Châu Đốc (An Giang) vùng đất linh thiêng, thơ mộng
Là một trong hai đô thị lớn của tỉnh An Giang, thị xã Châu Đốc nằm bên ngã ba sông thơ mộng, nhìn sang Cồn Tiên và xóm Châu Giang với thương thuyền tấp nập, bè cá san sát nối đuôi nhau.
Trước mặt thị xã là giao điểm của sông Châu Đốc và sông Hậu, sau lưng là dãy núi Thất Sơn chập chùng, hùng vĩ. Thị xã Châu Đốc là nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh độc đáo cấp quốc gia. Các công trình di tích được Bộ Văn Hóa xếp hạng gồm có: chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, miếu Bà Chúa Xứ, chùa Hang, đình Châu Phú. Năm 2002 là năm thứ hai tổ chức lễ hội vía Bà Chúa Xứ cấp quốc gia đón nhận hàng triệu lượt du khách đến tham quan, hành hương tại khu vực núi Sam. Các thắng cảnh khác thu hút đông đảo du khách tìm đến là xóm người Chăm Châu Giang, kinh Vĩnh Tế, làng Bè hoặc như đồi Bạch Vân, vườn Tao Ngộ, nhà nghỉ Bác Sĩ Nu, Pháo Đài trên núi Sam. Nơi đây còn có những món ăn đặc sản nổi tiếng với hương vị đặc biệt không nơi nào có được là mắm thái, mắm trèn, mắm lóc, lạp xưởng, đường thốt nốt, khô bò, khô cá tra phồng, bò bảy món, gỏi sầu đâu... mà du khách nào đã đến đây rồi không thể không nếm thử hoặc mua về làm quà cho người thân.
Trước tiên, khi đến thị xã chúng ta hãy ghé vào đình Châu Phú nằm dưới một bóng cây cổ thụ êm đềm ở góc đường Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Thoại, thuộc phường Châu Phú A nhìn ra dòng Hậu Giang phẳng lặng gợi cho ta một niềm hoài cổ khôn khuây. Đây là ngôi đình lớn và đẹp nhất ở đồng bằng Nam bộ, có diện tích cả ngàn mét vuông, chia nhiều gian thoáng mát. Đình thờ bài vị Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, ông còn có tên khác là Nguyễn Hữu Kính, sinh năm 1650 tại Huế, là con thứ ba của Chiêu vũ hầu Nguyễn Hữu Dật, một dòng họ làm quan nhiều đời, tổ tiên là Ức Trai Nguyễn Trãi. Ông từng lập nhiều công lớn được các triều vua phong tặng danh vị Đô đốc thống chế dinh thần cơ, Thượng đẳng thần, Khai quốc công thần, Lễ thành hầu...
Điểm tham quan thứ hai mà khi đã đến Châu Đốc không thể không ghé thăm là miếu Bà Chúa Xứ. Đến nay chưa có sử liệu nào ghi lại chính xác miếu Bà có từ khi nào nhưng trong dân gian tương truyền rằng cách đây gần 200 năm, núi Sam còn hoang sơ, nhiều thú dữ, dân cư thưa thớt, giặc biên giới thường sang quấy nhiễu. Có một toán giặc leo lên núi phát hiện một pho tượng cổ bằng đá rất đẹp, chúng bèn tìm cách khiêng đi nhưng không tài nào xê dịch được. Tức giận chúng đã đập phá làm gẫy cánh tay trái pho tượng, sau đó trong làng có một bé gái bỗng dưng tự xưng là Chúa Xứ Thánh Mẫu báo cho các bô lão biết tượng Bà đang ngự trên núi bị giặc phá hoại, dân làng hãy đưa Bà xuống. Chỉ có 9 cô gái đồng trinh mới có thể di dời được tượng Bà xuống núi. Xuống đến chân núi, tượng bỗng nặng trịch, các cô gái không nhấc được nữa, đó là ý Bà muốn ngự nơi đây nên dân làng lập miếu thờ. Hôm đó là ngày 25 tháng 4 âm lịch và nơi đó chính là miếu Bà Chúa Xứ ngày nay. Tượng Bà là một tác phẩm nghệ thuật bằng đá son, có từ thế kỷ thứ 6; dáng ngồi nghĩ ngợi, khoan thai, thuộc loại tượng thần Vít-nu có nhiều ở Ấn Độ, Lào và Campuchia. Hàng năm, số tiền du khách đến cúng lên tới vài tỷ đồng, góp phần cho địa phương xây dựng các công trình phúc lợi, an sinh.
Rời miếu Bà đồ sộ, hoành tráng, chúng ta đến thăm chùa Hang tao nhã, phiêu diêu là tên gọi của Phước Điền tự nằm riêng lẻ trên triền phía tây núi Sam. Nơi đây hấp dẫn du khách bởi truyền thuyết Thanh xà, Bạch xà. Tương truyền trong hang sâu có cặp rắn rất lớn. Con màu xanh là Thanh xà, con màu trắng là Bạch xà, thường nghe tiếng kinh kệ nơi Phước Điền tự mà đêm đêm bò ra ăn đồ chay cúng Phật và trông chừng thú dữ, kẻ gian, bảo vệ yên tĩnh chốn tu hành. Hiện nay, chùa Hang đã được lấp kín, chỉ còn một lối đi vào cửa sâu 10m trông rất âm u huyền bí. Ngoài ra trên núi còn có nhiều công trình nguy nga tráng lệ như chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu mang nhiều nét truyền thống lịch sử độc đáo. Các địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn khác như leo lên đỉnh núi thăm pháo đài cổ, đến đồi Bạch Vân để xem nhiều tảng đá lớn cheo leo chồng lên nhau thành những mái che, hang động thiên nhiên đẹp mắt. Nhìn xuống sông Châu Đốc là làng nổi trên sông với gần 2.000 bè cá tập hợp thành làng nổi trù phú, thơ mộng, tạo nét sinh hoạt độc đáo về văn hóa, đặc thù về kinh tế, hấp dẫn du khách và các nhà kinh doanh đến với làng. Một ngôi nhà trên sông như vậy trị giá gần 1 tỷ đồng có đáy sâu 5m bằng loại gỗ sao, bọc dưới bằng Inox để nuôi cá basa và các loại cá khác.
(Nguồn: CA Tp.HCM)