa đô hội, cư trú trong những khu nhà trọ mang đậm chất dân dã này, bạn sẽ được tận hưởng sự tĩnh lặng của núi non và cũng để cảm nhận được cái không khí lành lạnh của màn sương mỏng bàng bạc, bao phủ quanh triền núi.
Càng về khuya núi Cấm càng cho bạn thấy tên gọi "Đà Lạt thứ hai" như nhiều người xưng tụng quả là không ngoa.
(Nguồn: TNO)